Thảo luận tại hội thảo "Tác hại của rượu, bia đối với người tham gia giao thông đường bộ" do Bộ Công an phối hợp Bộ Y tế tổ chức sáng 29/1, có ý kiến cho rằng cần xử lý hình sự tài xế có nồng độ cồn quá cao, dù chưa gây hậu quả. Bên cạnh sự ủng hộ của một số người, đề xuất này cũng đang vấp phải những ý kiến trái chiều của dư luận.
Trao đổi với phóng viên, nhiều người dân TP.HCM cho rằng, đề xuất xử lý hình sự tài xế có nồng độ cồn quá cao, dù chưa gây hậu quả là vô lý, thậm chí là buồn cười. Bởi pháp luật hiện hành chưa có quy định nào ghi nhận rượu bia là chất cấm nên việc sử dụng rượu bia không thể xem là hành vi phạm pháp luật. Mặt khác, việc siết chặt, xử lý mạnh lái xe vi phạm nồng độ cồn thời gian qua đã có hiệu quả nhất định trong giảm thiểu tác hại của rượu bia đối với người tham gia giao thông.
Bên cạnh những ý kiến phản đối, vẫn có người ủng hộ biện pháp xử lý hình sự với người vi vi phạm nồng độ cồn ở mức cao dù chưa gây tai nạn. Ông Đậu Đình Thắng, người dân TP.HCM nói: “Thực tế đã xảy ra những vụ tai nạn rất thảm khốc do lái xe vi phạm nồng độ cồn. Tôi đồng tình với ý kiến xử lý hình sự với những người có nồng độ cồn quá cao mà tham gia giao thông. Đặc biệt đối với người điều khiển phương tiện ô tô thì cực kỳ nguy hiểm có thể gây ra những hậu quả rất là nặng về người và tài sản”.
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Trần Ngọc Nữ - Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng đề xuất xử lý hình sự tài xế có nồng độ cồn quá cao, dù chưa gây hậu quả là chưa phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành: “Hành vi của một người có cấu thành tội phạm hay không thì phải hội đủ 4 yếu tố: khách thể, chủ thể, khách quan và chủ quan. Đồng thời chỉ những hành vi được Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm thì mới xử lý bằng hình sự. Do đó, người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn ở mức cao mà chưa gây ra hậu quả thì không thể xử lý hình sự được”.
Tương tự, Thạc sĩ luật Ngô Xuân Duy cho rằng ngoài 4 yếu tố cấu thành tội phạm, để xử lý hình sự một người còn phải căn cứ vào độ tuổi và năng lực hành vi của người đó. Thạc sĩ luật Ngô Xuân Duy nhấn mạnh đề xuất trên rất khó thực thi và không phù hợp. Mặt khác, quy định xử phạt hành chính hiện nay cũng đã đủ mạnh và có sức răn đe: “Đối với một người đang sử dụng nồng độ cồn tham gia giao thông chưa gây ra hậu quả thì đã được quy định mức xử lý hành chính. Mức phạt nhẹ nhất hiện nay là từ 2 – 3 triệu đồng và mức nặng nhất từ 6 - 8 triệu đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe máy, xe máy điện. Đối với lái xe ô tô và xe tương tự thì mức nhẹ nhất là từ 6 – 8 triệu đồng, nặng nhất từ 30 – 40 triệu đồng. Cho nên việc yêu cầu xử lý hình sự là không phù hợp với quy định pháp luật hiện hành”.
Tỷ Huỳnh/VOV-TP.HCM