Cần giấy phép hành nghề để tạo sự chuyên nghiệp cho hoạt động giáo dục?

Nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp. Liệu, điều này có tạo ra những 'giấy phép con' nảy sinh tiêu cực?

 

Nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp - thông tin này ngay lập tức tạo ra những luồng ý kiến tranh cãi xung quanh sự cần thiết của tờ giấy chứng nhận. Liệu, điều này có tạo ra những “giấy phép con” nảy sinh tiêu cực?

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến tham vấn từ các cơ quan chuyên môn, chuyên gia, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục… để xây dựng dự án Luật Nhà giáo. Trong nhiều nội dung được đưa ra lấy ý kiến có quy định nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp. Giấy chứng nhận nghề nghiệp sẽ thay thế cho hai giấy tờ quan trọng là: Quyết định công nhận hết thời gian tập sự của giáo viên và giấy chứng nhận hoàn thành bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Nhiều tranh cãi xung quanh quy định nhà giáo phải có chứng nhận nghề nghiệp.

Lo ngại sẽ nhiêu khê?

Bất ngờ khi đón nhận thông tin này, thầy Huỳnh Thanh Phú, hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM lo ngại, giấy chứng nhận nghề nghiệp sẽ tạo ra một thủ tục hành chính nhiêu khê. Nếu có, theo thầy Phú nên giao cho các trường sư phạm đào tạo để cấp thêm một chứng chỉ nữa bởi “nếu đòi hỏi quá nhiều giấy tờ sẽ làm người thầy cảm thấy mệt mỏi”.

Cô Nguyễn Hồng Anh – một giáo viên ở TP.HCM cho rằng, sinh viên sư phạm tốt nghiệp đã trải qua quá trình thực tập mới được cấp bằng. Khi vào các trường còn có thêm thời gian thử việc, tùy yêu cầu của từng trường mà có thời gian dài – ngắn khác nhau. Giáo viên được học sinh yêu mến, phụ huynh không than phiền, lượng kiến thức được truyền tải đúng chuẩn giá trị cốt lõi của trường sẽ được tuyển dụng. “Hiện thực đó mới là chứng nhận quan trọng nhất còn mọi chứng nhận khác e rằng chỉ nặng thêm hồ sơ người giáo viên”, cô Hồng Anh nói.

Trong khi đó, cô Nguyễn Thanh Hương, giáo viên Trường Tiểu học Marie Curie Hà Nội cho rằng, giáo viên cũng như các ngành nghề khác không thể “tự phong”. Tuy nhiên, phải có thông báo để những người bắt đầu vào nghề biết từ năm nào trở đi có quy định giáo viên bắt buộc phải có chứng nhận nghề nghiệp. Với những người đã làm nghề lâu năm theo cô Hương không cần thiết phải có giấy tờ này.

Chứng nhận sự chuyên nghiệp của giáo viên

Theo TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT, lâu nay xã hội thường kêu ca nhiều về chất lượng giáo dục, cách hành xử của giáo viên cũng như một số vấn đề trong tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng. Do vậy, rất cần tiêu chuẩn mới mà khi đáp ứng tiêu chuẩn này giáo viên sẽ có giấy chứng nhận.

Tuy vậy, TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, đây không phải là "chứng nhận nghề nghiệp" vì người giáo viên đã tốt nghiệp ra đi dạy rồi nhưng sự chuyên nghiệp của họ thì phải được công nhận. “Phải phân biệt người ở trình độ chuyên nghiệp thấp, trung bình và cao hoặc chỉ đạt trình độ đầu vào. Giờ chúng ta đã có tiêu chuẩn chức danh, một số người chức danh giáo viên, giáo viên chính, giáo viên cao cấp - đó là trình độ chuyên nghiệp để họ hành nghề cho tốt, chấn chỉnh trật tự trong đào tạo bồi dưỡng, tuyển dụng, sử dụng giáo viên hiện nay”.

Tương tự, PGS.TS Chu Cẩm Thơ chưa thấy hợp lý với tên gọi “chứng nhận nghề nghiệp”, thay vào đó “giấy phép hành nghề” hay “chứng chỉ hành nghề” sẽ thể hiện đúng vai trò của loại giấy tờ này hơn.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ.

Kế thừa nghiên cứu của các đồng nghiệp cũng như kinh nghiệm quốc tế, PGS.TS Chu Cẩm Thơ cho rằng, đề cập đến chứng chỉ hành nghề tương ứng với việc chúng ta muốn quản lý nghề nghiệp đó một cách chuyên nghiệp. Về phương diện quản trị nghề nghiệp thì đây là tín hiệu tốt cho công việc giáo dục của các nhà giáo hoặc những ai muốn tham gia vào hoạt động giáo dục.

Hiện nay, tham gia vào các hoạt động giáo dục có nhiều thành phần chứ không nhất thiết là những người tốt nghiệp sư phạm. Trong khi đó, không phải ai tốt nghiệp sư phạm cũng đủ năng lực thực hiện công việc đó trong thực tiễn.

“Trong lịch sử, việc chúng ta muốn chuyên nghiệp hóa công việc giáo dục còn khó khăn vì còn tâm lý, thói quen, văn hóa, những tiêu chuẩn khắt khe về nghề cao quý nhưng thực tiễn xã hội ngày càng hiện đại, sự giao lưu, thích ứng, luân chuyển nghề nghiệp diễn ra càng nhiều. Trong những năm vừa qua chúng ta phải huy động nhiều người học ĐH khác hoặc học văn bằng khác chuyển sang làm giáo dục.

Ngược lại, cũng có nhiều người thôi công việc này và sau đó muốn tái hòa nhập lại thì sao? Hiện nay, theo chính sách xã hội hóa cho thấy, ở các thành phố lớn tỉ lệ nhà giáo không ở khối công lập có thể chiếm 30-40%. Như vậy, quản lý đối tượng này trở nên phức tạp và không thuần nhất một tiêu chuẩn mong muốn”.

Theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ, về nguyên tắc cần phải có những hiệp hội ngành nghề với tiêu chuẩn riêng và khả năng phải bám sát thực tiễn. Như vậy, giấy phép hành nghề sẽ là công cụ cho hoạt động quản lý.

Tuy nhiên, PGS.TS Chu Cẩm Thơ cũng quan tâm đến điều kiện thực hiện. “Chúng ta có 1.5 triệu giáo viên nhưng thực tế nhiều hơn thế những người trong phạm vi cấp phép. Nó biến đổi thường xuyên nên cần lộ trình trong đó ghi rõ ràng việc cấp thiết ứng xử chuẩn bị cho nó như thế nào”.

Hiện có hơn 70 quốc gia đang thực hiện yêu cầu giáo viên cần có chứng chỉ hành nghề. Theo thông lệ những người học và không học ngành sư phạm đã đào tạo để có nghiệp vụ ngành sư phạm thì khi tốt nghiệp sẽ có thêm quá trình làm việc tại các cơ sở giáo dục, trải qua những hoạt động đào tạo khác mà bối cảnh giáo dục đó yêu cầu để có được chứng chỉ hành nghề.

Theo bà Thơ, chứng chỉ hành nghề không có giá trị vĩnh viễn ở đa số các quốc gia vì đây là chứng chỉ xác nhận năng lực lao động tại thời điểm thực tế chứ không phải xác nhận trình độ về chuyên môn.

Làm sao để chứng chỉ nghề nghiệp không trở thành "giấy phép con"?

Theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ, trong những năm qua, ngành giáo dục đã có nhiều nỗ lực song vẫn tồn đọng “khoảng cách” lớn về đào tạo giữa các trường sư phạm. "Ngoài 7 trường sư phạm trọng điểm thì chúng ta còn có hàng chục cơ sở đào tạo giáo viên khác. Song, hiện nay chiến lược phát triển các trường sư phạm chưa chỉ ra được cách để nâng cao năng lực của các trường không trọng điểm này, thu hẹp khoảng cách chất lượng đầu ra của các trường cùng đào tạo sư phạm", PGS.TS Chu Cẩm Thơ đánh giá.

(Ảnh minh họa).

Tiếp theo là hệ sinh thái phát triển nghề nghiệp cho các giáo viên sau khi tốt nghiệp sư phạm hoặc người ngoài trường sư phạm thích nghi với nghề nghiệp vẫn chưa được như mong muốn.

Bên cạnh đó, năng lực của các cơ sở giáo dục trong việc xác nhận năng lực giáo viên còn hạn chế. “Trong 18-24 tháng theo thông lệ quốc tế cơ sở giáo dục phải xác nhận được năng lực của giáo viên. Tuy nhiên qua những nghiên cứu cho thấy năng lực này của các nhà trường vẫn thụ động, chúng ta vẫn quen sử dụng những đánh giá thông qua các cuộc thi mà chưa đi sâu thực tiễn của giáo viên”.

Về vấn đề lương, thu nhập nhà giáo, theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ, tại các nghề nghiệp chuyên nghiệp, điều kiện lương sẽ là một trong những điều kiện giúp quản lý tốt giáo viên và quyết định việc họ có xứng đáng làm công việc này hay không. Nếu khắc phục được những hạn chế này sẽ tạo đà cho sự chuyên nghiệp hóa hoạt động giáo dục, tiến tới chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo có giá trị trong thực tiễn.

Theo VOV.VN

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận