Để bữa ăn bán trú không bị 'rút ruột'

  • 25/01/2024 01:59:26
  • Nhóm phóng viên
  • Xã hội
  • 0

Hiện nay chính quyền địa phương các cấp ở miền núi Tây Bắc cũng tăng cường kiểm tra, giám sát, tránh những sai phạm trong thực hiện bữa ăn bán trú của học sinh.

 

Các địa phương ở Tây Bắc đang triển khai nhiều giải pháp kiểm tra, giám sát để tránh xảy ra những tiêu cực, ảnh hưởng đến chất lượng bữa ăn của học sinh bán trú. Vấn đề đặt ra là làm sao các giải pháp này đủ mạnh và đủ minh bạch.

"Cháu ở bán trú rất tốt, không gặp khó khăn gì, buổi sáng thì được phát mỗi bạn 1 cái bánh mì, còn buổi trưa và buổi tối sẽ được ăn cơm. Ở trường cháu thấy sướng hơn, ở nhà thì toàn ăn cơm với rau, còn ở trường không phải lao động chân tay nhiều với cả được ăn cơm với thức ăn rất ngon."

Đó là chia sẻ của em Lù Thị Ca, học sinh lớp 6A3, Trường THCS Tả Lèng, huyện Tạm Đường, tỉnh Lai Châu, nhà ở cách trường hơn 8km đường núi. Ca kể: nhà có 5 anh, chị em, thuộc diện hộ nghèo của xã. Do điều kiện kinh tế khó khăn, nên anh, chị của Ca đều phải nghỉ học sớm để giúp bố mẹ đi làm nương và đi làm ăn xa. Nhờ có chính sách hỗ trợ học sinh bán trú mà em mới có cơ hội đến trường.

Các nhà trường triển khai nhiều giải pháp để giám sát chất lượng bữa ăn bán trú của học sinh.

Các thầy cô giáo nơi vùng cao Tây Bắc chia sẻ, những hoàn cảnh như của Lù Thị Ca không hiếm trong hàng trăm nghìn học sinh nghèo được hưởng chính sách bán trú nơi đây. Và khi biết cuộc sống của các em nhọc nhằn đến mức ấy, họ đều dặn lòng mình phải làm sao thực hiện tốt nhất các chế độ cho các em, để các em không bị thiệt thòi thêm.

Thầy giáo Nguyễn Đình Trung, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Tả Lèng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu cho biết: trường có 25 lớp, hơn 600 học sinh ở 4 điểm trường, trong đó điểm trường trung tâm có 19 lớp, hơn 500 học sinh, gần 200 em ăn ở bán trú. Theo quy định, chế độ của học sinh nhà trường được thực hiện theo Nghị định 116 của Chính phủ, trong 9 tháng học, mỗi học sinh được cấp 15kg gạo và 720 nghìn đồng mỗi tháng. Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã thành lập Ban chỉ đạo bán trú, với lực lượng lòng cốt là cán bộ, giáo viên và phụ huynh học sinh. Theo đó, các thành viên đều được phân công các nhiệm vụ cụ thể trong công tác trực và kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất để đảm bảo chế độ đúng, đủ và an toàn bữa ăn cho học sinh.

"Ban Chỉ đạo của xã, của huyện, cả Phòng Giáo dục rất chủ động tăng cường công tác kiểm tra đột xuất cũng như kiểm tra thường xuyên. Thông thường là hội trưởng phụ huynh và đặc biệt là dịp cuối tuần, các phụ huynh cũng xuống giám sát xem con ăn uống thế nào, thăm nom động viên các cháu xem còn khó khăn gì. Đây cũng là động lực, nguồn động viên đối với nhà trường để thực hiện tốt hơn công tác bán trú." - Thầy giáo Nguyễn Đình Trung nói.

Quy trình nấu ăn được kiểm tra, giám sát chặt chẽ.Tại Trường Tiểu học và THCS Chiềng San, huyện Mường La, Sơn La, nơi có hơn 120 học sinh bán trú, thầy giáo Nguyễn Đình Hiến, Hiệu trường nhà trường chia sẻ, ngay khi triển khai nấu ăn bán trú cho học sinh, việc công khai, minh bạch kinh phí tổ chức nấu ăn bán trú luôn được nhà trường quan tâm.

"Khi được phê duyệt hoặc được chi trả thì chúng tôi đều công khai trong tập thể nhà trường và công khai với phụ huynh về các chế độ các cháu được hưởng. Tại trường thì hàng tháng chúng tôi đều công khai số học sinh được hưởng, rồi mức chi nấu ăn cho các cháu như thế nào. Hàng ngày cũng đều có sổ theo dõi nhập thực phẩm, công khai định mức ăn từng bữa ăn bao nhiêu, có thể kiểm tra bất cứ lúc nào, nên không có chuyện tham nhũng hoặc rút bớt chế độ của học sinh được." - Thầy Hiến chia sẻ.

Còn ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Sính Phình 1, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên, sau khi xây dựng thực đơn, công khai tài chính, hàng ngày nhà trường sẽ cử ban đời sống quản lý bán trú thực hiện mua hàng, kiểm tra kỹ lưỡng thực phẩm.

Thầy giáo Bùi Quang Trung, Hiệu trưởng nhà trường khẳng định: Trực tiếp sẽ có ban giám hiệu giám sát việc xuất nhập vòng cuối cùng xem thực phẩm có đủ điều kiện để chế biến hay không. Hàng ngày cũng có bảng công khai trước tập thể cán bộ giảo viên và cũng như công khai để người dân biết.

Các nhà trường chủ động công khai tài chính, minh bạch trong tổ chức nấu ăn bán trú cho học sinh.Tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Lành, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, thầy giáo Đặng Thái Bình, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngoài công khai thực đơn ăn hàng ngày của các em học sinh, trường còn thực hiện công khai các khoản dư thừa đối với phụ huynh.

"Chúng tôi cho học sinh ăn hết khoảng 7 đến 8 cân gạo, nhà nước cấp mỗi em được 15kg/tháng thì cái thừa chúng tôi trả về. Cứ cuối kì chúng tôi trả số gạo thừa cho học sinh, bố mẹ đến nhận. Tiền ăn những học sinh nghỉ ốm không đến trường ăn thì  cũng trả lại cho bố mẹ." - thầy giáo Đặng Thái Bình cho hay.

Ngoài sự công khai, minh bạch tại các nhà trường, hiện nay chính quyền địa phương các cấp ở miền núi Tây Bắc cũng tăng cường kiểm tra, giám sát, tránh những sai phạm trong thực hiện bữa ăn bán trú của học sinh.

Ông Vũ Xuân Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu cho biết, để đảm bảo chế độ cho học sinh bán trú đúng, đủ, kịp thời, huyện đã phân bổ nguồn trực tiếp về cho các nhà trường, từ đó các nhà trường có học sinh bán trú đã chủ động hơn trong việc ký kết với đơn vị cung ứng thực phẩm, theo đơn giá của Sở Tài chính trong mỗi học kỳ. Hàng năm huyện đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và các xã xây dựng kế hoạch kiểm tra việc thực hiện chế độ bán trú cho học sinh thường xuyên và đột xuất. Từ khi có chế độ bán trú thì đến thời điểm này có thể nói là được thực hiện đúng, đầy đủ cho học sinh.

Ngay sau khi xảy ra sự việc ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hoàng Thu Phố 1, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, đồng thời thực hiện Công điện số 1385 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường bảo đảm các điều kiện ăn, ở, sinh hoạt và học tập cho trẻ em mầm non, học sinh nội trú, bán trú, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hầu hết các địa phương ở Tây Bắc đều tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các chế độ, chính sách ở các nhà trường.

Bữa ăn bán trú đảm bảo đủ no, đủ dinh dưỡng, giúp học sinh có sức khỏe để học tập.

Ông Và Phỏng Xá, Phó Chủ tịch UBND xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, Sơn La cho biết: Ban chỉ đạo xã thành lập tổ giám sát, tới các khu nấu ăn của các trường để kiểm tra xem 1 bữa ăn thì khẩu phần của các cháu như thế nào, có đảm bảo vệ sinh an toàn không, rồi tiền chế độ về thì như thế nào, ai là những người có trách nhiệm lo đầy đủ cho các cháu, không bớt xén của các cháu đi.

Ông Chá A Của, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Sơn La chia sẻ: Cùng với các chế độ mà học sinh vùng khó đang được hưởng theo các chính sách của Đảng và Nhà nước, các chính sách riêng hỗ trợ tổ chức nấu ăn bán trú của HĐND tỉnh Sơn La trong 10 năm qua đã góp phần giảm tỷ lệ học sinh bỏ học hơn 60% so với khi chưa tổ chức nấu ăn tập trung bán trú; cơ bản khắc phục tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng. Việc kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách được HĐND tỉnh Sơn La đặc biệt chú trọng.

"Không chỉ riêng HĐND, các ban HĐND mà các cấp, các ngành đều thường xuyên kiểm tra giám sát dưới nhiều hình thức, giám sát thường xuyên, kiểm tra đột xuất. Còn đối với nội dung mà UBND tỉnh, các cấp, các ngành làm chưa triệt để, chúng tôi tiếp tục đưa vào chương trình tái giám sát, truy đến cùng, để đảm bảo làm sao chính sách được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đến được với các đối tượng được thụ hưởng." - Ông Chá A Của nhấn mạnh.

Chính sách nấu ăn bán trú góp phần nâng tỷ lệ chuyên cần của học sinh vùng khó.Ông Lò Việt Tuyển, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu khẳng định: Không phải chỉ sau vụ việc ở Lào Cai trên các phương tiện truyền thông đưa tin mà từ đầu các năm học, ngành giáo dục và đào tạo Lai Châu luôn quán triệt chỉ đạo sâu sát việc thực hiện chế độ, chính sách cho học sinh nội trú, bán trú trên địa bàn. Cho đến thời điểm nay,  kiểm tra, giám sát có thể đánh giá rằng việc thực hiện chế độ, chính sách cho học sinh ở các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú và các trường phổ thông có học sinh bán trú được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định.

Theo ghi nhận của nhóm phóng viên Đài TNVN thường trú khu vực Tây Bắc tại các tỉnh: Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên cho thấy, suất ăn bán trú đang áp dụng hiện nay tại các nhà trường không còn phù hợp với thực tế ở một số địa phương, cần được bổ sung chính sách trong thời gian tới. Đây cũng là nội dung trong bài cuối của loạt bài "Tây Bắc hỗ trợ học sinh bán trú vùng khó: cần điều chỉnh chính sách".

Nhóm phóng viên/VOV-Tây Bắc

 

Bình luận

    Chưa có bình luận