Nữ 'Bác sĩ Hoàng Sa' tận tâm cùng sứ mệnh ngành Y

Nếu cuộc đời cho tôi được chọn lại thì tôi vẫn chọn nghề Y để được cống hiến cho đời.

 

"Nếu cuộc đời cho tôi được chọn lại thì tôi vẫn chọn nghề Y để được cống hiến cho đời". Đó là một trong những lời tâm sự nhân dịp Kỷ niệm 69 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam của BS.CKI Phạm Thị Ánh Hồng - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 thành phố Đà Nẵng, hiện là Cố vấn chuyên môn Khoa Cấp cứu - Bệnh viện 199, Bộ Công an. Chị đã hơn 30 năm tận hiến cho nghề Y.

Bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng luôn nhớ về những ngày đầu tiên rời ghế giảng đường trở thành một bác sĩ trẻ với bao hoài bão, ước mơ. Hình ảnh người “chiến sĩ áo trắng” luôn là động lực để nữ bác sĩ trẻ vững tin bước chân vào ngành Y đầy gian nan, vất vả nhưng rất đỗi tự hào. Khi đó, bác sĩ trẻ Ánh Hồng tham gia công tác tại đơn vị cấp cứu ngoại viện của tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (nay là Trung tâm Cấp cứu Thành phố Đà Nẵng).

Bác sĩ Pham Thị Ánh Hồng tại Bệnh viện 199 - Bộ Công an.

Đây là đơn vị “đầu sóng ngọn gió” của ngành nên không kể ngày đêm, dù nắng hay mưa gió bão bùng, mỗi khi có tiếng chuông điện thọại reo là đội cấp cứu phải nhanh chóng có mặt tại hiện trường cấp cứu cho người dân. Hơn 30 năm gắn liền với tiếng còi hú của xe cứu thương 115, cũng là ngần ấy năm bác sĩ Hồng trải qua không biết bao nhiêu cung bậc cảm xúc. Vui mừng tột độ khi cứu sống được người bệnh, giành giật họ thoát khỏi tử thần. Nhưng buồn thật nhiều khi chứng kiến người bệnh ra đi mãi mãi do vượt khả năng của mình…

Kỷ niệm sâu sắc trong nghề mãi mãi không bao giờ quên với bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng là những chuyến vượt sóng biển ra khơi cùng với Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2, Biên phòng, Hải quân… để cấp cứu ngư dân bị nạn. Không ít lần ra khơi ấy, tàu cứu hộ gặp bão gió lớn, biển động, những cơn sóng cao hàng chục mét như muốn nuốt chửng con tàu. “Lúc ấy tim tôi như thắt lại khi nghĩ đến đứa con trai còn quá nhỏ, nó sẽ ra sao nếu tôi không thể quay trở về… và tôi đã khóc"– Bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng nghẹn ngào nói.

Bác sĩ Pham Thị Ánh Hồng làm Cố vấn chuyên môn Khoa Cấp cứu - Bệnh viện 199, Bộ Công an.

Bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng kể: Khi tiếp cận được tàu cá bị nạn, nhìn thấy các ngư dân trên người đầy thương tích thì lập tức mọi suy nghĩ ấy đều tan biến, chúng tôi chỉ biết lao vào cấp cứu cho ngư dân, cứ thế xuyên đêm cho đến khi đưa được ngư dân về đến đất liền an toàn. Rồi không biết từ bao giờ những cái tên “Bác sĩ Hoàng Sa”, “Nữ Bác sĩ thép” đã được các ngư dân trìu mến đặt cho tôi. Niềm hạnh phúc thật vô bờ!”. Đây có lẽ chính là món quà quý giá nhất và cũng là động lực để bác sĩ Hồng và các đồng nghiệp của mình tiếp tục tình yêu với nghề.

Rồi như một định mệnh, trước khi hoàn thành nhiệm vụ với ngành ở tuổi 55, đại dịch COVID -19 như một “cơn bão đen” làm chao đảo toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Năm 2020, dịch bùng phát mạnh tại thành phố Đà Nẵng. Lúc này, bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng nhận nhiệm vụ ở lại vùng tâm dịch với trách nhiệm giải tỏa hơn 800 bệnh nhân ra khỏi ổ dịch. Trong guồng quay hối hả ấy, đã có lúc những Bác sĩ, y tá bị sốc nhiệt, mất nước ngất xỉu, nằm liệt giường sau mỗi chuyến xe.

Bác sĩ Trung tâm Cấp cứu 115 những ngày chuyển bệnh nhân Covid-19.

Chính đại dịch thực sự đã làm cho người ta trân trọng sự sống hơn, có ý chí và nghị lực vượt qua khó khăn nhiều hơn. “Có lẽ, những ngày tháng chống dịch ấy là những ngày để lại nhiều ý nghĩa trong đời tôi với sứ mệnh thiêng liêng mà tôi đã chọn: Y nghiệp! Thậm chí, có nhiều người hỏi tôi: Nghề Y vất vả, phải hy sinh cả hạnh phúc gia đình, vậy sao chị lại chọn đi theo nó cả tuổi thanh xuân? Tôi vẫn trả lời rằng: Nếu cuộc đời cho tôi được chọn lại thì tôi vẫn chọn nghề Y để được cống hiến cho đời” - BS.CKI Phạm Thị Ánh Hồng chia sẻ.

Có thể thấy, hành trình trở thành bác sĩ không đơn giản, có cả sự mất mát, hy sinh, tủi buồn, nhưng cũng là niềm tự hào, vinh dự. Nói cách khác, những người khoác trên mình chiếc áo Blouse trắng mang trong mình một sứ mệnh đặc biệt. Sứ mệnh mà có cả sự đánh đổi và hy sinh với một mục tiêu lớn nhất là chữa bệnh, giành lại sự sống cho con người. Ông tổ nghề Y, Hippocrates từng nói: “Bất cứ nơi nào nghệ thuật của y học là tình yêu thương thì đó cũng chính là tình yêu thương của nhân loại”.

Các bác sĩ tham gia chống dịch Covid-19.

Cách đây 69 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi đến Hội nghị cán bộ y tế toàn quốc (27/2/1955), trong thư Bác đã ân cần thăm hỏi, dành sự quan tâm đặc biệt đối với cán bộ y tế, đồng thời Bác cũng đã căn dặn làm thế nào để “lương y như từ mẫu” như sợi chỉ đỏ soi đường cho ngành Y tế. Những lời căn dặn đó vẫn vang vọng, thấm sâu trong tâm trí của những người Thầy thuốc Việt Nam. Sự tận tâm của Bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng nói riêng và các Thầy thuốc nói chung trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân thật sự là những tấm gương sáng về y đức, về tình yêu nghề và tinh thần dấn thân của người Thầy thuốc.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận