Đáng chú ý, tại dự thảo Luật này, Ban soạn thảo đã đề xuất dưa dao vào quản lý như một loại vũ khí thô sơ
Dự thảo Luật Quản lý vũ khí và vật liệu nổ sửa đổi do Bộ Công an soạn thảo có 8 chương, 75 Điều, gồm: Những quy định chung; quản lý, sử dụng vũ khí; Quản lý, sử dụng vật liệu nổ; Tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và Điều khoản thi hành.
Cụ thể, tại dự thảo Luật này, Bộ Công an đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến thủ tục cấp các loại giấy phép, giấy xác nhận về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ nhằm thực hiện cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm các loại giấy tờ trong hồ sơ thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong thực hiện các thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật Quản lý vũ khí và vật liệu nổ sửa đổi cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định cho phép tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cho, tặng, viện trợ vũ khí, công cụ hỗ trợ cho Việt Nam để tận dụng nguồn vũ khí, công cụ hỗ trợ phục vụ việc nghiên cứu, sản xuất, trang bị, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ.
Ngoài ra, tại dự thảo Luật này, Bộ Công an cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về cấp giấy phép theo hướng thống nhất cấp một loại giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ không có thời hạn và chuyển việc cấp giấy phép xác nhận đăng ký sang cấp giấy phép sử dụng.
Đặc biệt, tại dự thảo Luật Quản lý vũ khí và vật liệu nổ sửa đổi, Bộ Công an cũng đề xuất sửa đổi khái niệm về vũ khí, công cụ hỗ trợ theo hướng bãi bỏ khái niệm vụ khí thô sơ, súng săn; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện khái niệm vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, vũ khí thô sơ.
Theo quy định của Bộ Công an, vũ khí thô sơ bao gồm: kiếm, giáo, mác, thương, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ, phi tiêu và dao có tính sát thương cao. Bộ trưởng Bộ Công an ban hành danh mục vũ khí thô sơ.
Theo Bộ Công an, thực tế tội phạm sử dụng vũ khí thô sơ, các loại dao diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng, năm sau cao hơn năm trước; Bởi vậy, việc sửa đổi, bổ sung các khái niệm trên sẽ xử lý hình sự ngay các hành vi vi phạm về các loại vũ khí này đáp ứng yêu cầu công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm.
Dự thảo Luật Quản lý vũ khí và vật liệu nổ sửa đổi đang được Bộ Công an lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành và các địa phương và lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân. Dự thảo Luật sẽ được Bộ Công an tiếp tục chỉnh lý sau khi tổng hợp ý kiến góp ý, được Bộ Tư pháp thẩm định, trước khi trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp 7 (tháng 5/2024).
CHỨNG MINH ĐƯỢC PHẠM TỘI MỚI TÍNH ĐẾN QUY ĐỊNH "LÀ VŨ KHÍ THÔ SƠ"
Vì sao Bộ Công an đề xuất bổ sung dao có tính sát thương cao vào danh mục vũ khí thô sơ? PV VOV Giao thông có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế (Bộ Công an) - đơn vị chủ trì soạn thảo Luật.
PV: Thưa ông, vì sao Ban soạn thảo lại đưa dao vào danh mục vũ khí cần được quản lý?
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Qua 5 năm thực hiện việc quản lý công cụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ thì thực tiễn có nhiều vấn đề phát sinh, số lượng các vụ án mà đối tượng sử dụng dao để thực hiện hành vi phạm tội là rất lớn. Nhiều đối tượng, đặc biệt là các băng ổ nhóm đối tượng sử dụng dao có tính sát thương cao hoặc là hoán cải những cái dao có tính sát thương cao thành những vũ khí rất nguy hiểm.
Ví dụ như là dao phóng lợn mà đối tượng thêm cán vào thì nó trở thành một thanh đại đao và đối tượng đã lạm dụng tình trạng quản lý lỏng lẻo và sơ hở để tạo ra hàng trăm nghìn vũ khí như thế này.
Trong quá trình đấu tranh phòng, chống tội phạm, chúng tôi thấy nó rất nguy hiểm và phải có những chế tài, những quy định để chúng ta xử lý hành vi này. Cho nên trong dự thảo luật lần này, chúng tôi có đưa cái dao có tính sát thương cao vào trong danh mục là vũ khí thô sơ.
PV: Ông có cho rằng, quy định như vậy sẽ khó thực thi, bởi dao được sử dụng phổ biến trong cuộc sống hàng ngày?
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Việc quy định dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ cũng kèm theo điều kiện là sử dụng loại công cụ này trong đời sống.
Nếu như chúng tôi chứng minh được mục đích sử dụng dao vào phạm tội, gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của người khác thì lúc đó chúng ta mới tính toán đến việc quy định dao đó là vũ khí thô sơ hoặc là vũ khí quân dụng.
Còn thông thường, cái đó không được coi là vũ khí thô sơ và cũng không được coi nó là vũ khí quân dụng.
PV: Khi xây dựng quy định này, Ban soạn thảo đã tham khảo kinh nghiệm thế giới ra sao?
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Vấn đề này này chúng tôi cũng đã tham khảo pháp luật hình sự của nhiều quốc gia trên thế giới. Ví dụ như ở Úc, người ta quy định có những địa điểm, như nơi công cộng và trường học là những nơi cấm mọi người không được mang dao đến, bất kỳ một loại dao nào mà mang đến, khi bị phát hiện là có thể bị xử tù.
Hoặc là ở Belarus thì người ta quy định một số loại dao có tính sát thương cao mà có mũi nhọn, có mũi vếch, không phải để dùng phổ dụng trong lao động sản xuất thì được xem là vũ khí lạnh và được quản lý rất chặt chẽ.
Đây là một chính sách rất quan trọng, chúng tôi quy định như vậy nhằm điều chỉnh việc sử dụng dao một cách đúng quy định, phục vụ cho lao động sản xuất và sinh hoạt, điều chỉnh hành vi lạm dụng loại công cụ, phương tiện này trong các vụ án hình sự để giảm thiểu hậu quả, tác hại, đảm bảo an ninh, an toàn cho đời sống xã hội. Đây là một nhiệm vụ đang đòi hỏi rất cấp thiết, cần phải có một sự điều chỉnh phù hợp và kịp thời dưới góc độ pháp lý.
PV: Xin cảm ơn ông!
CÁCH LÝ GIẢI CỦA BAN SOẠN THẢO CHƯA TOÀN DIỆN
Việc đưa dao vào danh mục vũ khí thô sơ để quản lý sẽ có những tác động xã hội như thế nào? PV VOV Giao thông đã có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh xung quanh nội dung này:
PV: Thưa ông, một trong những điểm đáng chú ý trong dự thảo Luật Quản lý vũ khí và vật liệu nổ là việc đề xuất đưa dao vào là một loại vũ khí thô sơ. Theo ông, điều này gây khó cho công tác thực thi hay không?
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng: Tôi đã nghiên cứu dự thảo Tờ trình, dự thảo luật do Chính phủ trình, thì tôi thấy xuất phát từ thực tiễn trong thời gian vừa qua với những số liệu liên quan đến việc sử dụng vũ khí thô sơ, trong đó có dao, xảy ra khá nghiêm trọng, đặc biệt là số vụ các đối tượng sử dụng dao để làm vũ khí, trong đấy có cả các vụ án mạng cũng đáng báo động.
Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, nên cần phải có đánh giá tác động một cách cụ thể, bởi vì thực tế dao lại rất cần thiết cho hoạt động sản xuất và sinh hoạt hàng ngày, cho nên, khi Chính phủ trình vấn đề này, cần có đánh giá tác động một cách cụ thể, có định lượng những tác động tích cực.
Nhưng đồng thời cũng đánh giá những tác động đến sinh hoạt bình thường của xã hội.
PV: Lý giải về việc đưa dao vào quản lý như một vũ khí thô sơ, Bộ Công an cho rằng chỉ quy định đây là một loại vũ khí thô sơ khi cơ quan chức năng chứng minh được rằng mục đích sử dụng dao có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe tính mạng của người khác. Theo lý giải của Ban soạn thảo như vậy đã đủ thuyết phục hay chưa và nếu như chúng ta quy định dao là một loại vũ khí thô sơ thì cần đưa ra những quy định như thế nào?
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng: Theo tôi, cách lý giải của ban Soạn thảo chưa toàn diện, bởi vì các công cụ, các vật dụng khác, nếu đối tượng sử dụng làm phương tiện gây án thì không phải chỉ có dao, nó có thể còn nhiều dụng cụ, phương tiện khác, chẳng hạn như búa.
Ở đây, từ số lượng các vụ án trong thời gian vừa qua mà Ban soạn thảo đưa dao vào quản lý như công cụ, phương tiện hỗ trợ, thì trong một chừng mực nhất định cần thiết, nhưng việc quy định cụ thể như thế nào, rồi chế độ quản lý nó ra sao để đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường khác.
Bởi vì nếu chỉ quy định như dự thảo luật thì việc quản lý dao này, tôi nghĩ hiệu quả của nó sẽ không cao; thứ hai là phát sinh một số thủ tục hành chính có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh nhập khẩu xuất khẩu đối với loại dụng cụ này.
PV: Theo ông, nếu như dự thảo luật được ban hành thì sẽ có tác động xã hội như thế nào?
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng: Nếu như dự thảo đang xin ý kiến thì tôi thấy nó sẽ có ảnh hưởng nhất định đến việc sản xuất, sử dụng loại phương tiện này. Ví dụ như con dao quắm, dao phay, dao phát… đều thuộc diện đối tượng được quy định trong luật, là phải quản lý.
Tuy nhiên, thực tế là việc sản xuất sử dụng hiện nay là theo nhu cầu của người tiêu dùng. Cho nên, khi đưa vào quản lý là phải đăng ký, phải có đầy đủ các quy định theo yêu cầu của luật thì rõ ràng nó sẽ ảnh hưởng nhất định đối với việc sản xuất, sử dụng phương tiện này.
PV: Xin cảm ơn ông!
Quách Đồng/VOVgiaothong.vn