Vào ngày 30 Tết (9/2 dương lịch) vừa qua, Bệnh viện Phổi Trung ương đã thực hiện ca ghép phổi thành công cho nữ bệnh nhân 21 tuổi (Bắc Kạn) từ người cho chết não. Ca ghép được thực hiện bởi TS.BSCC. Đinh Văn Lượng cùng các thầy thuốc và chuyên gia Bệnh viện Phổi Trung ương phối hợp với GS. TS. Lê Ngọc Thành và các thầy thuốc, chuyên gia từ Bệnh viện E.
Ngoài ra, bệnh viện Phổi Trung ương cũng đã huy động khoảng 80 nhân lực đơn vị trực tiếp tham gia (nhiều nhân lực khác sẵn sàng điều động, và làm việc trực tuyến), đồng thời có sự phối hợp và hỗ trợ từ Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia, Bệnh viện 108, Bệnh viện E, Bệnh viện Hữu nghị, Bệnh viện Tim Hà Nội…
Là một trong 80 nhân lực được huy động để tham gia ca phẫu thuật ghép phổi diễn ra tại Bệnh viện Phổi Trung ương, Thạc sĩ, BS CKII Nguyễn Viết Nghĩa – Phó Trưởng khoa Gây mê Hồi sức cho biết có lẽ sẽ chẳng bao giờ anh quên được những giây phút đó. Khi bệnh nhân tỉnh lại sau ca phẫu thuật đã ôm chầm lấy bác sĩ như một lời cảm ơn từ đận đáy lòng.
Trước khi ca phẫu thuật diễn ra, thạc sĩ, BS CKII Nguyễn Viết Nghĩa được giao nhiệm vụ là kíp trưởng gây mê hồi sức của kíp mổ.
“Từ ngày 29 Tết, chúng tôi chuẩn bị phẫu thuật và cả ngày 30 thực hiện gây mê hồi sức cho bệnh nhân. Sau khi bệnh nhân đã mổ xong 1 tiếng thì tất cả chúng tôi đón giao thừa ở bệnh viện luôn”, bác sĩ Nguyễn Viết Nghĩa cho biết.
Để thực hiện ca ghép phổi, từ trước đó, bác sĩ Nghĩa và đồng nghiệp đã được cử đi học ghép phổi tại Trung tâm ghép phổi UCSF (là 1 trong 9 trung tâm ghép phổi lớn và uy tín nhất tại Hoa Kỳ). Trong 6 tuần đó, anh và đồng nghiệp đã trải qua 10 ca ghép phổi tại trung tâm.
“Với những quy trình kỹ thuật như chuyên ngành của tôi là gây mê hồi sức, thì việc thực hiện các quy trình tiên tiến, ưu việt về ghép phổi dần dần được thấm nhuần và thành thạo. Sau khi hoàn thành xong khóa đào tạo, chúng tôi đã mang về nước quy trình ghép phổi hiện đại của UCSF và quy trình này đã được áp dụng ở bệnh nhân Bắc Kạn P.A.T. Và kết quả, có thể nói, là ngoài sức mong đợi”, bác sĩ Nguyễn Viết Nghĩa nói.
Trước khi bắt tay vào ca ghép phổi, việc đầu tiên của bác sĩ Nghĩa và các đồng nghiệp là nhớ lại tất cả các quy trình đã được học và thực hành một cách chi tiết. “Trong quá trình làm việc hằng ngày, chúng tôi thường xuyên đọc và tìm hiểu, “run dry” (chạy khô) như khi có bệnh nhân thật, nên khi bắt tay vào công việc thực tế cũng không có gì là quá khó khăn”, bác sĩ Nghĩa cho biết.
Sau khi ca phẫu thuật kéo dài 12 tiếng kết thúc, thạc sĩ, BS CKII Nguyễn Viết Nghĩa được lãnh đạo bệnh viện cắt cử chăm sóc bệnh nhân sau mổ và phải đến mùng 2 Tết (11/2) anh mới có thời gian về ăn Tết bên gia đình.
Những ngày đầu tiên, dường như cả ê kip thức trắng để theo dõi sát sao diễn biến của bệnh nhân. Từ những diễn biến rất là nhỏ, thậm chí nhiệt độ bệnh nhân chỉ cần chênh lên nửa độ là chúng tôi phải có ngay phương án để xử lý. Những thiết bị dùng để theo dõi những di biến động về hô hấp phải được theo dõi liên tục. Sang ngày thứ 2 đến 15h, bệnh nhân đã hoàn toàn tỉnh táo, khi đó chúng tôi rút ống nội quản và đến 18h bệnh nhân đã có thể dùng thìa xúc sữa uống”, bác sĩ Nghĩa nói.
Theo bác sĩ Nguyễn Viết Nghĩa khó khăn lớn nhất là bệnh nhân bị tổn thương phổi rất nặng. Khi đang điều trị tại Bệnh viện Phổi Trung ương đã có lúc tưởng chừng như không qua khỏi, bệnh viện đã tiến hành hồi sức trong những tình huống như thế. “Thật may bệnh nhân đã gắng sức chờ đợi, có đủ “duyên” để nhận được tạng từ người cho chết não”.
Với tạng từ người cho chết não và với nền y học tiên tiến, sau khi trải qua ca phẫu thuật, bệnh nhân P.A.T. đã tỉnh lại và có thể tự thở với 2 lá phổi mới. Sự sống hồi sinh trong khoảnh khắc thiêng liêng nhất chào năm cũ, đón năm mới. Niềm vui của gia đình bệnh nhân hòa chung cùng niềm vui mừng khôn tả của mỗi một y bác sĩ của bệnh viện.
Thành công của ca ghép đã mở ra một chương mới trong cuộc đời của nữ bệnh nhân và mở ra nhiều cơ hội cứu sống người bệnh.
Nguyễn Hà/VOV.VN