Lâu nay, có nhiều chương trình, cuộc thi với thể lệ tính điểm bằng cách đếm lượt like, share của bài viết đăng trên mạng xã hội. Tuy nhiên, mới đây, có trường còn “đếm” like, share trên Facebook, Zalo để chấm điểm bài làm cho học sinh.
Điều này gây ra nhiều băn khoăn bởi cách tính điểm như vậy, liệu có đảm bảo công bằng và khách quan với học sinh? Những lượt like, share trên mạng xã hội liệu có đủ trở thành căn cứ để đánh giá việc học và điểm số trong trường học?
Mới đây, học sinh lớp 10 Trường THPT Bùi Thị Xuân quận 1, TP.HCM được yêu cầu làm bài thu hoạch từ việc đi xem vở kịch Yêu là thoát tội rồi đăng trên mạng xã hội. Sau đó, tùy vào lượng like và share, các em sẽ được cộng 1 - 2 điểm vào bài kiểm tra thường xuyên.
Trước thông tin này, nhiều phụ huynh tỏ ra bất ngờ bởi đây là một phương pháp chấm điểm mới nhưng nhiều ý kiến cũng cho rằng, nó chưa thực sự phù hợp với môi trường học đường:
“Để lấy lượt like, share để tính điểm cho các cháu thì vô hình trung là chúng ta khiến các cháu phải bỏ nhiều thời gian, công sức hơn trên mạng xã hội để có tương tác, có like, share trên mạng xã hội, làm giảm thời gian học hành của các cháu”.
“Hình thức này mới mẻ và có tác động tích cực nhất định khi năng lực của các con được nhiều người biết đến và đánh giá nhưng về lâu dài và làm quá thường xuyên thì tôi không ủng hộ vì người giáo viên dạy các con trên lớp, nắm chắc kiến thức vẫn phải đóng vai trò chính trong việc chấm điểm cho các con”.
“Việc đánh giá việc học của các con thông qua like, share là không hợp lý. Các con chưa thể sử dụng mạng xã hội một cách tỉnh táo, khôn ngoan, tôi rất hạn chế cho con sử dụng mạng xã hội. Nhà trường sử dụng cách này để chấm điểm sẽ khiến các con bị phụ thuộc vào những đánh giá của người trên mạng xã hội mà đánh giá đó chưa chắc đã đúng và khách quan”.
Mặc dù có ý kiến ủng hộ cách chấm điểm mới này sẽ phù hợp với tâm lý học sinh và khuyến khích học sinh sử dụng mạng xã hội một cách có ích, phục vụ việc học tập trong bối cảnh các trường đang đẩy mạnh chuyển đổi số. Tuy nhiên đa số cho rằng cách chấm điểm này gây áp lực, khiến học sinh chỉ lo đi kiếm "like, share" để có điểm tốt, mà căn cứ vào like, share trên mạng xã hội lại rất “ảo”.
Thầy giáo Vi Văn Thức, giáo viên ngữ văn trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phú Thọ cho rằng, dựa vào lượt like, share để đánh giá, chấm điểm thì không chính xác và không công bằng khi có những em có bài viết hay, chất lượng tốt nhưng không giỏi thao tác mạng xã hội:
“Tính điểm dựa vào lượt like và share chỉ là một tiêu chí để đánh giá kết quả. Những bạn học được, sản phẩm hay nhưng lại không thành thạo về mạng xã hội thì không thể chia sẻ hoặc không có cách nào để kéo lượt tương tác cao bằng những bạn có sản phẩm thấp nhưng lại có chiêu trò trên mạng xã hội”.
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định, việc nhà trường đổi mới cách đánh giá học tập để tạo động lực và mang đến sự mới mẻ cho cả học sinh và giáo viên là cần thiết.
Song, việc thầy cô đưa ra tiêu chí chấm điểm sản phẩm dự án, bài thu hoạch của học sinh thông qua việc like, share bài đăng trên mạng xã hội là một điều không phù hợp, thậm chí có vô tình “khuyến khích” các em học sinh và cả phụ huynh chú tâm vào những cuộc đua, cạnh tranh để “câu” view cho bài làm của con em mình. Điều này không mang lại lợi ích thiết thực cho học sinh.
“Mạng xã hội chỉ là kênh để tham thảo xu hướng của học sinh và mạng xã hội có cả cái hay và cái dở rồi có những cháu có điều kiện giao tiếp trên mạng xã hội, có cháu không tương tác nhiều vì mải học. Chúng ta phải tính chứ khuyến khích các cháu lên mạng xã hội mà quên mất việc học thì rất ảnh hưởng; phải chú ý là tất cả phải vì lợi ích của người học và mục tiêu giáo dục của mình”, TS Hoàng Ngọc Vinh nói.
Trước mong muốn của nhà trường khi yêu cầu học sinh đăng bài lên Facebook, Zalo nhằm giáo dục học sinh sử dụng mạng xã hội một cách văn minh, giúp các em có nhận thức đúng đắn hơn về mạng xã hội, chịu trách nhiệm với nội dung mình chia sẻ và phát biểu trên mạng xã hội; PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP.HCM cho rằng, mạng xã hội như con dao hai lưỡi và học sinh đang trong độ tuổi phát triển, tiếp thu nhanh với cái mới, do đó, khi sử dụng cách làm này cần hết sức thận trọng.
