Mua bán thuốc như mua rau, ai quản?

  • 29/01/2024 02:00:00
  • VOV Giaothong.vn
  • Xã hội
  • 0

Có lẽ chưa bao giờ một loại hàng hóa có điều kiện kinh doanh khắt khe như thuốc chữa bệnh lại được mua bán dễ dàng như hiện nay, thông qua qua mạng xã hội...

 

Nhiều tài khoản mạng xã hội đang tổ chức bán thuốc với giỏ hàng đa dạng, từ thuốc trị cảm cúm đến hỗ trợ điều trị ung thư để người dân không cần đơn vẫn mua được dễ dàng, trong khi nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng của thuốc thì chưa được kiểm chứng.

Vậy, quy định của pháp luật hiện hành với vấn đề này ra sao? Ai chịu trách nhiệm khi mua thuốc dễ như mua rau?

Thời gian qua hàng nghìn loại thuốc giả đã bị phát hiện và thu giữ trước khi được tiêu thụ trên thị trường thông qua mạng xã hội. Một đối tượng làm thuốc giả khi bị bắt giữ đã khai nhận quy trình sản xuất hết sức đơn giản: "Qua tìm hiểu trên internet, tôi đã tự lên mạng tự tìm hiểu công thức và nhờ in, giao dịch qua mạng để nhận làm ra sản phẩm, tôi mua C sủi về rồi dán nhãn vào thôi".

Bước đi tiếp theo của các sản phẩm thuốc giả này là tung lên các nền tảng mạng xã hội, trong những livestream với đủ hình thức để tiếp cận người tiêu dùng, từ cá nhân, người nổi tiếng cho đến những người mặc áo blouse trắng giống dược sĩ... khiến người tiêu dùng tin tưởng vào các loại thuốc được chào bán.

Vậy là, mỗi ngày có hàng nghìn đơn thuốc được các "thần y" hay dược sĩ "tự xưng" chuyển đến tay người tiêu dùng mà không thông qua bất kỳ sự kiểm tra, giám sát nào về chất lượng. Do đó, có không ít người "tiền mất, tật mang" vì tin theo những lời quảng cáo, mua thuốc trên mạng xã hội để tự điều trị tại nhà.

Thuốc là hàng hóa kinh doanh có điều kiện khắt khe.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho biết, bản thân ông cũng bị một "thầy lang rởm" mạo danh:

"Tôi bị người khác lấy hình ảnh lúc tôi chia tay Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương để quảng cáo bán thuốc. Khi phát hiện bản thân bị mạo danh, tôi đã liên hệ và yêu cầu họ gỡ bỏ ảnh, gỡ bỏ thông tin mạo danh nhưng đến nay họ vẫn không thực hiện. Trên các nền tảng mạng xã hội thời gian qua xuất hiện tình trạng nghệ sĩ, người dân quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng, mà nghệ sĩ có thể quảng cáo về quần áo, mỹ phẩm, đồ dùng… nhưng quảng cáo thuốc thì không thể được".

Việc bán các mặt hàng y tế, nhất là thuốc trên mạng xã hội hay livestream khiến các cơ quan chức năng rất khó kiểm soát về nguồn, chất lượng sản phẩm cũng như người bán. Chỉ có kiểm nghiệm thành phần, chất lượng thuốc... là phương pháp được lựa chọn tối ưu để xác định độ thật - giả. Tuy nhiên, việc này cần một khoản kinh phí lớn và thời gian dài để đánh giá, điều tra.

Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết về rào cản lớn trong việc phát hiện và xử lý kịp thời vấn nạn thuốc giả trên thị trường hiện nay: "Với sự bùng nổ của thương mại điện tử, các mặt hàng được mua bán công khai trên các trang mạng dẫn tới người mua, người tiêu dùng lựa chọn sử dụng thuốc mà không thông qua bác sỹ kê đơn; đôi khi tự tra cứu tên thuốc, công dụng của thuốc rồi tự đặt mua thuốc dẫn tới vô hình chung đã tiếp tay cho việc tiêu thụ cũng như lan truyền thuốc giả, thuốc kém chất lượng".

Trong khi đó, những đường dây sản xuất thuốc có hoạt động tinh vi, địa bàn rộng lớn, thậm chí đặt máy chủ tại nước ngoài nên gây rất nhiều khó khăn cho công tác điều tra, xử lý. Trung tá, TS Ngyễn Thị Thanh Thùy, Học viện An ninh Nhân dân đánh giá về vấn đề này: "Dù lực lượng chức năng đã rất cố gắng, huy động nhiều lực lượng để dẹp thuốc giả trên mạng xã hội nhưng nó vẫn gia tăng bởi nó xuất phát từ tính ẩn danh trên mạng xã hội. Các đối tượng rao bán không rõ địa chỉ cụ thể nào, các thông tin, địa điểm, cơ sở giả nên để cơ quan chức năng để truy nguyên ra đối tượng không phải dễ nên các đối tượng không chỉ lừa 1 lần mà còn nhắm tới hàng trăm người, thu lợi bất chính số tiền rất lớn mà chưa bị phát hiện".

Trước thực trạng thuốc được rao bán tràn lan trên mạng và các sàn giao dịch điện tử, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế đã phối hợp với cơ quan truyền thông, thông tin rộng rãi để người dân không mua thuốc trên mạng internet, chỉ mua thuốc tại các cơ sở kinh doanh dược hợp pháp. Còn Bộ Thông tin - Truyền thông có giải pháp yêu cầu các công ty cung cấp dịch vụ xuyên biên giới có trách nhiệm kiểm soát, gỡ bỏ các nội dung quảng cáo vi phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế.

