Những chuyến xe về miền yêu thương

Vé tàu xe là một vướng bận không nhỏ của người lao động nghèo, sinh viên hoàn cảnh khó khăn mỗi dịp Tết đến Xuân về.

 

Đây cũng là dịp mà các tổ chức, những nhà hảo tâm cùng đồng hành, chia sẻ bằng những “Tấm vé nghĩa tình”, “Chuyến xe mùa xuân” để chở họ về quê sum vầy cùng gia đình.

13 năm ăn Tết tha phương

Tờ mờ sáng, ngồi đợi lên “Chuyến xe mùa xuân” năm 2024 do Trung tâm Công tác Xã hội Công đoàn (thuộc Liên đoàn Lao động TP.HCM) tổ chức, chị Nguyễn Thị Huệ (33 tuổi, quê Yên Bái) cùng con gái đầu lòng 12 tuổi nôn nao và phấn khởi vì sắp gặp lại người thân sau thời gian mưu sinh xa nhà.

Hai vợ chồng chị Nguyễn Thị Huệ làm công việc tự do, thu nhập bấp bênh. 13 năm trôi qua, đôi ba lần gia đình vẫn về quê khi có việc quan trọng, thế nhưng tuyệt nhiên về Tết là điều chị không dám nghĩ tới. Mỗi khi Tết đến xuân về, với chị là nỗi nhớ nhung nơi đất khách quê người, chị thèm cảm giác được sum vầy bên cha mẹ, người thân trong những ngày chuyển giao năm cũ - năm mới.

Năm nay, tình hình kinh tế khó khăn, tiền kiếm được không đủ trang trải chi phí thuê trọ, ăn uống và học hành cho 2 con. Được tặng vé xe Tết là niềm ao ước bao năm nay của chị. Hai con của chị Huệ, đứa 12 tuổi, đứa 9 tuổi cũng mong ngóng được một lần về quê ngoại đón Tết cùng ông bà.

Chị Nguyễn Thị Huệ rưng rưng chia sẻ: “Sum vầy cùng gia đình là một điều gì rất lớn lao. Bởi Tết đến, giá vé xe tăng gấp đôi, nên việc di chuyển của gia đình cũng khó khăn hơn. Năm nay có xe hỗ trợ, đưa đón về quê, tôi vui lắm, giúp tiết kiệm mấy triệu đồng tiền xe đi lại".

Còn với chị Lê Thị Mai, Công ty TNHH Thương mại Việt Vương, Quận 12 TP.HCM, chồng qua đời đã hơn 15 năm, khi chị vừa sinh con thứ 2. Đến nay, chị một mình lăn lộn làm thêm bên ngoài và chịu khó tăng ca để nuôi 2 con. May mắn chị được lên làm tổ trưởng nên mức lương hơn 10 triệu đủ cho 3 mẹ con chi tiêu tằn tiện, dành dụm.

Vé xe Tết về tới quê Yên Định, Thanh Hóa cũng hết khoảng 5 triệu đồng, đối với bà mẹ nuôi con 1 mình, được chở về quê miễn phí thì khoản tiền đó là rất lớn để dành cho con ăn học và trang trải cuộc sống.

“Bản thân mình ít về quê, chỉ cố gắng dịp Tết về một lần. Cũng vì thế mình cố gắng làm việc, chắt chiu từng đồng để dành tiền mua vé xe dịp cuối năm. Giờ đây công đoàn tạo điều kiện để mình về quê ăn Tết, nên cũng đỡ cho mình rất nhiều", chị Lê Mai nói.

Những chuyến xe về miền yêu thương

Ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng Ban Chính sách Pháp luật - Liên đoàn Lao động TP.HCM cho biết, từ năm 2009, Liên đoàn Lao động TP.HCM đã chỉ đạo các cấp công đoàn triển khai chương trình đưa công nhân về ăn Tết bằng chương trình “Tấm vé nghĩa tình”.

Chương trình cũng đã vận động được các doanh nghiệp tham gia một cách hiệu quả. Sự quan tâm đó giúp cho công nhân, người lao động cảm thấy gắn bó với doanh nghiệp hơn. Sau một năm làm việc vất vả, được trở về đón Tết, phần lớn họ sẽ trở lại đúng thời gian làm việc để tiếp tục lao động sản xuất.

“Những người đi về quê được ngồi đúng số ghế của mình và không có nhồi nhét, đảm bảo số lượng an toàn. Trên chuyến xe nghĩa tình của công đoàn chúng tôi đều có những cái cộng tác viên, để thông tin trong quá trình di chuyển, nếu bác tài có bắt thêm người khác hoặc không đảm bảo an toàn khi lái xe, chúng tôi đều có thông tin để xử lý kịp thời, đảm bảo chuyến xe nghĩa tình đưa được công nhân đến nơi về đến chốn”, ông Nguyễn Thành Đô nói.

Qua nhiều năm thực hiện, chương trình “Tấm vé nghĩa tình” đã lan rộng ở TP.HCM, nhiều đoàn thể khác cũng đã thực hiện chương trình với nhiều hình thức đa dạng như chuyến xe mùa xuân, chuyến tàu mùa xuân và chuyến bay...

Mới đây, Hội Doanh nhân Thái Bình miền Nam phối hợp với tổ chức Công đoàn (khối cơ quan báo chí) ở phía Nam của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức chương trình “Thái Bình – Chuyến xe yêu thương” giúp 200 trường hợp khó khăn là người dân có quê Thái Bình, đang sinh sống, học tập và làm việc tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam được về quê vui xuân, đón Tết.

Gần 1.100 sinh viên có quê dọc các tỉnh miền Trung trên đường về quê, nghỉ ngơi và ăn uống tại các điểm dừng chân của PVOIL.Còn với những lao động tự do, sinh viên khó khăn, “Chuyến xe mùa xuân” do Thành Đoàn, Hội Sinh viên, Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM cùng các đơn vị tài trợ tổ chức, giúp hơn 2.200 người về quê đón Tết.

Tại Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL), đây là năm thứ 6 đơn vị tổ chức chương trình “Cùng PVOIL về quê đón Tết”, đến nay, có hơn 6.000 lượt sinh viên đã được PVOIL hỗ trợ.

Anh Mai Xuân Hải - Bí thư Đoàn Thanh niên Tổng công ty Dầu Việt Nam cho biết, Tết Giáp Thìn 2024, tổng cộng có 25 xe, chở gần 1.100 sinh viên về quê đón Tết ở các tỉnh dọc miền trung, điểm xa nhất là Thanh Hóa. Đến nay, các sinh viên đều đã có mặt ở quê hương, chuẩn bị đón một cái Tết ấm cúng bên gia đình:

PVOIL đã cử cán bộ theo suốt hành trình của các chuyến xe. Trong quá trình di chuyển, Ban tổ chức theo dõi trực tuyến vị trí của các xe, có sự điều phối tốc độ, khoảng cách giữa các xe hợp lý, an toàn và sẵn sàng hỗ trợ nhau khi cần thiết. Khi tất cả các sinh viên đều xuống xe thì người phụ trách thông báo cho Ban tổ chức toàn bộ quá trình di chuyển, số lượng sinh viên rời xe về nhà đều chúng tôi theo dõi trực tuyến, liên tục”, anh Mai Xuân Hải nói. Chuyến 

Chuyến xe mùa xuân dịp Tết hơn 10 năm qua minh chứng rõ nét nghĩa tình của TP.HCM. Đó còn là khả năng dân vận khéo của người tổ chức khi không chỉ doanh nghiệp, đơn vị mà có nhiều người dân TP cùng chung tay tặng vé cho sinh viên và người lao động nghèo xa quê. Những “chuyến xe mùa xuân” đó đã giúp cho đường về nhà của họ được gần hơn.

Sáng 5/2, tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM, “Chuyến xe mùa Xuân - Hy vọng 2024” đã đưa 1.500 người lao động về quê đón Tết. Chương trình do Liên đoàn Lao động TP.HCM, Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên công nhân TP (thuộc Thành Đoàn TP.HCM) cùng phối hợp thực hiện. Chương trình đưa các công nhân có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc ở TP.HCM về quê đón Tết tại 14 tỉnh, thành gồm: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa.

Kim Dung/VOV-TP.HCM

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận