Đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô nguy cơ chậm tiến độ vì vướng mặt bằng

Do bị vướng công trình hạ tầng kỹ thuật, đường điện chưa được di dời khiến việcthi công dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội của nhà thầu gặp khó khăn...

 

Lo mặt bằng cản tiến độ dự án

Những ngày đầu tháng 3/2024, trên công trường gói thầu XL11 thuộc dự án thành phần 2.1 (xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận TP Hà Nội) thuộc dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội, 4 mũi thi công của Tập đoàn Cienco4 vẫn hối hả thi công các hạng mục cầu, nền đường trên tuyến chính.

Tại hiện trường, hàng chục máy xúc, ô tô chở cát về gia tải cho đoạn đường phía đầu cầu Tô Lịch (nối xã Thái Hà với xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội), gần 10 chiếc lu chuẩn bị sẵn, đợi máy gạt san cát khi ô tô vừa đổ xuống để lèn, gia tải nền đường.

Trao đổi với phóng viên VOV.VN, ông Trần Viết Sơn-Giám đốc điều hành gói thầu cho biết, tại dự án thành phần 2.1, Cienco4 phụ trách thi công 4/9,7km đường (Km48+314,71 - Km52+240, song hành phải và trái);

Trên tuyến có 2 cầu, gồm cầu sông Tô Lịch và cầu vượt sông Nhuệ, gồm cả phần xử lý đất yếu cải tạo hệ thống mương Nhị Khê và toàn bộ hạng mục hệ thống điện chiếu sáng, đèn tín hiệu, tổng giá trị khối lượng công việc đảm nhận là hơn 435 tỷ đồng.

"Tiếp cận dự án với tinh thần bứt tốc ngay từ đầu, thời điểm hiện tại, Tập đoàn Cienco4 đang tổ chức 3 mũi thi công đường và 1 mũi thi công cầu Tô Lịch. Sản lượng thực hiện đạt hơn 17% giá trị hợp đồng", ông Sơn thông tin.

Nỗ lực bám sát kế hoạch đăng ký với chủ đầu tư, song, lãnh đạo ban điều hành gói thầu cũng không khỏi sốt ruột khi trên phạm vi thi công tuyến chính hiện vẫn còn tồn tại khoảng 10 vị trí còn vướng hạ tầng kỹ thuật, đường điện.

Không chỉ án ngữ công địa thi công nhánh trái cầu Tô Lịch, đường điện chưa được di dời (gồm cả đường điện hạ thế và đường điện 22kv còn rải rác trên phạm vi hơn 3km xử lý nền đất yếu.

“Theo tiến độ, TP Hà Nội, huyện Thường Tín phải bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công vào 31/12/2023, nhưng đến nay đã quá gần 3 tháng chúng tôi vẫn chưa nhận được mặt bằng sạch để thi công. Nếu chậm bàn giao sẽ dẫn đến chậm tiến độ chung của toàn dự án”, ông Sơn cho biết.

Theo chỉ huy trưởng công trường, khu vực xử lý nền đất yếu do Cienco 4 thi công có thời gian gia tải từ 6-9 tháng (tùy từng đoạn). Để đáp ứng tiến độ, địa phương cần bàn giao mặt bằng sạch chậm nhất vào tháng 6/2024.

“Hơn 4km dự án đi qua có nhiều đoạn đi qua đầm, ao trũng, phải đào, xúc bùn sâu khoảng 4m, sau đó xử lý nền đất yếu. Đặc biệt là việc di dời, xử lý nền đất yếu của kênh, mương dẫn nước Nhị Khê rất phức tạp nên chắc chắn việc gia tải, đắp bù lún sẽ lâu hơn những vị trí khác”, ông Sơn nói.

Ông Hồ Viết Cường-cán bộ phụ trách an toàn lao động tại gói XL11 cho biết, trên phạm vi mặt bằng được bàn giao, Tập đoàn Cienco 4 đang huy động tối đa nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ.

Nhà thầu đang triển khai thi công đồng loạt tất cả các hạng mục đắp cát nền đường, xử lý nền đất yếu, các công trình cầu, cống và một số công trình phụ trợ khác.

"Hiện tại đã huy động trên 50 đầu thiết bị máy móc với gần 80 cán bộ, kỹ sư, công nhân viên và tận dụng điều kiện thời tiết thuận tiện để thi công. Chúng tôi sẽ hoàn thành 100% nền đường và công trình cầu đúng tiến độ nếu không vướng mặt bằng. Mong muốn lớn nhất với đoạn tuyến này là sớm di dời hạ tầng hệ thống điện cao thế, hạ thế đang cắt ngang công trường, máy khoan, máy cẩu không thể vào công trường để thi công được”, ông Cường cho hay.

