Thực hiện phẫu thuật giữa muôn trùng khơi
Cách đất liền hàng trăm hải lý, trong điều kiện còn nhiều thiếu thốn, trang thiết bị dụng cụ phục vụ khám bệnh và điều trị xuống cấp nhanh, bị ăn mòn… do nguồn điện không ổn định và do đặc điểm khí hậu nắng nóng, gió muối… bệnh xá quần đảo Trường Sa đã quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, làm bằng mọi biện pháp chuyên môn tốt nhất có thể.
Trong môi trường làm việc xa đất liền, nhiều rủi ro như vậy, bệnh xá trên các đảo của Trường Sa chính là điểm tựa để bà con ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.
Trong năm 2023, các trung tâm y tế trên huyện đảo Trường Sa đã cấp cứu cho hàng trăm trường hợp người dân trên đảo và ngư dân các tỉnh đến khám, chữa bệnh; cấp thuốc miễn phí cho hơn 6.000 trường hợp.
Riêng trung tâm y tế trên đảo Trường Sa đã khám, điều trị, cấp thuốc miễn phí cho trên 1.700 lượt người với chủ yếu là ngư dân đánh bắt cá trên biển. Trong đó cấp cứu 92 bệnh nhân, phẫu thuật thành công cho 163 ca với nhiều ca bệnh phức tạp như viêm ruột thừa, chấn thương nặng do đánh bắt cá, các bệnh liên quan đến đường hô hấp và nhất là bệnh viêm da đối với ngư dân trên biển dài ngày…
Thiếu tá, BSCKI Dương Minh Chiến (BV Quân y 175), Bệnh xá trưởng đảo Trường Sa cho biết, các bệnh nhân đưa vào đảo điều trị thường đã gần như bị quá thời gian: “Chúng tôi biết rằng, ngư dân ra khơi đánh bắt gặp rất nhiều khó khăn và vất vả, nên khi họ phải vào điều trị trong bệnh xá, chúng tôi luôn tạo những điều kiện tốt nhất để mọi ngư dân có điểm tựa và yên tâm vươn khơi bám biển”.
Với cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được đầu tư đồng bộ, thuốc men đầy đủ, bệnh xá trên đảo Trường Sa cơ bản đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, cán bộ chiến sĩ làm việc trên đảo. Tại bệnh xá các bác sĩ luôn túc trực 24/24, sẵn sàng thực hiện mọi nhiệm vụ.
“Bệnh xá đã quyết tâm khắc phục khó khăn bằng mọi phương tiện chuyên môn tốt nhất hoàn thành nhiệm vụ cứu chữa tất cả các ca bệnh. Ở đảo Trường Sa nguồn điện rất quý và khi cần điện cho một ca cấp cứu, Ban Chỉ huy đảo sẵn sàng cắt điện các bộ phận tập trung cứu người”, Thiếu tá, BSCKI Dương Minh Chiến khẳng định.
Chia sẻ về các trường hợp bệnh nhân đến bệnh xá, Thượng uý Đỗ Hải Nam - bác sĩ trung tâm y tế đảo Trường Sa cho biết thêm: “Chúng tôi chủ yếu khám cho ngư dân, nhân dân và bộ đội với các bệnh về da liễu, do họ đi trên biển nguồn nước ngọt không đảm bảo họ dùng kiêng khem nên bệnh da liễu là số 1, sau đó là các bệnh do huyết áp, và chấn thương do lao động…”.
Chị Phạm Thị Bảy, cư dân đảo Trường Sa cho biết, nhà chị có con nhỏ nên mỗi khi con bị ốm sốt, xổ mũi, các bác sĩ đều rất tận tình chăm sóc. “Ở đảo Trường Sa có trạm xá nên người dân chúng tôi rất yên tâm, ổn định cuộc sống trên đảo. Các cán bộ, chiến sĩ trên đảo luôn quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ người dân. Đặc biệt, các bác sĩ chăm sóc sức khỏe không chỉ các chiến sĩ mà còn người dân chúng tôi rất tốt. Chúng tôi rất cảm kích và cám ơn các bác sĩ”.
Hiện nay bệnh xá đảo Trường Sa được trang bị nhiều trang thiết bị hiện đại để tăng cường chất lượng khám chữa bệnh như: Hệ thống khám chữa nha khoa, máy chụp X-quang kỹ thuật số, máy siêu âm màu 4 chiều, máy gây mê kèm thở… Và đặc biệt là hệ thống telemedicine - khám chữa bệnh từ xa, giúp các bác sỹ đầu ngành từ trong đất liền có thể hỗ trợ tối đa cho việc chẩn đoán, điều trị hay những ca mổ phức tạp.
Bác sĩ viết đơn tình nguyện ra Trường Sa
Trung úy Hồ Huy Hoàng, Trạm xá trưởng đảo An Bang chia sẻ rằng, nhận nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa là rất thiêng liêng và đó là niềm vinh dự, tự hào lớn khi lá đơn tình nguyện xin ra Trường Sa công tác được chấp thuận.
“Thời điểm viết đơn xin ra quần đảo Trường Sa, điều đầu tiên tôi nghĩ đến là việc công hiến chuyên môn, kiến thức của mình để thực hiện khám, chữa bệnh cho các cán bộ chiến sĩ và ngư dân. Tôi sẵn sàng cống hiến sức trẻ, góp sức để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”, Trung úy Hồ Huy Hoàng cho biết.
Theo Trạm xá trưởng đảo An Bang, những tưởng tượng khi ở đất liền về cuộc sống và làm nhiệm vụ trên đảo chỉ là một phần, đến khi đặt chân lên đảo An Bang mới thấy “sóng gió khắc nghiệt như thế nào”.
Trong năm 2023, trạm xá đảo An Bang đã cấp cứu cho 80 ngư dân, đặc biệt trong đó có trường hợp ngư dân bị rạn xương đùi hồi tháng 10/2023 được điều trị 7 ngày trên đảo. Từ tàu cá, ngư dân bị thương được đưa lên thuyền thúng vào đảo trong điều kiện sóng lớn, khiến thuyền thúng đã bị đánh đi sang một hướng khác. Khi đó, Đội Cảm tử An Bang đã được triển khai để bắt dây chuẩn xác, đảm bảo thuyền thúng an toàn tiếp cận đảo. Sau đó, Lực lượng quân y và các chiến sĩ trên đảo sau đó đã phối hợp đưa ngư dân lên cáng cứu thương lên đảo điều trị.
Trạm xá trên các điểm đảo luôn được quan tâm, đầu tư về trang thiết bị để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho các cán bộ, chiến sĩ và ngư dân. Đây là đóng góp quan trọng, là bước tiến vượt bậc về y tế của hệ thống bệnh xá các đảo tại Trường Sa. Để sau mỗi chặng hải trình nhọc nhằn, ngư dân ngày càng yêu biển và có thêm tinh thần, động lực yên tâm bám biển nơi tiền tiêu Tổ quốc.
Cùng với lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới, những tàu cá, nhưng ngư dân trở thành cột mốc sống khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Lê Hoàng/VOV.VN