Theo luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư Hà Nội, dù hiện đã có các quy định về điều kiện bán thuốc, tư vấn, đặc biệt là không được phép bán thuốc kê đơn online nhưng thực tế rất khó để kiểm soát vấn đề này. Để quản lý tốt quy trình này cần có sự tham gia của Bộ Y tế, Bộ Công thương và Bộ Thông tin và Truyền thông vào các khâu của việc phân phối thuốc đến người tiêu dùng: "Đòi hỏi công tác quản lý không chỉ có ngành đơn lẻ mà phải có sự phối hợp, phải có các tổ liên ngành và cơ chế phối hợp mới có thể xử lý được. Bán thuốc trên không gian mạng tất yếu sẽ diễn ra và trong tương lai sẽ càng phổ biến, vấn đề là công tác quản lý, bố trí lực lượng để thẩm tra, kiểm tra, xác minh ra sao. Chúng ta phải hoàn thiện chính sách để đảm bảo phát hiện kịp thời và kiểm soát chặt chẽ hơn vấn đề này".

Khi người bán dễ dàng, người mua cũng "dễ tính" thì hình thức bán thuốc trên các nền tảng mạng xã hội và livestream càng có nhiều cơ hội để trở nên phổ biến. Vấn nạn thuốc chữa bệnh được quảng cáo và bán tràn lan trên mạng đã được nêu ra từ lâu nhưng đến giờ vẫn chưa có "thuốc chữa".

Vậy cần làm gì để không còn "Mua thuốc qua mạng tiền mất tật mang"?

Cứ lên mạng là gặp được dược sĩ, bác sĩ online. Ai cũng có thể tư vấn như đúng rồi bệnh tình của bệnh nhân chỉ bằng cách chat, nói chuyện qua điện thoại và sau đó bán thuốc với giá trị hàng triệu đồng.

Chuyện thật như đùa và không hiếm gặp này bắt nguồn từ việc từ lâu, nhiều người dân có thói quen tự mua thuốc điều trị. Trước khi mạng xã hội phổ biến thì người bệnh chỉ cần ra nhà thuốc kể tình trạng bệnh với người bán thuốc, từ đó mua các loại thuốc về để tự trị bệnh cho mình.

Điều này xuất phát từ tâm lý chủ quan, ngại đi khám bệnh, một phần do sự thiếu hiểu biết về các nguy cơ thuốc có thể gây ra, hoặc theo lời quảng cáo, kinh nghiệm của bản thân và người xung quanh. Nhiều người còn lấy đơn thuốc của người khác để mua thuốc điều trị cho mình khi thấy các dấu hiệu bệnh tương tự.

Trong khi đó, mỗi cơ sở kinh doanh dược phẩm bán trực tiếp hay online đều nắm rất rõ, có một số mặt hàng thuốc khi được bán ra cần có sự chỉ định của bác sỹ. Tuy nhiên, dường như quy định này chưa được thực hiện nghiêm túc.

Ở nhiều vùng nông thôn, người bán thuốc đôi khi không cần bằng dược sỹ, thậm chí người bán tạp hóa cũng bán kèm theo thuốc tây. Chủ các cơ sở bán thuốc muốn tối đa doanh thu, nên không tư vấn đầy đủ cho người mua thuốc, mặt khác, các chế tài xử phạt vi phạm trong việc bán thuốc kê đơn hiện nay vẫn còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe đối với các cơ sở kinh doanh thuốc.

Không chỉ người bán thuốc và người cần mua còn chủ quan với việc mua bán trực tiếp thuốc kê đơn mà ngay cả việc bán thuốc trên mạng, nhiều người cũng không biết đó là hành vi vi phạm pháp luật. Do đó, các hoạt động kinh doanh thuốc online hiện chủ yếu theo hình thức tự phát, không tuân thủ các quy định pháp luật về kinh doanh dược, quảng cáo và chưa thực sự có cơ quan nào kiểm soát.

Thực tế đòi hỏi cần sớm có các quy định rõ ràng hơn với loại hình kinh doanh này để đảm bảo quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng. Bộ Y tế cần có quy định rõ ràng hơn đối với những danh mục sản phẩm, thông tin sản phẩm bày bán trên sàn thương mại điện tử.

Đối với các loại thuốc kê đơn cần có thêm chính sách chặt chẽ hơn để đảm bảo người dân không mua thuốc tràn lan

Với việc thiếu các quy định và chế tài cụ thể, lại khó có thể thanh kiểm tra thường xuyên khiến nhiều cơ sở bán lẻ thuốc vì lợi nhuận sẽ vẫn tiếp tục vi phạm bán hàng qua mạng. Cộng với đó là các loại thuốc giả, kém chất lượng lợi dụng thị trường chung để trà trộn, lừa dối người bệnh.

Đây là kẽ hở của các quy định pháp luật hiện nay đòi hỏi cần sớm được bổ sung. Việc bổ sung những quy định này sẽ giúp đảm bảo giám sát được quy trình, chất lượng thuốc bán ra thông qua các sàn thương mại điện tử.

Đồng thời, hạn chế rủi ro tiềm ẩn từ những tài khoản bán thuốc không rõ nguồn gốc trên các nền tảng mạng xã hội.

Thuốc được quy định là loại hàng hóa đặc biệt, liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người, do đó, không phải ai và qua hình thức nào cũng có thể bán thuốc. Vấn đề là đã đến lúc cần có các giải pháp để tăng cường quản lý hình thức bán hàng này hiệu quả hơn, giúp bảo vệ sức khỏe người dân.

Nguyễn Yên/VOVgiaothong.vn

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận