Kiểm soát thuốc lá mới: Cần hiểu rõ cơ chế từng sản phẩm

Cộng đồng và cơ quan quản lý đang có sự nhầm lẫn giữa thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng - 2 loại thuốc lá mới phổ biến nhất trên thị trường hiện nay.

 

Cộng đồng và cơ quan quản lý đang có sự nhầm lẫn giữa thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng - 2 loại thuốc lá mới phổ biến nhất trên thị trường hiện nay. Điều này kéo theo việc chậm đưa ra cơ chế kiểm soát đối với từng sản phẩm.

Còn nhầm lẫn, sẽ còn “tắc” cơ chế quản lý

Sự khác nhau giữa thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phân biệt như sau: thuốc lá điện tử sử dụng dung dịch chứa nicotine; trong khi đó thuốc lá làm nóng sử dụng nguyên liệu từ thuốc lá tự nhiên. Trên cơ sở đó, WHO khuyến nghị các quốc gia nên có hướng quản lý riêng biệt cho từng loại sản phẩm.

Các sản phẩm không khói trên website của FDA Hoa Kỳ.

Ông Cao Trọng Quý, Trưởng phòng Công nghiệp tiêu dùng thực phẩm, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương từng chia sẻ tại tọa đàm "Thực trạng thuốc lá mới và giải pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng" ngày 19/10/2023: "Hiện nay truyền thông đang có sự nhầm lẫn giữa thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng, chưa phân biệt rõ với nhau và hay đánh đồng rằng cả hai sản phẩm thuốc lá mới này đều là thuốc lá điện tử”.

Hiện nay, do thiếu chế tài quản lý nên xảy ra hiện tượng pha trộn chất cấm vào thuốc lá điện tử gây ra ngộ độc. Việc thông tin “thuốc lá làm nóng cũng là nguyên nhân gây ngộ độc” như một số bài báo gần đây là không chính xác, bởi thuốc lá làm nóng là một hệ thống khép kín và không có sử dụng dung dịch như thuốc lá điện tử nên hạn chế tối đa nguy cơ lạm dụng của kẻ gian. Và cho đến nay vẫn chưa có số liệu cụ thể đề cập đến nguy cơ gây ngộ độc của thuốc lá làm nóng tại Việt Nam cũng như trên toàn cầu.

Tại tọa đàm “Cai thuốc và giảm tác hại - Hai giải pháp bổ trợ để kiểm soát thuốc lá” ngày 22/12/2023, các chuyên gia y tế đã nhấn mạnh nguyên nhân gây ngộ độc thuốc lá mới gần đây đến từ các chất cấm hoặc các thành phần không rõ nguồn gốc do kẻ gian trà trộn vào sản phẩm, chủ yếu là qua dung dịch của thuốc lá điện tử hệ thống mở.

PGS.TS.BS Trần Khánh Toàn - Giảng viên cao cấp bộ môn Y học gia đình, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, người bán hoặc người dùng có thể dễ dàng tháo lắp thuốc lá điện tử hệ thống mở để đưa các chất cấm, chất hướng thần hoặc các chất không rõ ràng thành phần, nguồn gốc vào sản phẩm.

PGS.TS.BS Trần Khánh Toàn - Giảng viên cao cấp bộ môn Y học gia đình, Trường Đại học Y Hà Nội.

Do đó, PGS Trần Khánh Toàn cho rằng: “Điều Việt Nam quan ngại nhất là mọi người chưa phân biệt các loại thuốc lá mới. Cho nên khi đưa ra Chiến lược quốc gia về kiểm soát thuốc lá cho đến năm 2025 và tầm nhìn 2030, thay vì tách thuốc lá làm nóng ra để quản lý như là sản phẩm thuốc lá, thì nội dung văn bản này đang nói chung chung là ‘ngăn ngừa việc sử dụng các loại thuốc lá thế hệ mới, bao gồm thuốc lá nung nóng và thuốc lá điện tử”.

Đại diện Bộ Công Thương - ông Cao Trọng Quý khẳng định điều kiện tiên quyết là cần phân biệt rõ sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng để có hướng quản lý phù hợp.

Thuốc lá mới nào phù hợp với Luật kiểm soát thuốc lá hiện hành?

Trong tài liệu dành cho công chúng năm 2020, WHO đã nêu rõ: "Sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng đều có chứa nicotine, nhưng khác nhau ở thành phần.

Thuốc lá làm nóng có nguyên liệu thuốc lá trong điếu thuốc lá ngắn đặc chế.

Thuốc lá điện tử thì có thành phần là dung dịch tinh dầu với khoảng 15.500 loại hương liệu được sử dụng. Trong đó, rất nhiều loại hương liệu độc hại, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, có thể gây cháy nổ và có thể pha trộn các chất khác vào dung dịch như ma túy, cần sa…”.

TS. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Trên cơ sở phân biệt này, các chuyên gia cho rằng việc đánh đồng các loại thuốc lá mới là như nhau sẽ càng làm chậm tiến trình quản lý những sản phẩm này, đặc biệt là với những sản phẩm vốn đã thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) hiện hành.

Chia sẻ quan điểm về cơ sở pháp lý, tiến trình kiểm soát thuốc lá mới, TS. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nguyên Tổ trưởng tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết: chúng ta chỉ mới tiếp cận theo hướng bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng nhưng chưa quan tâm đầy đủ về mặt quản lý thị trường. Việc cấm mặt hàng này hiện không khả thi nếu xét về mặt thực tiễn. Trong khi đó, Luật PCTHTL đã có quy định rõ vùng ảnh hưởng, phạm vi, đối tượng bị cấm tiếp xúc với mọi loại thuốc lá cũng như đã giải thích rõ định nghĩa về sản phẩm thuốc lá thuộc phạm vi điều chỉnh của luật.

Là người đại diện cho cơ quan thẩm định văn bản pháp lý, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Pháp luật dân sự kinh tế, Bộ Tư pháp khẳng định, thuốc là làm nóng là thuốc lá theo định nghĩa của Luật PCTHTL vì có nguyên liệu thuốc lá tương tự như thuốc lá điếu thông thường.

Trong lần phát biểu gần nhất trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định: Bộ Công Thương đang trong quá trình tham khảo ý kiến của các bộ. Nếu có sản phẩm thuốc lá mới nào thuộc phạm trù thuốc lá thì đưa định nghĩa của sản phẩm đó vào Nghị định thay thế Nghị định 67/2013/NĐ-CP về kinh doanh thuốc lá để quản lý.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận