Nguy cơ lan rộng
Ổ dịch mới nhất được phát hiện tại huyện Thường Tín là ở hộ ông Nguyễn Đình Biên, xã Liên Phương, với tổng đàn lợn phải tiêu hủy 36 con. Ông Nguyễn Đình Biên cho biết, sau khi thấy đàn lợn có biểu hiện bỏ ăn, gia đình đã báo chính quyền địa phương lấy mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm. Kết quả dương tính với dịch tả lợn châu Phi. Sau khi có kết quả, chính quyền địa phương đã tiến hành bao vây, khống chế dịch, tiêu hủy toàn bộ đàn lợn. Xã Liên Phương, huyện Thường Tín đã lập các chốt kiểm dịch tạm thời tại 4 con đường chính dẫn vào xã. Như vậy, đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 41 hộ chăn nuôi ở 19 xã, phường thuộc 7 quận, huyện của thành phố Hà Nội, số lợn tiêu hủy 945 con.
Theo nhận định của ngành chức năng Hà Nội bất cập trong hoạt động phòng, chống dịch tả lợn châu Phi hiện nay là lực lượng tham gia xử lý tiêu hủy lợn không được trang bị đầy đủ bảo hộ và chưa thực hiện đầy đủ quy trình khử trùng phương tiện, dụng cụ khi ra vào vùng dịch. Một số địa phương chưa quản lý được hoạt động của thương lái đi thu gom lợn, trong đó có lợn ốm và đặc biệt là các hộ giết mổ nhỏ lẻ không có hệ thống xử lý nước, chất thải khi thải ra môi trường.
12 giải pháp khống chế dịch
Trước thực trạng dịch tả lợn châu Phi đang có nguy cơ lan rộng, ngành nông nghiệp Hà Nội đề xuất 12 giải pháp nhằm khống chế dịch. Trong đó, tăng cường quản lý thức ăn chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, tiêu hủy, hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi. Tại huyện Thanh Trì, nơi có đàn lợn trên 15.000 con và cơ sở giết mổ lợn tập trung tại xã Vạn Phúc, hàng ngày giết mổ từ 1.800 đến 2.000 con (trong đó khoảng 60% số lợn được nhập về từ các tỉnh), ngành chức năng huyện đang tập trung mọi biện pháp để ngăn ngừa dịch. Bà Nguyễn Thị Tuyết Anh, Phó phòng Kinh tế huyện Thanh Trì cho biết: “Tính đến thời điểm này việc giết mổ ở khu tập trung vẫn được chúng tôi thực hiện rất nghiêm ngặt, từ thăm khám, giấy tờ nguồn gốc. Khi giết mổ xong thì kiểm tra thân thịt lợn, đóng dấu trước khi xuất bán. Trong quá trình kiểm dịch chú trọng khâu khử trùng tiêu độc khi xe vào và khi xe ra. Phối hợp với chi cục thú y chúng tôi đã thử test nhanh và tất cả đều âm tính”.
Trong cuộc họp với các địa phương mới đây về phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định, từ khi phát hiện ổ dịch đến nay đã 1 tháng nhưng dịch không được kiểm soát mà còn lan rộng hơn, điều đó cho thấy các biện pháp phòng, chống chưa đủ mạnh. Nhận định thời gian tới, dịch tả lợn châu Phi có thể phức tạp hơn, đặc biệt khi Hà Nội vừa là địa bàn trung chuyển, tiêu thụ, chăn nuôi, nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, đến nguồn cung cấp thực phẩm, ông Nguyễn Đức Chung yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện, thị xã tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế dịch tả lợn châu Phi.
“Chúng ta phải thông tin đến tất cả hộ chăn nuôi để có biện pháp phòng ngừa, phổ biến được biểu hiện dịch bệnh để khi người dân phát hiện họ báo ngay cho chính quyền, cơ quan thú y. Khi nhận được tin thì triển khai ngay việc lấy mẫu. Nếu phát hiện thì thực hiện tiêu hủy ngay, đúng quy trình. Đồng thời chốt chặt các đường ra vào ổ dịch trong vòng 30 ngày” - ông Nguyễn Đức Chung chỉ đạo.
Người đứng đầu chính quyền thành phố Hà Nội cũng yêu cầu sở, ngành liên quan cập nhật giá thịt lợn hằng ngày trên thị trường để thông báo cho người dân và các quận, huyện, thị xã biết, làm căn cứ hỗ trợ tiêu hủy lợn mắc bệnh.