Nhiều nơi bị đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hụt đơn hàng dẫn điến việc công nhân, người lao động bị mất việc, giảm giờ làm xảy ra ở nhiều nơi, đặc biệt tại những đô thị lớn như TP.HCM.
Vậy trong thời điểm Tết Nguyên đán Giáp thìn 2024 đang cận kề phía Sở ngành thành phố đã có những chính sách gì để hỗ trợ, chăm lo cho người lao động?
Dưới tác động của suy thoái kinh tế đã khiến nhiều doanh nghiệp cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng rơi vào tình cảnh khó khăn khi thiếu hụt đơn hàng, dây chuyền sản xuất bị đứt gãy. Điều này đã buộc các công ty, doanh nghiệp phải cắt giảm giờ làm hoặc nghiêm trọng hơn là họ phải chấm dứt hợp đồng lao động với công nhân, người lao động.
Theo Sở Lao động thương binh xã hội TP.HCM, từ đầu năm 2023 đến nay, Sở tiếp nhận thông báo cho người lao động thôi việc của 58 doanh nghiệp. Tổng số lao động mất việc trên 4.300 người, tăng hơn 2.800 người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cắt giảm lao động cao nhất, với 30 doanh nghiệp.
Ghi nhận của phóng viên tại một khu trọ với hơn 200 công nhân đang làm việc tại các công ty trên địa bàn Quận Bình Tân, gần 1/3 trong số họ đã phải về quê đón tết sớm vì không tìm được việc làm mới sau khi công ty cho nghỉ việc.
Là một trong số những người may mắn còn có được việc làm ở thời điểm này, anh Trần Văn Khẩn cho biết: "Những anh em may mắn còn có việc làm thì đa phần là làm vào giờ hành chính, còn những anh em nghỉ giữa chừng rồi kéo nhau về quê thì trong khoảng tháng 10 đến tháng 11 rất nhiều".
Có lẽ điều mong mỏi của những người lao động lúc này không chỉ là có được việc làm ổn định, lương thưởng hợp lý để họ có được một cái tết đoàn viên, sum vầy bên người thân và gia đình.
Anh Nghị, công nhân công ty PuoYuen, Quận Bình Tân chia sẻ: "Mong muốn những ngày cuối năm chính quyền cũng sẽ tạo điều kiện cho những người công nhân có tiền vé tiền xe để có nguồn gì đó thu nhập khoảng thời gian cuối năm để cho bà con về quê ăn tết vui vẻ hơn".
Hiểu được những khó khăn của các công nhân, đặc biệt là những người lao động phải tha hương. Nhiều đơn vị, tổ chức đã cùng đồng hành chia sẻ bằng những việc làm thiết thực như tổ chức các chuyến xe về quê, trao tặng những tấm vé nghĩa tình.
Anh Trần Quang Đình - Phó chủ tịch hội đồng hương Thái Bình cho biết, hội sẽ tổ chức chương trình chuyến xe yêu thương, dự kiến hỗ trợ khoảng 500 vé xe cho bà con có thể về quê đón tết nguyên đán sắp tới:
"Qua những lần gặp gỡ, mình đã nghe được những chia sẻ của bà con là mấy năm không được về quê đón tết. Xuất phát từ những tâm sự của bà con thì anh em trong hội mới lên chương trình những chuyến xe yêu thương để hỗ trợ đưa bà con về quê đón tết, đoàn tụ cùng với gia đình".
Vừa qua Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã yêu cầu tăng cường kiểm tra và thực hiện các biện pháp bảo đảm công chức viên chức, người lao động được chi trả đầy đủ lương, tiền thưởng và bố trí nghỉ Tết đúng chế độ theo quy định.
Thông tin về việc triển khai thực hiện chủ trương này, bà Huỳnh Lê Như Trang – Phó giám đốc Sở Lao động thương binh xã hội cho biết: "Sở sẽ cùng với ban quản lý khu công nghệ cao và UBND các quận huyện & TP.Thủ Đức sẽ tổ chức các đoàn giám sát trực tiếp tại một số doanh nghiệp, ưu tiên các doanh nghiệp khó khăn trong việc trả lương thưởng, doanh nghiệp cắt giảm lao động, doanh nghiệp có nguy cơ nợ lương, thưởng, doanh nghiệp có nguy cơ nợ lương thưởng hoặc các doanh nghiệp có xảy ra tranh chấp".
Qua nắm tình hình lương thưởng Tết tại các doanh nghiệp. Sở Lao động thương binh xã hội TP.HCM cho biết, tính đến ngày 11/01/2024 đã có 2.075 doanh nghiệp (có tổ chức Công đoàn) thông tin tình hình lương thưởng Tết năm 2024, trong đó Doanh nghiệp Nhà nước có mức thưởng trung bình 5,6 triệu, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI có mức thưởng trung bình 6,5 triệu đến 12 triệu và doanh nghiệp có vốn trong nước với mức thưởng trung bình 7,2 triệu đến 10 triệu.
Thông tin thêm về việc chăm lo tết cho người lao động khó khăn, ông Phùng Thái Quang, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết, Công đoàn Thành phố sẽ tập trung chăm lo đoàn viên công đoàn tại các doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, không có điều kiện về quê đón Tết. Riêng Cấp Thành phố từ nguồn tài chính công đoàn sẽ chăm lo 48.402 trường hợp đoàn viên, người lao động với tổng kinh phí chăm lo hơn 33 tỷ đồng
"Ở riêng cấp thành phố có 48.402 trường hợp đoàn viên, người lao động có nhu cầu được chăm lo về vật chất, vé xe. Dự kiến kinh phí hơn 33 tỷ để chăm lo cho hơn 48.000 lượt công nhân người lao động, kinh phí này chưa tính cấp cơ sở. Chúng tôi sẽ thực hiện các hoạt động tiêu biểu như ngày hội công nhân, phiên chợ nghĩa tình.
Thứ hai là chương trình tết sum vầy, và cuối cùng là chương trình tấm vé nghĩa tình, nhằm hỗ trợ cho người lao động có nhu cầu về quê đón tết và các vé tàu, vé xe. Và điều quan trọng là chăm lo tết trước và đặc biệt là trong dịp tết tại các khu lưu trú nhà trọ, nhiều người lao động vì nhiều điều kiện khác nhau mà phải ở lại thành phố để làm việc thì chúng tôi sẽ tổ chức chăm lo, cùng ăn tết với công nhân thành phố", ông Phùng Thái Quang cho biết.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực lao động, việc làm thì trong thời kỳ kinh tế khó khăn, muốn giữ chân người lao động người sử dụng lao động cần chăm lo quan tâm đến người lao động nhiều hơn. Ông Trần Việt Anh – Phó chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM cho rằng vấn đề chăm lo, đảm bảo lương thưởng cho công nhân cuối năm là việc làm cần thiết, thể hiện tính nhân văn và sự quan tâm thiết thực đối với người lao động:
"Vì hoạt động của doanh nghiệp sẽ gắn liền với con người do đó với tình hình của các doanh nghiệp tại TP.HCM khó khăn thì có khó khăn, thực sự rất khó khăn thế nhưng các doanh nghiệp vẫn duy trì lương thưởng tết tháng 13 cho người lao động. Nó thể hiện tính nhân văn và là sự quan tâm thiết thực nhất để người lao động có thể đón tết".
Dẫu còn nhiều những khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp trong nước, song vấn đề chăm lo đầy đủ phúc lợi cho người lao động là việc làm cần thiết mà các sở ngành cũng như công đoàn các công ty nên quan tâm thực hiện. Từ đó mới có thể tạo điều kiện để người lao động yên tâm làm việc và gắn bó lâu dài với các công ty, doanh nghiệp.
Chăm lo Tết cho người lao động – Cần nói thật làm thật
Những ngày này, nếu có dịp ghé thăm những xóm nhà trọ công nhân gần các trung tâm sản xuất lớn ận như khu công nghiệp Tân Tạo, khu chế xuất Tân Thuận, khu chế xuất Linh Trung, khu công nghiệp Sóng Thần, Vsip… không khó để nhận ra không khí ảm đạm, vắng vẻ khác thường. Trái lại, tại các diễn đàn, hội nhóm về nhân sự, lao động, việc làm trên các nền tảng mạng xã hội lại có phần sôi động hơn nhưng cũng không có nhiều tín hiệu tích cực.
Đơn hàng xuất khẩu giảm sút, dây chuyền sản xuất dừng hoạt động, nguyên nhiên liệu tăng giá, thị trường bất động sản đóng băng…là nguyên nhân khiến hàng loạt doanh nghiệp trong nước lẫn FDI chật vật để duy trì hoạt động. Chậm trả lương, cắt giảm nhân sự, chậm nộp thuế và bảo hiểm xã hội… trở thành chuyện bình thường trong suốt 12 tháng của năm 2023. Trong bối cảnh đó, thương lưởng Tết năm nay lại trở thành điều gì đó mong manh thậm chí là xa vời với không ít người lao động.
Giai đoạn này, không dễ để yêu cầu doanh nghiệp phải đảm bảo đầy đủ lương, thưởng hay chế độ cuối năm cho nhân viên. Cũng khó đòi hỏi sự cảm thông của người lao động sau 1 năm quần quật, bởi ai cũng muốn có được chút đỉnh để sắm thêm chiếc áo cho tụi nhỏ hay thêm ít bánh trái cho gia đình.
Đây chính là lúc mà vai trò của chính quyền địa phương và các đoàn thể phát huy tác dụng để có thể dung hoà lợi ích của các bên. Cùng với kế hoạch chăm lo Tết được vạch sẵn thì các cơ quan hữu trách cần vào cuộc tích cực hơn để vận động, kết nối, huy động nhiều hơn nữa nguồn lực trong xã hội để cùng chung sức với doanh nghiệp chăm lo cho công nhân, người lao động thu nhập thấp có 1 cái Tết sung túc.
Việc này không chỉ thể hiện sự quan tâm thực chất đến bộ phận người yếu thế trong xã hội mà về lâu dài giúp giữ chân được đội ngũ lao động – vốn được xem là xương sống chính của toàn bộ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại dịch vụ của TP.HCM nói riêng, khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.
Theo dự báo, năm 2024 sẽ tiếp tục là 1 năm nhiều thách thức với kinh tế thế giới, song với những điểm tích cực trong chính sách điều hành thời gian qua, Việt Nam được đánh giá là có nhiều cơ hội để “ngược dòng” cũng như thu ngắn khoảng cách với các nền kinh tế khác.
Để làm được vậy, bên cạnh những chính sách đón đầu làn sóng chuyển dịch, thu hút các nhà đầu tư lớn, hoàn thiện chính sách thì công tác chuẩn bị nguồn nhân lực cũng cần được đặc biệt quan tâm.
Chính vì thế, việc đảm bảo phúc lợi, chính sách cho người lao động nhất là dịp năm hết Tết cần được nói thật làm thật, tránh qua loa hình thức. Chỉ có vậy thì người lao động mới yên tâm, gắn bó với doanh nghiệp, chung sức với địa phương.
|
Trọng Nghĩa - Huy Hoàng/vovgiaothong.vn