“Không nên nhầm lẫn việc bạn học, các nhóm bạn chấm điểm lẫn nhau trong các buổi thuyết trình giống như việc sử dụng share, like, comment… để cho điểm. Nhưng với hoạt động trải nghiệm thì có thể làm được điều này như một hình thức kết hợp để học sinh có thể thực hiện khả năng sử dụng mạng xã hội một cách tích cực hơn và tất nhiên thầy cô giáo phải công bố trước các tiêu chí đánh giá và cẩn trọng hơn với những tác động tiêu cực của mạng xã hội để vừa giúp cho học sinh thực hiện được nhiều kỹ năng vừa đảm bảo công bằng trong đánh giá”.
Được biết, theo quy định hiện nay, các nhà trường có quyền tự chủ trong việc tổ chức việc dạy và học theo qui định trong chương trình môn học bao gồm cả việc kiểm tra đánh giá. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện không có quy định nào về việc chấm điểm bài làm học sinh dựa trên lượt like trên Facebook, Zalo.
Việc kiểm tra, đánh giá học sinh bằng điểm số các nhà trường cần thực hiện theo thông tư 22/2021. Kể cả điểm cộng, Bộ cũng không có quy định về việc cộng điểm trong các hoạt động kiểm tra đánh giá học sinh.
Hiện nay, từ cá nhân đến các tổ chức, doanh nghiệp đều sử dụng mạng xã hội và kêu gọi like, share như một hình thức quảng bá và giao tiếp xã hội. Tuy nhiên, khi một số trường đưa ra thể lệ tính điểm bằng cách đếm lượt like, share thì đã và đang có những ý kiến trái chiều bởi cách làm này có thể gây ra sự thiếu khách quan, thiếu công bằng khi đánh giá học sinh.
Vậy làm sao để đổi mới giáo dục, đổi mới cách đánh giá học sinh nhưng không khiến “Chấm điểm qua mạng xã hội - lợi bất cập hại”?
Trước khi được áp dụng trong giáo dục thì khi thực hiện chấm điểm sự quan tâm của mọi người trên mạng xã hội đã được nhiều doanh nghiệp, tổ chức quan tâm bằng cách đặt ra một số tiêu chí như cuộc thi, bài viết phải được đăng tải trên fanpage và chấm điểm, trao giải dựa trên lượt like, share, lượt tương tác…..Việc này nhằm tạo ra sự lan tỏa và thu hút quan tâm của công chúng tới chương trình được tổ chức.
Hiện nay, sự tham gia của mạng xã hội (trên Facebook, TikTok, Zalo…) đang diễn ra ở nhiều mặt của đời sống xã hội trong đó có nhà trường. Tuy nhiên, hiện chưa có một quy định, hướng dẫn nào về việc nhà trường có thể sử dụng mạng xã hội để chấm điểm và đánh giá học sinh.
Do đó, phương pháp này không thể áp dụng tùy tiện khi nó có thể sẽ tạo ra áp lực cho học sinh, muốn có điểm tốt thì phải kêu gọi người này, người kia like, share cho mình. Chưa kể, mạng xã hội là ảo; nhóm nào nhiều bạn bè, người thân hơn thì tỷ lệ kêu gọi like, share sẽ nhiều hơn cộng thêm có nhiều công cụ có thể can thiệp đến kết quả khiến cho không thể đánh giá được đúng năng lực của học sinh.
Trong công cuộc đổi mới giáo dục phổ thông, các nhà trường khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học, nhưng sử dụng mạng xã hội chỉ là một kỹ năng trong việc cập nhật công nghệ nên nhà trường không nên quá khắt khe nhưng cũng không để các em sa đà vào mạng xã hội.
Bởi thực tế đã cho thấy, học sinh sử dụng mạng xã hội có nhiều hệ lụy như ảnh hưởng lớn đến tâm lý, mất thời gian, mất tập trung trong học tập. Một số học sinh do sử dụng quá nhiều nên ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, tình cảm, hình thành lối sống ảo. Có những trường hợp vì thiếu văn hóa ứng xử trên mạng xã hội dẫn đến phát sinh mâu thuẫn, bạo lực học đường...
Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, các hình thức dựa vào lượt like, share trên Facebook, Zalo chỉ nên xem là một trong những kênh để thầy cô giáo giúp học sinh hiểu rằng phương tiện, nền tảng công nghệ là công cụ hỗ trợ cho việc học tập, giải trí lành mạnh.
Đó cũng là công cụ để lan tỏa các giá trị tốt đẹp, đồng thời cũng là cơ hội để thầy cô giáo hướng dẫn học sinh cách ứng xử có văn hóa trên không gian mạng. Quá trình sử dụng mạng xã hội cũng đòi hỏi học sinh, giáo viên cần nắm rõ cách thức để thực hiện đúng yêu cầu. Vì khi kiểm tra đánh giá trên trang mạng xã hội, ngay lập tức kết quả có nhiều người biết đến.
Ngoài ra, khi giáo viên đưa ra hình thức này phải dựa vào thực tế điều kiện cũng như năng lực từng học sinh, đồng thời chú trọng yếu tố tất cả được tham gia, tránh tình trạng em có, em không gây mất bình đẳng giữa các em.
Cùng với đổi mới phương pháp giảng dạy, việc đa dạng hóa hình thức kiểm tra, đánh giá đang được các trường học quan tâm, thực hiện nhằm giúp học sinh phát triển năng lực và các kỹ năng trong quá trình học tập.
Tuy nhiên, muốn giáo dục cho học sinh sử dụng mạng xã hội văn minh có lẽ cần sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội chứ không chỉ thông qua việc chấm điểm bài làm nhờ lượt like, share trên mạng xã hội.
Theo VOV.VN