Làm gì để kiểm soát ô nhiễm không khí ở Hà Nội?

Các nhà quản lý, người dân cần quan tâm hơn nữa, tăng cường đầu tư nguồn lực, kiểm soát chặt vấn đề ô nhiễm không khí.

 

Cần làm gì để kiểm soát ô nhiễm không khí?

TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng: "Trước hết, chúng ta phải có số liệu đầy đủ và cập nhật về khí thải của các cơ sở sản xuất để nắm được ngành nào, cơ sở nào, ở đâu, mức độ, nguyên nhân ô nhiễm để có giải pháp. Qua đó công khai trách nhiệm của các bên trong việc để xảy ra ô nhiễm”.

Các nhà quản lý, người dân cần quan tâm hơn nữa, tăng cường đầu tư nguồn lực, kiểm soát chặt vấn đề ô nhiễm không khí.

Với nguồn giao thông, không nên chần chừ việc kiểm soát khí thải xe máy chạy xăng ở thành phố lớn, thí điểm ngay cơ chế hạn chế phương tiện giao thông chạy xăng, khuyến khích sử dụng phương tiện chạy điện. Kết hợp với các thiết bị kỹ thuật số như camera thông minh, phương pháp xử lý và dự báo bằng trí tuệ nhân tạo để biết lượng phát thải từ phương tiện tham gia giao thông, sự chuyển biến trong việc áp dụng các chính sách, biện pháp quản lý kỹ thuật để tiếp tục tìm ra chính sách phù hợp, hiệu quả hơn.

Trong xây dựng, các đơn vị thi công nhà cao tầng, cơ sở hạ tầng cần lắp camera truyền dữ liệu trực tuyến về cơ quan quản lý để theo dõi biện pháp chống bụi theo quy định.

Để giảm thiểu việc đốt rơm rạ, cần có cơ chế hỗ trợ bà con nông dân ngay từ khi trồng cho đến khi thu gom, xử lý, coi đó là trách nhiệm của chính quyền các cấp (hỗ trợ kinh phí, chế phẩm sinh học, cung cấp thông tin, tạo thị trường mua bán rơm rạ và các sản phẩm từ rơm rạ…).

Để hạn chế đốt rác tự nhiên, cần có hệ thống quản lý việc thu gom vận chuyển để nắm được số lượng rác các loại, nơi đổ rác, nơi chung chuyển, vận chuyển rác hàng ngày; chia sẻ trao đổi giữa người dân, chính quyền cấp xã phường và đơn vị thu gom vận chuyển rác.

Đặc biệt cần thay đổi tư duy, từ chỗ chung chung dàn trải nặng về tiền kiểm sang hậu kiểm, trách nhiệm cụ thể rõ ràng của các chủ thể (doanh nghiệp, cơ quan quản lý, người dân), tập trung nguồn lực, chính sách biện pháp giải quyết nhanh, kịp thời và hiệu quả ô nhiễm, dự báo được những xu hướng ô nhiễm để có các biện pháp ngăn ngừa.

Cụ thể, cần có các cơ quan chuyên môn quản lý chất lượng không khí ở cấp Bộ và một số tỉnh/thành. Một số thủ tục như đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường cần được phân cấp và cải tiến đơn giản mạnh mẽ theo hướng đơn giản cụ thể với từng loại ngành, mạnh dạn chuyển sang hậu kiểm theo tinh thần của Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Hệ thống quan trắc chất lượng không khí xung quanh cần được ưu tiên đầu tư để nắm rõ hiện trạng và dự báo chất lượng không khí.

Việc công khai số liệu thanh tra, kiểm tra, quan trắc khí thải của các cơ sở phát thải lớn cũng là một việc làm ưu tiên. Có như vậy mới có thể khuyến khích cộng đồng thể hiện trách nhiệm theo tinh thần “dân biết, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”.

Thiếu nguồn lực và chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề ô nhiễm không khí

Đánh giá về việc triển khai các giải pháp giảm ô nhiễm không khí, TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, ô nhiễm không khí tại Việt Nam được chú ý từ nhiều năm trước. Chất lượng không khí xung quanh, các nguồn ô nhiễm đã được đề cập trong báo cáo của Bộ Tài nguyên Môi trường và cơ quan quản lý. Hệ thống pháp lý gồm luật, nghị định, thông tư, quy chuẩn bảo vệ môi trường không khí liên tục được hoàn chỉnh. Các kế hoạch hành động quốc gia nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí được ban hành.

TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam.

Hệ thống quan trắc không khí xung quanh, quan trắc nguồn thải được củng cố và phát triển. Tuy nhiên, ô nhiễm không khí chẳng những không giảm mà còn có xu hướng gia tăng cùng với sự tăng trưởng dân số, kinh tế và điều kiện thời tiết cực đoan. Đã đến lúc chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận vấn đề.

Trước hết, tại một số bộ ngành, địa phương sự quan tâm và “quyết tâm chính trị”, độ “quyết liệt” đối với ô nhiễm không khí chưa cao. Qua một số sự việc tôi thấy, nếu có quyết tâm cao, coi đấy là việc phải làm thì khó mấy rồi cũng tìm được giải pháp hiệu quả. Hiện nay, một thực tế đáng buồn là ô nhiễm không khí chỉ được nhắc tới khi xảy ra, vào mùa hè thì không ai quan tâm.

“Một vấn đề nữa là chúng ta vẫn còn hô hào, hay nói chung chung, quản lý chung chung, dàn đều với những cụm từ như tăng cường, quyết liệt, nâng cao, cương quyết. Mặc dù đã ban hành nhiều văn bản quy định, nhưng không cụ thể, thiếu các hướng dẫn kỹ thuật, vẫn nặng tiền kiểm thay vì hậu kiểm, làm cho doanh nghiệp, cơ quan quản lý, nhất là ở cấp địa phương không dễ thực hiện. Nguồn lực giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí ở nước ta rất hạn chế. Có thể ví dụ như ở Berlin (Đức), dù diện tích và dân số ít hơn Hà Nội nhiều nhưng có cơ quan quản lý chất lượng không khí riêng với đội ngũ cán bộ chuyên ngành khoảng 40 người. Trong khi, Hà Nội thường xuyên có những ngày ô nhiễm cao ở mức đỏ, tím, thậm chí nâu nhưng không có cơ quan quản lý không khí riêng, cán bộ chuyên ngành rất ít. Kinh phí cho quản lý không khí, cho hệ thống quan trắc không đáng bao nhiêu. Đây là bức tranh chung ở các địa phương và ở cấp trung ương”, TS Hoàng Dương Tùng nêu quan điểm.

Kiểm soát chặt nguồn gây ô nhiễm

Theo ông Hoàng Văn Thức - Cục trưởng cục kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TN&MT), để khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí, nhất là tại Hà Nội, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đã có nhiều đề nghị các Sở TN&MT khẩn trương chỉ đạo, tăng cường tần suất quan trắc, công bố kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí trên cổng thông tin điện tử và phương tiện truyền thông của tỉnh, thành phố, khuyến cáo người dân áp dụng ngay các giải pháp bảo vệ sức khỏe, đặc biệt với nhóm đối tượng có hoạt động ngoài trời vào 5h-7h sáng và 14h-19h tối.

Ông Hoàng Văn Thức - Cục trưởng cục kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TN&MT).

Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cũng yêu cầu các địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát các nguồn thải khí thải (đặc biệt là các điểm đốt mở, đốt rác thải, đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp, công trình xây dựng, cơ sở sản xuất công nghiệp). Trong đó, yêu cầu các cơ sở sản xuất công nghiệp kiểm soát, bảo đảm xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, đặc biệt là các cơ sở có phát sinh nguồn bụi, khí thải lớn. Đôn đốc, giám sát các cơ sở sản xuất thuộc đối tượng phải lắp đặt quan trắc khí thải tự động và truyền dữ liệu về Sở TN&MT theo quy định.

Để khắc phục tồn tại, hạn chế trong kiểm soát ô nhiễm không khí, UBND Thành phố Hà Nội đã yêu cầu các cấp, ngành tiếp tục nhiều giải pháp. Trong đó, Thành phố đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường “Xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh” theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong giai đoạn 2021 - 2025, trên cơ sở đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tiến hành kiểm kê, lượng hóa các nguồn gây ô nhiễm để triển khai giải pháp cụ thể, phù hợp về chính sách và công nghệ.

TP Hà Nội cũng giao Sở Giao thông - Vận tải triển khai Đề án “Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030”; nghiên cứu xây dựng, triển khai đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông để hạn chế số lượng xe cơ giới.

Các chuyên gia cho rằng với “căn bệnh ô nhiễm không khí của Hà Nội”, phải bắt đúng căn nguyên gây ra bệnh thì mới mong trị dứt bệnh hoặc chí ít thuyên giảm được. Cần tăng số trạm quan trắc không khí ở khu vực ngoại thành và có đánh giá chính xác mức độ ô nhiễm không khí ở từng khu vực để triển khai phương án xử lý; không đánh đồng số liệu của cả thành phố, dẫn đến triển khai dàn trải, gây tốn kém nguồn lực mà hiệu quả không cao./.

Theo VOV.VN


 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận