'Biệt đãi' để giữ chân người lao động

Dù giảm doanh thu, lợi nhuận eo hẹp, nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì đủ việc làm cho người lao động, thực hiện tốt chính sách an sinh, tiền lương, thưởng.

 

Dù giảm doanh thu, lợi nhuận eo hẹp do khó khăn chung nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì đủ việc làm cho người lao động, thực hiện tốt chính sách an sinh, tiền lương, thưởng. Do vậy, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, người lao động tại các doanh nghiệp quay trở lại làm việc với tỷ lệ cao hơn so với mọi năm rất nhiều.

Lao động trở lại làm việc sau Tết chiếm tỷ lệ trên 97%, tỷ lệ thiếu hụt lao động sau Tết dưới 3%, đây là điểm khác biệt tại các doanh nghiệp năm nay so với mọi năm. Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp còn tăng ca, tuyển thêm lao động để kịp hoàn thiện đơn hàng ngay trong những ngày đầu năm. Đó là tín hiệu vui của thị trường lao động và cũng là minh chứng cho sự quan tâm, thực hiện đầy đủ các chính sách để “giữ chân” người lao động tại mỗi doanh nghiệp.

Là doanh nghiệp chuyên sản xuất giày da xuất khẩu, với hơn 3.000 công nhân làm việc trên các dây chuyền sản xuất, sau Tết nguyên đán, số công nhân quay trở lại làm việc tại Công ty Cổ phần giày Vĩnh Yên đạt tỷ lệ 100%.

Ông Lê Thanh Thủy - Chủ tịch Hội đồng quản trị - Giám đốc Công ty cho biết, đầu năm đơn hàng ít nên mùng 9 Tết công ty mới khai xuân và bắt tay vào công việc.

Ảnh minh họa.

Năm 2023, mặc dù thị trường biến động, kinh tế gặp nhiều khó khăn, đơn hàng giảm nhưng công ty vẫn duy trì đủ việc làm và đảm bảo thu nhập cho người lao động. Trước Tết, ngoài tháng lương 13, công ty còn trả trước lương tháng 1 để người lao động yên tâm và sau Tết tiếp tục làm việc. Ngoài ra, các chế độ cơ bản khác cũng được đảm bảo như thai sản, ốm đau, theo luật lao động. Trong năm 2024, sẽ phấn đấu có nhiều đơn hàng hơn để người lao động đủ việc làm và cải thiện cuộc sống.

“Năm nay, chúng tôi sẽ nỗ lực lo đủ đơn hàng cho người lao động, để họ có đủ việc làm; Thứ 2 là đảm bảo mọi chế độ cho người lao động, tăng cường các hoạt động giao lưu trong dịp 8/3, tổ chức các giải thể thao, văn nghệ, tạo cho người lao động không khí vui tươi, phấn khởi để sản xuất kinh doanh tốt hơn. Đây là nỗ lực, phấn đấu để chăm lo cho người lao động và “giữ chân” người lao động của công ty trong suốt nhiều năm qua”, ông Lê Thanh Thủy cho biết.

Đến thời điểm này, doanh nghiệp đã ký hợp đồng và đủ đơn hàng đến hết tháng 6/2024. Đơn vị này cũng sẽ đưa ra nhiều biện pháp để không ai phải nghỉ làm mà duy trì đủ ngày công, đảm bảo thu nhập cho người lao động cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tại Tổng Công ty may Hưng Yên, 98% lao động đã có mặt làm việc trong ngày khai xuân (mùng 6 Tết), 2% còn lại là xin nghỉ việc để nhập ngũ đầu năm. Nhiều đơn vị trong tổng công ty có quân số đi làm đạt tới 100%. Những năm qua, ngoài nỗ lực đàm phán tìm kiếm đơn hàng, Tổng Công ty không ngừng cải thiện chính sách phúc lợi để giữ chân công nhân, người lao động. Năm 2023, bình quân thu nhập toàn hệ thống đạt khoảng 11,5 triệu/tháng/người.

Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty may Hưng Yên.

Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty may Hưng Yên cho biết, năm qua mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Tổng công ty vẫn đảm bảo đủ việc làm cho người lao động, đồng thời thường xuyên tăng ca, thêm giờ làm. Việc ổn định lực lượng lao động ngay sau Tết đã giúp doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đơn hàng.

Cũng theo ông Dương, mặc dù doanh thu trên toàn hệ thống giảm tới 20-30% nhưng bằng mọi cách, doanh nghiệp vừa tiết kiệm, vừa co kéo để tăng năng suất nên đời sống của người lao động trong năm qua cơ bản vẫn ổn định. Do có thu nhập tốt, ban lãnh đạo công ty và Công đoàn chăm lo vật chất, tinh thần tốt đến người lao động nên những năm gần đây không có tình trạng người lao động xin nghỉ việc hay “nhảy việc”, ai cũng phấn khởi, hăng say làm việc và cống hiến cho doanh nghiệp.

“Thời gian tới sẽ phấn đấu mỗi năm tăng ít nhất 5% thu nhập cho người lao động, chúng tôi xác định, sau 5 năm thu nhập phải đạt gấp rưỡi so với hiện nay. Hiện tại thu nhập khoảng 12 triệu đồng/người, 5 năm sau phải đạt 18 triệu đồng và đến năm 2030 phải đạt 20 triệu đồng/người/tháng. Đến thời điểm này, các đơn vị trong Tổng công ty đều có hợp đồng đến hết tháng 8. Mục tiêu doanh thu năm nay sẽ tăng khoảng 10% so với năm 2023. Về văn hóa doanh nghiệp, chúng tôi luôn coi trọng người lao động và coi họ là tài sản quý giá nhất của mình”, ông Nguyễn Xuân Dương cho hay.

Với nhiều doanh nghiệp, chủ trương đối đãi thực tâm với người lao động đã giúp doanh nghiệp ổn định nguồn lực lâu dài. Những biện pháp giữ chân người lao động không chỉ tăng thu nhập cho họ mà quan trọng hơn là cách đối đãi của đơn vị và người sử dụng lao động đã tạo tình cảm, sự yên tâm để họ gắn bó. Cùng với đó là chính sách tăng lương, tiền thưởng khuyến khích người lao động. Có như vậy, người lao động mới gắn bó lâu dài và cống hiến hết sức mình.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tỷ lệ lao động quay trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán 2024 của các doanh nghiệp cao hơn nhiều so với các năm trước. Tình trạng người lao động "nhảy việc" giảm đáng kể, đây là tín hiệu tích cực và cho thấy, thị trường lao động đang có xu hướng ấm dần lên. Qua đó, phản ánh chính sách đãi ngộ của nhiều doanh nghiệp được chú trọng, nhằm khuyến khích người lao động gắn bó lâu dài.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận