"Có rất nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến việc tăng cân vào thời điểm Tết như bữa ăn bị mất cân đối, giàu năng lượng, chất béo, nhiều đường dẫn đến mất cân bằng về dinh dưỡng", chuyên gia dinh dưỡng Trương Phan Hồng Hà, Viện Y học ứng dụng Việt Nam đã lưu ý điều này khi trao đổi với PV Báo TNVN.
Xin ông đánh giá thực trạng nhiều người tăng cân sau những dịp Tết Nguyên đán?
Theo thống kê khảo sát ở một số quốc gia phát triển như Mỹ, châu Âu thì trung bình sau kỳ nghỉ lễ mọi người có thể tăng khoảng từ 0,5-1kg. Và thời gian kỳ nghỉ lễ Tết của họ thường khá ngắn khoảng một vài ngày - bằng một nửa so với kỳ nghỉ lễ Tết của Việt Nam chúng ta. Vậy nên mức tăng cân của người Việt sau kỳ nghỉ lễ thường nhiều hơn con số trên gấp 2-3 lần. Nhiều người đến với Viện Y học ứng dụng Việt Nam sau kỳ nghỉ với nỗi lo vì đã tăng cân sau Tết đặc biệt là các chị em phụ nữ.
Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tăng cân, thưa ông?
Có rất nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến việc tăng cân vào thời điểm Tết như bữa ăn bị mất cân đối, giàu năng lượng, chất béo, nhiều đường dẫn đến mất cân bằng về dinh dưỡng. Chu kỳ giấc ngủ bị xáo trộn, thức khuya, ăn không đúng bữa, bỏ bữa, ăn vặt, căng thẳng, ít hoạt động thể chất… là một trong những lý do sai lầm khiến cơ thể tăng cân. Đặc biệt những người mắc bệnh béo phì có nhiều khả năng tăng cân trong kỳ nghỉ hơn những người có cân nặng bình thường và họ gặp khó khăn hơn trong việc giảm cân sau kỳ nghỉ lễ.
Những người thiếu ngủ đã giảm mức độ leptin (hóa chất khiến cảm thấy no) và tăng mức độ ghrelin (hormone kích thích cảm giác đói) cũng như ảnh hưởng đến cách cơ thể xử lý và dự trữ carbohydrate. Một sai lầm khiến tăng cân nếu bỏ bữa trưa để ăn bù vào bữa tối.
Những món ăn vặt nhiều đường, nhiều chất béo, nhiều muối như bánh kẹo, nước ngọt, đồ chiên rán đều là những món ăn chứa nhiều calo rỗng nhưng lại thiếu dinh dưỡng vitamin khoáng chất khiến dễ lên cân dù cảm thấy lượng ăn không quá nhiều.
Việc tăng cân nhanh như thế có tác hại như thế nào đến sức khỏe?
Tăng cân nhanh mất kiểm soát sẽ dẫn đến tình trạng béo phì. Lượng mỡ tích tụ xung quanh các cơ quan bên trong cơ thể (mỡ nội tạng) có thể gây ra các vấn đề về bệnh xương khớp như nguy cơ thoái hóa khớp gối ở người béo phì tăng gấp 7 lần so với người bình thường. Béo phì dễ bị thoái hóa khớp, loãng xương, tổn thương cột sống và dễ mắc bệnh gout, tiểu đường, bệnh về đường tiêu hóa, hô hấp...
Người bị bệnh béo phì thường đi kèm với bệnh rối loạn lipid máu. Khi cholesterol cao gây xơ hóa lòng mạch máu, tăng huyết áp, đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Mặt khác, ở người béo phì tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đi nuôi cơ thể và lâu dài gây quá tải cho tim do đó ở người bị bệnh béo phì dễ mắc các bệnh về tim mạch.
Do bệnh béo phì làm cho lượng mỡ dư bám vào các quai ruột gây táo bón, dễ sinh ra bệnh trĩ. Sự ứ đọng phân và các chất thải độc hại sinh ra trong quá trình chuyển hóa dễ sinh bệnh ung thư đại tràng. Lượng mỡ dư tích tụ ở gan gây bệnh gan nhiễm mỡ nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến bệnh xơ gan… Rối loạn chuyển hóa mỡ sinh ra sỏi mật.
Bệnh lý đường hô hấp: Hoạt động của cơ hoành, khí phế quản của người bị bệnh béo phì thường hạn chế do “mỡ bám”, người bị bệnh béo phì thường bị rối loạn nhịp thở, ngáy, ngừng thở khi ngủ, béo phì càng nặng rối loạn nhịp thở càng nhiều.
Đặc biệt ở trẻ thừa cân béo phì thì nguy cơ dậy thì sớm cũng như ảnh hưởng đến phát triển chiều cao của trẻ.
Theo ông, để cân bằng dinh dưỡng ngày Tết, chúng ta cần tính toán khẩu phần ăn như thế nào?
Năng lượng trong một mâm cỗ Tết phụ thuộc vào món ăn của từng gia đình lựa chọn. Thông thường một mâm cỗ Tết truyền thống 6 người ăn có thể gồm: 1 chiếc bánh chưng 1.500 calo, 1 đĩa xôi 600 calo, bát thịt đông (nhỏ) 297 calo, một đĩa thịt gà luộc (nhỏ) 1.500 calo, 1 đĩa nem 1.200 calo, lạp xưởng 340 calo, thịt bò 250 calo, 1 đĩa giò 1.500 calo, 1 bát to canh xương hầm 600 calo (tổng cộng khoảng 7.700 calo, chưa kể những món ăn kèm khác). Đây là bữa cơm với lượng thức ăn tối thiểu nhất, tuy nhiên cũng vượt quá nhu cầu dinh dưỡng của mỗi người.
Vậy nên để cân bằng dinh dưỡng ngày Tết, chúng ta cần cân đối giữa các bữa ăn: bữa sáng chứa ít chất béo, giàu protein; bữa trưa với đồ ăn nhẹ và ăn vừa phải trong các bữa ăn khác trong ngày.
Ăn chậm nhai kỹ, dừng ăn trước khi cơ thể bạn cảm thấy no. Tăng cường rau xanh, củ quả và chất xơ, và protein chất lượng cao. Giảm các món ăn từ thịt, gạo nếp, chúng ta nên bổ sung thêm món chế biến đơn giản từ rau củ để giải ngấy.
Ví dụ bánh chưng được nấu từ gạo nếp nên chứa rất nhiều tinh bột. Một lần ăn bạn chỉ nên ăn một lát nhỏ, chỉ nên ăn tối đa 1-2 miếng/ngày Ngoài ra, nếu đã ăn bánh chưng rồi thì bạn không nên ăn thêm các món ăn chứa nhiều tinh bột khác như cơm, xôi, bánh mì.
Còn hoa quả, rượu, nước ngọt, kẹo, mứt, hạt hướng dương… phải cân bằng ăn uống ra sao để không bị thừa cân béo phì?
Rượu bia, nước ngọt hay bánh kẹo mứt Tết đều chứa năng lượng và hàm lượng đường cao. 1 lon bia 355ml hoặc 1 chai bia thông thường sẽ có khoảng 150 calo. 1 lon soda 355ml có khoảng 125 - 180 calo và chứa lượng đường tương đương 8-11 thìa cà phê đường. 100g mứt có khoảng 350-500Kcal. Kẹo thuộc loại đồ ngọt giàu năng lượng chứa nhiều đường và chất béo, khi ăn lượng lớn liên tục hằng ngày khiến cơ thể tăng cân mất kiểm soát.
Nên hạn chế tiêu thụ các loại đồ uống có nhiều năng lượng cũng như nên tham khảo nhãn dán dinh dưỡng của các loại thức uống khi lựa chọn mua và sử dụng trong ngày Tết. Nước lọc vẫn là thức uống ưu tiên hàng đầu cho bạn.
Để không tăng cân thì nên ăn bánh kẹo mứt vừa phải, không ăn một lúc quá nhiều và cần sử dụng các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng khác để cân bằng lượng chất nạp vào cơ thể hằng ngày. Chỉ nên ăn kẹo sau bữa ăn chính và dù có thích thì cũng chỉ ăn với một lượng ăn rất nhỏ. Khi cơ thể đói, nhu cầu nạp năng lượng ở mức cao nhất, nếu ăn kẹo, mứt hay đồ ngọt vào lúc này cơ thể nạp lượng đường lớn không tốt cho sức khỏe.
Lựa chọn các món ăn vặt không tăng cân thay thế cho bánh kẹo, mứt Tết tốt cho sức khỏe như hạt hạnh nhân, hạt dẻ, bánh gạo lứt hay các loại bánh kẹo làm từ ngũ cốc nguyên hạt. Và số lượng ăn của các loại này cũng cần phải được kiểm soát.
Ông có lời khuyên gì để người dân vẫn giữ được vóc dáng sau mỗi kỳ nghỉ lễ, Tết dài ngày?
Để vẫn giữ được vóc dáng sau mỗi kỳ nghỉ lễ, Tết dài ngày chúng ta nên tuân thủ thói quen sinh hoạt hằng ngày như: duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, thói quen ăn các bữa vào 1 thời điểm trong ngày nhằm tránh ăn quá nhiều nếu quá bữa. Tránh thực phẩm giàu chất béo và cắt giảm đồ ngọt...
Ăn gì rất quan trọng, nhưng ăn số lượng bao nhiêu còn quan trọng hơn đối với việc kiểm soát cân nặng và thể dục hằng ngày.
Cảm ơn ông!
PV thực hiện