Đề cập kế hoạch thi công năm 2024, lãnh đạo điều hành gói thầu cho biết, trường hợp thuận lợi về mặt bằng, trong năm nay, Cienco4 đặt mục tiêu thi công xong một công trình cầu, hoàn thành công tác gia tải đoạn tuyến nền đất yếu.

Đối với khoảng 1,5km nền đường thông thường (không phải xử lý nền đất yếu), nhà thầu sẽ phấn đấu thảm lớp bê tông nhựa đầu tiên.

“Đây sẽ là những mét thảm nền đầu tiên của dự án đường Vành đai 4. Hiện nay, tận dụng thời tiết thuận lợi, chúng tôi huy động anh em công nhân, cùng máy móc để bám sát tiến độ được giao, phấn đấu hoàn thành và thông xe kỹ thuật đúng tiến độ cam kết”, ông Cường nói.

Công nhân thi công các hạng mục cơ khí phục vụ thi công cầu dưới đường điện, bên cạnh có nhiều biển báo nguy hiểm.

Không để chậm tiến độ

Ông Nguyễn Chí Cường - Giám đốc Ban Quản lý dự án giao thông Hà Nội cho biết, từ trước Tết đã họp với các đại diện nhà thầu dự án trên địa bàn yêu cầu không để lễ, Tết làm gián đoạn tiến độ.

Theo ông Cường, về tiến độ dự án đường Vành đai 4 ở 3 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên) hiện đã phê duyệt phương án và thu hồi đất được hơn 1.300/1.390ha, đạt 94,36%, di chuyển 15.760/16.377 ngôi mộ, đạt 96,23%.

Thành phố đã xây dựng 13 khu tái định cư với tổng diện tích 32,5ha, trong đó đã cơ bản hoàn thành 5 khu và đang thi công xây dựng 8 khu.

Trên toàn tuyến đường song hành tại Hà Nội đã tổ chức 32 mũi thi công, gồm 2 mũi thi công đường và 9 mũi thi công cầu. Toàn tuyến đường song hành dự kiến hoàn thành trong năm 2025.

Trong khi đó, dự án thành phần 3 đường cao tốc (dự án PPP) dự kiến được khởi công vào đầu quý IV/2024.

Được biết, đến trung tuần tháng 2/2024, tổng diện tích đất đã thu hồi phục vụ thi công dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội đạt gần 1.306/1.390 ha (đạt 94%). Trong đó, TP Hà Nội đã thu hồi gần 764/791 ha (đạt 96,5%).

Đối với công tác di dời công trình hạ tầng kỹ thuật, các địa phương có dự án đi qua đang triển khai lập hồ sơ, thẩm định, phê duyệt phương án và tiến hành di dời 261 vị trí công trình hạ tầng kỹ thuật.

Trong đó, Hà Nội có tổng số 98 vị trí các công trình hạ tầng kỹ thuật phải di dời. Hiện nay, chủ đầu tư đang phối hợp với các đơn vị quản lý lập hồ sơ thiết kế, thẩm định phương án di dời. Đối với hạng mục di dời điện cao thế, Hà Nội đã hoàn thành lựa chọn nhà thầu.

Dự án Vành đai 4-Vùng Thủ đô có tổng mức đầu tư hơn 85.813 tỷ đồng, dài 112,8km đi qua 3 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, gồm 7 dự án thành phần. Trong đó, dự án PPP thành phần 3 (đầu tư xây dựng đường Vành đai 4) có tổng mức đầu tư hơn 55.000 tỷ đồng, được thiết kế rộng nhất lên tới 14 làn xe, 8 nút giao khác mức trên tuyến.

Mặt cắt ngang GPMB đường vành đai 4 lên đến 120m, phân kỳ cho đường đô thị (dưới thấp), cao tốc (đường trên cao) và quỹ đất cho đường sắt đô thị chạy song song.

Việc chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

Đoạn trên địa bàn TP. Hà Nội dài 58,2km đi qua 7 quận huyện gồm Sóc Sơn, Mê Linh, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông.

Về hiệu quả đầu tư dự án đường Vành đai 4, thành phố Hà Nội cho biết sau khi hoàn thành dự án sẽ tăng khả năng kết nối giao thông giữa các tỉnh trong vùng thủ đô, mở rộng không gian phát triển, kéo giãn mật độ dân cư, giảm áp lực giao thông khu vực nội đô...

Phi Long/VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận