Những ngày qua, Bệnh viện Đà Nẵng liên tục tiếp nhận nhiều ca đa chấn thương và có trường hợp tổn thương rất nặng do pháo nổ. Đây là các ca bệnh chuyển cấp cứu tại thành phố Đà Nẵng và các tỉnh lân cận như Quảng Ngãi, Quảng Nam chuyển ra. Hầu hết các bệnh nhân là những bạn trẻ, tự mua đồ về chế pháo nổ chơi Tết sau đó không may pháo phát nổ gây chấn thương nghiêm trọng.
23h ngày 28/1, Bệnh viện Đà Nẵng tiếp nhận một trường hợp đa chấn thương nặng, vỡ nát nhiều đoạn ruột non, thủng trực tràng, vỡ bàng quang, dập nát tay trái, đùi trái, vỡ khung chậu trái do chơi pháo phát nổ. Bệnh nhân Đ.H.P. (22 tuổi) trú quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đà Nẵng trong tình trạng đa chấn thương, vết thương thủng bụng lộ nội tạng, tổn thương phức tạp vùng tay trái, đùi trái, các vết thương nham nhở, nhiều dị vật. Ngay lập tức, bệnh nhân được đưa vào phòng mổ cấp cứu, các bác sĩ của nhiều chuyên khoa đã phối hợp súc rửa vết thương lấy ra nhiều dị vật, phẫu thuật vết thương bàn tay, vết thương vùng bẹn đùi, cắt bỏ ruột non vỡ và thủng, khâu trực tràng, khâu bàng quang, làm hậu môn nhân tạo, cứu sống bệnh nhân. Hiện tại, bệnh nhân tỉnh, tiếp tục theo dõi và điều trị tích cực tại Khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Đà Nẵng.
Trước đó, Bệnh viện Đà Nẵng tiếp nhận 3 trường hợp chấn thương nặng do pháo nổ. Một bệnh nhân 16 tuổi trú thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam được chuyển cấp cứu Bệnh viện Đà Nẵng trong tình trạng khó thở, vết thương phức tạp vùng đầu, mặt, cổ, ngực, cánh tay 2 bên, mắt không nhìn thấy. Sau đó là bệnh nhân Nguyễn T.H., (19 tuổi) trú huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi nhập cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương ở cánh tay, cổ tay, vết thương hở đùi trái, đùi phải, dập nát bàn tay phải, bỏng mặt, mắt không nhìn thấy. Các bác sĩ khoa Ngoại chấn thương, Bệnh viện Đà Nẵng đã tiến hành cắt lọc, phẫu thuật các vết thương, cắt cụt bàn tay phải cho bệnh nhân.
Một người nhà bệnh nhân có con bị thương nặng do pháo nổ lo lắng: “Tôi là cha của cháu bị pháo nổ đây cũng rất đau thương. Tôi cũng nhắc các bậc phụ huynh theo dõi con em mình và ngăn cấm không được chơi pháo, nguy hiểm đến tính mạng và ảnh hưởng môi trường. Cha mẹ phải quan tâm đến tuổi mới lớn, chẳng hạn như tôi đây, những sai lầm như tôi đây, cha mẹ không biết nói làm sao”.
Trực tiếp điều trị cho các ca chấn thương nặng do pháo nổ, Bác sĩ Huỳnh Đức Phát, Trưởng khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, trong số 4 ca nhập viện thì trường hợp thanh niên ở thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam rất nặng, phải nằm hồi sức và để lại di chứng sau này: “Cháu vào trong tình trạng suy hô hấp, lơ mơ được tiến hành cấp cứu ngay. Vào phòng mổ thì rất nhiều ê kíp phẫu thuật, có ngoại chấn thương, ngoại bỏng mở khí quản. Sau khi được phẫu thuật, xuống dưới này cháu tiếp tục được thở bằng máy chứ cháu chưa tự thở được và trong tình trạng hôn mê chứ chưa tỉnh được”.
Bác sĩ Ngô Hạnh, Phó Trưởng khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đà Năng, người tham gia phẫu thuật cấp cứu cho nhiều bệnh nhân nặng do pháo nổ cho biết, dịp gần Tết năm nào cũng có nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng chấn thương nặng, ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe, nhiều trường hợp phải chịu thương tật suốt đời.
Bác sĩ Ngô Hạnh khuyến cáo: “Chúng tôi khuyến cáo các bậc phụ huynh cũng nên quan tâm đến trẻ em. Và nhà trường cũng nên có các buổi khuyến cáo để trẻ em không tự tìm tòi chế tạo pháo rất nguy hiểm. Đa số những em đã làm được lần thứ nhất thì sẽ có lần thứ 2. Khi mà sự cố cháy, nổ xảy ra thì thương tật của các em để lại rất lớn”.
Thành Long/VOV- Miền Trung