Thiếu khung năng lực nghề nghiệp rõ ràng để biết NLĐ đang thiếu và yếu ở đâu

Cần hoạch định chiến lược về phát triển nguồn nhân lực quốc gia, xác định rõ cơ cấu ngành nghề, ban hành khung năng lực cho các ngành nghề.

 

Chuyên gia cho rằng, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cần hoạch định chiến lược về phát triển nguồn nhân lực quốc gia, xác định rõ cơ cấu ngành nghề, ngành nghề trọng điểm cần chú trọng phát triển cũng như ban hành khung năng lực cho các ngành nghề.

Theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, Việt Nam đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là ở các ngành nghề mới, thu hút nguồn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp FDI. Nhiều chuyên gia cho rằng nếu không kịp thời có các giải pháp kịp thời để đào tạo lại, đào tạo bổ sung kỹ năng cho người lao động, thị trường lao động trong nước sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ về tụt hậu, khó cải thiện năng suất lao động cũng như năng lực cạnh tranh với các quốc gia khác trong khu vực.

PGS.TS Phạm Thị Bích Ngọc, Trưởng Bộ môn Quản trị Nhân lực Trường ĐH Kinh tế quốc dân đã có trao đổi với phóng viên VOV.VN về nội dung này.

PGS.TS Phạm Thị Bích Ngọc, Trưởng Bộ môn Quản trị Nhân lực Trường ĐH Kinh tế quốc dân.

Thưa chuyên gia, theo nhiều báo cáo, hiện nay Việt Nam vẫn thiếu hụt lượng lớn lao động chất lượng cao, nhiều doanh nghiệp “than” khó tuyển người lao động có năng lực, trình độ, tay nghề cao, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, bà đánh giá sao về vấn đề này?

Khi nói về nguồn nhân lực chất lượng cao, thì cần đáp ứng cả về mặt số lượng, chất lượng và cơ cấu, nhu cầu của các loại hình doanh nghiệp khác nhau. Trong đó các doanh nghiệp FDI là nhóm đầu tư vào các ngành như công nghệ cao nhiều nhất, do đó nhu cầu nhân lực chất lượng cao cũng chiếm tỷ lệ lớn hơn.

Về số lượng, chúng ta có 2/3 dân số đang trong độ tuổi lao động, có thể nói là rất dồi dào. Song về mặt chất lượng, nguồn nhân lực Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp FDI. Năng lực chuyên môn, tỷ lệ người lao động đã qua đào tạo còn thấp, nhất là các ngành công nghệ cao, tỷ lệ này chỉ khoảng 1/5 trong tỷ trọng lao động.

Bên cạnh đó, cơ cấu nguồn nhân lực Việt Nam cũng chưa phù hợp. Tỷ lệ lao động chủ yếu tập trung vào kinh tế, xã hội, tỷ lệ làm trong ngành công nghệ cao, kỹ thuật, khoa học còn ít, trong khi đây mới là những lĩnh vực thu hút FDI lớn nhất.

Cũng bởi vậy, các doanh nghiệp luôn phàn nàn khó tuyển dụng lao động chất lượng cao. Chúng ta chưa có sự “sẵn có” của lao động chất lượng cao trên thị trường. Phần lớn người lao động sau khi tốt nghiệp đại học vẫn phải đào tạo mới đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp chủ động hơn trong việc kết nối với các trường đại học, cao đẳng để đào tạo theo địa chỉ, hoặc tham gia vào quá trình đào tạo sẽ giúp sinh viên sau khi ra trường tiếp cận nhanh hơn với thực tế tại các doanh nghiệp. Tuy nhiên hiện nay sự kết nối này chưa thực sự mạnh mẽ.

PV: Như vậy phải chăng quá trình đào tạo hiện nay chưa bắt kịp những yêu cầu của doanh nghiệp, thưa chuyên gia?

Để quá trình đào tạo trong nhà trường có thể để đáp ứng ngay lập tức yêu cầu của doanh nghiệp là tương đối khó khi các điều kiện về thực hành, ứng dụng còn hạn chế. Nếu doanh nghiệp không tham gia vào đào tạo cùng các cơ sở giáo dục, chắc chắn sẽ có khoảng cách nhất định giữa đào tạo và yêu cầu của doanh nghiệp. Nếu có sự kết nối chặt chẽ hơn giữa doanh nghiệp và nhà trường thì bài toán này có thể giải quyết được.

Đơn cử như tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân, với các chương trình về kế toán, nhà trường sẽ tích hợp chứng chỉ nghề vào chương trình đào tạo, trong quá trình đào tạo cũng sẽ mời doanh nghiệp tham gia. Giải pháp này giúp tăng tính thực hành, khả năng ứng dụng để sinh viên ra trường có khả năng thực tiễn tốt hơn, áp dụng lý thuyết vào thực tế dễ dàng hơn, từ đó có thể đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.

Trong bối cảnh CMCN 4.0, khi trí tuệ nhân tạo được dự báo có thể thay thế con người ở nhiều vị trí việc làm, người lao động cần trang bị cho mình những kỹ năng nâng cao gì, hay nói cách khác, chúng ta có nên có những “chuẩn mới” khi nói về chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao không, thưa bà?

Các doanh nghiệp vẫn hay phản ánh, ngoài kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm, khả năng thích nghi với sự thay đổi, của người lao động Việt Nam vẫn chưa thực sự tốt.

Trong bối cảnh hiện nay, quá trình hội nhập, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 diễn ra mạnh mẽ với nhiều xu hướng mới. Ngoài năng lực chuyên môn, kiến thức liên ngành, xuyên ngành, người lao động còn cần có khả năng linh hoạt, thích ứng với sự thay đổi không ngừng, tư duy phản biện, trí tuệ cảm xúc. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đòi hỏi ứng viên cần có kỹ năng phân tích dữ liệu, xử lý thông tin để đưa ra quyết định trong bối cảnh đa dạng các kênh thông tin; khả năng công nghệ thông tin, vận hành các thiết bị máy móc hiện đại…

Song đây lại chưa phải thế mạnh của người lao động Việt Nam hiện nay.

Từ những thực tế trên, theo bà đâu là những giải pháp giúp cải thiện chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam trong bối cảnh hiện nay?

Muốn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quốc gia, trước hết cần xây dựng khung chuẩn năng lực nghề nghiệp. Tại nhiều nước khác trên thế giới, họ có chuẩn năng lực nghề nghiệp rất rõ, từ đó tham chiếu để biết năng lực của người lao động đang ở mức nào, cũng như có giải pháp nâng cao năng lực cho người lao động. Ở nước ta hiện nay chưa có chuẩn rõ ràng cho các ngành nghề.

Ngoài ra, một số năng lực để ứng dụng lý thuyết vào thực tế của người lao động còn hạn chế, do đó cần thay đổi phương thức đào tạo cũng như nội dung chương trình đào tạo để phù hợp hơn. Các trường cũng cần tăng cường kết nối với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo cũng như tăng thời lượng thực hành cho sinh viên, doanh nghiệp tham gia giảng dạy trực tiếp cho sinh viên, hoặc đẩy mạnh đào tạo dựa trên các tình huống mang tính thực tiễn, nâng cao năng lực giải quyết vấn đề cho sinh viên.

Về mặt vĩ mô, nhà nước cần các chính sách giữ chân nguồn lao động chất lượng cao ở lại làm việc trong nước, tránh tình trạng chảy máu chất xám. Có một thực tế rằng nhiều sinh viên giỏi đi du học nước ngoài nhưng lại không muốn trở về Việt Nam làm việc.

Chúng ta cũng cần nhìn nhận rằng, hiện nay đầu tư FDI chủ yếu tập trung ở nhóm ngành kỹ thuật, song nguồn nhân lực của thị trường lao động lại đang mất cân đối. Rất ít người học và làm việc trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, bởi vậy sự thiếu hụt là đương nhiên.

Ở một tầm nhìn xa hơn, chúng ta cũng cần hoạch định chiến lược về phát triển nguồn nhân lực quốc gia, xác định rõ cơ cấu ngành nghề, ngành nghề trọng điểm cần chú trọng phát triển.

Về phía doanh nghiệp, khi tuyển dụng người lao động bao giờ cũng có đào tạo ban đầu. Tuy nhiên nói đến phương thức đào tạo hiện nay, phổ biến nhất không phải gửi người lao động đi học các khóa học mà cần khuyến khích họ nâng cao khả năng tự học, năng lực chuyên môn. Hiện nay có khoảng 70% nhân viên trong các doanh nghiệp đều phải tự học, 20% học từ người khác và 10% học từ trường lớp. Chúng ta có khái niệm doanh nghiệp cần xây dựng tổ chức của mình thành tổ chức học tập, tạo dựng môi trường khuyến khích học hỏi, tạo điều kiện học hỏi mọi lúc mọi nơi, điều đó mới thực sự quan trọng.

Xin cảm ơn bà./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận