Đây là tín hiệu tích cực và cho thấy, thị trường lao động đang có xu hướng “ấm” dần lên.
Từ ngày mùng 6 Tết, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên cả nước đã đồng loạt “ra quân” sản xuất và làm việc trở lại. Tại Đà Nẵng, 98% số công nhân tại các Khu công nghiệp An Đồn, Hoà Khánh, Hoà Cầm (thành phố Đà Nẵng) đã quay lại làm việc bình thường.
Tại Bình Dương, 94% số doanh nghiệp đã bắt đầu hoạt động với số lao động trở lại nhà máy đạt tỷ lệ 91%; Số doanh nghiệp tại các khu công nghiệp hoạt động trở lại đạt khoảng 95,8%.
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM, tính đến mùng 10 tháng Giêng, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn đã hoạt động trở lại. Kết quả khảo sát tại 3.247 doanh nghiệp ở thành phố cho thấy, 98% doanh nghiệp đã hoạt động trở lại và tỉ lệ người lao động quay trở lại làm việc đạt 97%.
Tỉ lệ thiếu hụt lao động sau Tết dưới 3% tập trung tại các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành có sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, điện - điện tử, kinh doanh bảo hiểm - tài chính…
Tổng hợp của các cấp Công đoàn Thành phố Hà Nội cho hay, tính đến ngày mùng 10 Tết, có 99,2% doanh nghiệp đã mở xưởng sản xuất với 98,6% số công nhân lao động trở lại làm việc.
Từ những con số trên, ông Vũ Quang Thành – Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội nhận định, lực lượng lao động quay trở lại làm việc với tỷ lệ cao ngay từ những ngày đầu năm mới là tín hiệu vui và tích cực. Đây cũng có thể là dấu hiệu của sự phục hồi thị trường lao động trong năm 2024.
Tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, từ mùng 6 Tết đã bắt đầu thực hiện các hoạt động nghiệp vụ để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động, lực lượng lao động đến tìm kiếm việc làm. Cũng trong ngày này, trung tâm đã tiếp nhận một lượng lớn người lao động đến tìm việc.
“Trong những tháng đầu năm, theo quan sát của Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội và theo những thông tin mà chúng tôi thu thập được từ thị trường có thể thấy, thị trường lao động đang có dấu hiệu phục hồi hết sức tích cực. Đây cũng là nhận định chung của các chuyên gia thị trường lao động. Từ tháng 1/2024, mặc dù chưa đến Tết Nguyên đán, trung tâm đã tiếp nhận nhiều đơn tuyển dụng từ các doanh nghiệp. Qua Tết, ngay từ ngày làm việc đầu tiên của năm mới, chúng tôi cũng thu thập được nhiều nhu cầu tuyển dụng trực tiếp của doanh nghiệp. Có thể thấy rằng, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp và nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động là rất lớn nhằm có thêm nguồn lao động để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định từ phía doanh nghiệp”, ông Vũ Quang Thành cho hay.
Cũng theo ông Thành, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp tăng mạnh từ đầu năm là bởi, tháng đầu năm là thời điểm các doanh nghiệp bắt đầu khởi nghiệp cho một năm mới. Với các hoạt động hỗ trợ từ phía chính phủ, thành phố, trong năm 2023, mặc dù doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bối cảnh chung của thế giới sau dịch thì cũng đã có dấu hiệu phục hồi và hoạt động trở lại. Nhiều doanh nghiệp có nguồn hàng, đơn hàng mới, những doanh nghiệp thành lập mới cũng đã bắt đầu hoạt động và có nhu cầu tuyển dụng cao. Điều này thể hiện rằng, thị trường lao động đang bắt đầu ấm dần lên.
Trong quý 1, dự kiến nhu cầu tuyển dụng trên địa bàn thành phố từ 100.000-120.000 lao động. Chỉ tiêu tuyển dụng rất đa dạng trong các lĩnh vực, ngành nghề như: lĩnh vực thương mại dịch vụ, công nghiệp chế biến, chế tạo, tài chính, ngân hàng, dệt may, da giày, thương mại điện tử, công nghệ thông tin… Ngoài ra, một số lĩnh vực khác như lưu trú ăn uống, du lịch đều có nhu cầu tuyển dụng cao trong thời điểm đầu năm mới.
“Để hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp cũng như người lao động, ngay từ giai đoạn đầu năm, trung tâm tiếp tục thực hiện theo sự chỉ đạo của Sở LĐ-TB&XH về việc triển khai đa dạng các giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường lao động, như tổ chức các phiên giao dịch việc làm trên toàn bộ sàn giao dịch việc làm. Các hoạt động tổ chức từ công tác tư vấn giới thiệu việc làm đến các phiên giao dịch việc làm đều được triển khai đồng bộ. Đây là những hoạt động nghiệp vụ hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp và người lao động, kết nối, gặp gỡ, trao đổi, phỏng vấn để doanh nghiệp nhanh chóng tìm được nguồn lao động và người lao động nhanh chóng tìm được việc làm ngay từ đầu năm mới”, ông Vũ Quang Thành nhấn mạnh.
Theo PGS.TS.Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, hầu hết các doanh nghiệp đều tổ chức sản xuất ngay từ đầu năm và phần lớn người lao động đều quay lại làm việc. Năm 2023 sản xuất gặp nhiều khó khăn, người lao động cũng bị dao động tâm lý, vì vậy đầu năm 2024, khi có việc làm thì người lao động rất háo hức và bắt tay vào làm việc ngay để ổn định đời sống. Tín hiệu tích cực nhất là công ăn việc làm đã quay trở lại như năm 2022, điều này thể hiện sự ổn định trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp
Cuối năm 2023, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động còn thấp thì nay đã thay đổi đáng kể, từ đó tạo ra nhiều việc làm, thu hút người lao động tham gia sản xuất kinh doanh.
“Việc làm đã quay trở lại với người lao động, các doanh nghiệp thành lập mới cũng như doanh nghiệp quay trở lại sản xuất đã tăng lên đáng kể trong đầu năm nay. Qua đây, chúng ta hy vọng rằng, thị trường việc làm trong năm 2024 sẽ bứt phá bởi các doanh nghiệp, bộ, ban ngành, địa phương đã kết hợp để giúp doanh nghiệp vượt khó. Rất mong, trong năm 2024, thị trường lao động việc làm sẽ tốt hơn so với năm vừa qua”, TS. Đinh Trọng Thịnh bày tỏ.
Ông Thịnh nhận định, năm 2024, kinh tế sẽ còn nhiều khó khăn nhưng với những chỉ số tích cực của tháng 1, tháng 2 thì nền kinh tế của cả nước sẽ có thêm nhiều tín hiệu vui trong quá trình hồi phục, tăng trưởng. Hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ tốt hơn, từ đó thị trường lao động ổn định hơn; người lao động sẽ có công ăn việc làm đầy đủ hơn, thu nhập cao hơn, khi mà việc cải cách tiền lương cũng tốt hơn, các cơ chế chính sách, an sinh xã hội của Đảng, chính phủ đi vào thực tiễn đời sống.
Theo ông Thịnh, như mọi năm, việc giữ chân người lao động là rất quan trọng bởi nó song hành với sự tồn tại của từng doanh nghiệp. Cùng với các chính sách an sinh xã hội thì việc lương thưởng dành cho lực lượng lao động cũng là một trong những điều cần thiết để giữ được những lao động có tay nghề cao, giúp họ yên tâm ở lại cống hiến cho doanh nghiệp.
Cùng với sự đổi mới, cơ chế chính sách, tiền lương, các doanh nghiệp cũng cần chú ý đến chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chính sách lương thưởng để giúp người lao động có cuộc sống tốt hơn, yên tâm làm việc. Về phía người lao động, cần không ngừng trau dồi, nâng cao tay nghề, tính kỷ luật, đồng thời phối kết hợp cùng doanh nghiệp để công việc đạt hiệu quả cao nhất.
Theo dự báo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong năm 2024, thị trường lao động sẽ phục hồi trở lại khi đầu tư công và đầu tư tư nhân dự kiến sẽ khởi sắc. Mặc dù những khó khăn và thách thức trong năm 2024 là không nhỏ nhưng đơn vị này cho rằng, việc theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường lao động, thực hiện các giải pháp nhằm thu hút người lao động quay trở lại làm việc, duy trì chuỗi cung ứng nguồn nhân lực sau Tết, hạn chế xảy ra tình trạng thiếu lao động cục bộ… là những giải pháp để thị trường lao động năm nay bình ổn và phát triển.
Chung Thủy/VOV.VN