Mấy ngày gần đây, Hà Nội và nhiều tỉnh phía Bắc nhiệt độ giảm sâu, trời rét đậm, rét hại ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe, nhất là người già, trẻ em. Cần làm gì để bảo vệ sức khỏe trong thời tiết lạnh giá này là điều mà nhiều người cần biết.
Gần 1 tuần nay, khoa khám bệnh và khoa cấp cứu của bệnh viện Bạch Mai luôn trong tình trạng quá tải, số bệnh nhân nhập viện do đột quỵ, tăng huyết áp, xương khớp, tim mạch và mắc các đường hô hấp tăng cao. Sảnh chờ tại các khoa khám luôn có hàng trăm bệnh nhân người ngồi chờ, nhiều người phải đợi tới 3-4 giờ mới tới lượt khám, khuôn mặt lộ rõ vẻ mệt mỏi.
Bệnh nhân Nguyễn Văn Khánh (77 tuổi, Đông Anh, Hà Nội), có tiền sử huyết áp cao, do tỉnh dậy và đi vệ sinh vào lúc nửa đêm, không mặc áo ấm, nhiễm lạnh đột ngột nên đã bị đột quỵ. Người nhà của bệnh nhân cho biết, ông nhập viện cách đây 2 ngày, được các bác sĩ cấp cứu và điều trị kịp thời nhưng tình hình vẫn không mấy khả quan.
Trong những ngày rét đậm, rét hại, khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Lão khoa Trung ương cũng tiếp nhận lượng bệnh nhân tăng 1,5 lần so với bình thường; Gia tăng bệnh nhân cũng là tình trạng chung tại các khoa Nhi, Đột quỵ, Hô hấp Lão khoa ở những bệnh viện khác như Xanh Pôn, Thanh Nhàn, bệnh viện E…
Tại khoa cấp cứu - Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Đặng Khiêm - Trưởng khoa Cấp cứu cho biết, vào những ngày nhiệt độ giảm mạnh, nhiều bệnh nhân cao tuổi đều nhập viện trong tình trạng nặng. Các bác sĩ liên tục phải cấp cứu các trường hợp nhập viện do bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp và hô hấp liên quan đến yếu tố thời tiết.
“Bệnh nhân nhập viện do các bệnh nền có xu hướng tăng lên, đặc biệt là tăng huyết áp. Thời tiết lạnh, nhiều bệnh nhân có biểu hiện tăng huyết áp, kháng thuốc nên phải nhập viện. Số lượng bệnh nhân này nhiều hơn những bệnh khác khoảng 30%. Ngoài đột quỵ, trời lạnh, nếu người dân không giữ ấm, rất có thể bị liệt dây thần kinh số 7”, bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm cho hay.
Đột quỵ ở người cao tuổi là tình trạng diễn ra khá phổ biến hiện nay. Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 200.000 ca đột quỵ, trong đó có khoảng 50% số ca tử vong hoặc để lại nhiều di chứng nặng nề cho người bệnh; Khoảng 60% - 70 % bệnh nhân phải có sự trợ giúp của người thân trong sinh hoạt hàng ngày, trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội. Do vậy, việc giữ gìn sức khỏe, khám bệnh định kỳ, phát hiện sớm đột quỵ ở người già có thể hạn chế di chứng hoặc giảm nguy cơ tử vong.
Cũng theo bác sĩ Khiêm, trong những ngày tới, thời tiết vẫn rét đậm, rét hại, nguy cơ quá tải bệnh nhân sẽ rất cao. Người già, trẻ nhỏ là những độ tuổi có sức đề kháng yếu, rất dễ mắc các bệnh truyền nhiễm, bởi thời tiết lạnh tạo điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn phát triển. Với thời tiết này, người cao tuổi gặp những vấn đề về đường hô hấp, tim mạch, đột quỵ hay cơ xương khớp, còn các bệnh nhi dễ mắc các bệnh về hô hấp như viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi hay nhiễm virus hợp bào hô hấp RSV…
Bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm khuyến cáo, trong những ngày rét đậm, rét hại, trẻ nhỏ và người cao tuổi cần phải được quan tâm, chú ý đến sức khỏe nhiều hơn. Cần hạn chế ra ngoài khi nhiệt độ ngoài trời giảm mạnh, đặc biệt là vào thời điểm sáng sớm hay tối muộn; Phải luôn giữ ấm cho cơ thể, nếu có dấu hiệu gì bất thường thì nên đi khám sớm, không được để quá nặng thì mới đi khám, ảnh hưởng đến quá trình điều trị và sẽ khiến cơ thể lâu phục hồi; Trong quá trình điều trị, phải tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ.
Về chế độ ăn uống, người cao tuổi, trẻ em cần cung cấp lượng tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin nhiều hơn để đủ năng lượng, sức khỏe “chống chọi” với thời tiết khắc nghiệt của mùa đông; Cần bổ sung vitamin A, C để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể; Những người bị cao huyết áp, mắc các bệnh tim mạch, mắc các bệnh hô hấp mạn tính, cơ xương khớp… phải chú ý tuân thủ nguyên tắc dùng thuốc, có chế độ vận động và dinh dưỡng hợp lý theo hướng dẫn của bác sĩ…
Với những người phải làm việc trong thời tiết lạnh, nếu phải làm việc ngoài trời cần giữ ấm cơ thể; đeo khẩu trang trong khi làm việc để bảo vệ đường hô hấp; Trang bị và sử dụng đầy đủ đồ bảo hộ lao động, tránh để cơ thể bị nhiễm lạnh. Các bác sĩ cũng lưu ý, người dân khi xuất hiện các triệu chứng: đau đầu, chóng mặt, tức ngực, khó chịu, tê bì chân tay… cần giữ ấm cơ thể ngay và đến cơ sở y tế kiểm tra sức khỏe.
Chung Thủy/VOV.VN