Đó là nhận định của cô Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, Hà Nội.
Cuối tháng 12/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Đến thời điểm này, Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 mới thực hiện đến lớp 11 nên các nội dung kiến thức sử dụng trong đề thi minh họa chủ yếu thuộc khối 10 và 11.
Đề minh họa giúp các nhà trường dạy học và đánh giá đúng hướng
Thầy Nguyễn Mạnh Hoàng, giáo viên Ngữ văn trường THPT Nguyễn Khuyến, Vĩnh Bảo, Hải Phòng cho biết, đề minh họa được công bố giải tỏa nhiều áp lực cho những giáo viên như thầy.
“Với đề minh họa của Bộ, mình đã cùng anh em trong tổ chuyên môn nghiên cứu về cấu trúc và quả thực thấy bớt lo. Vì phải chia sẻ thật là trường mình tiền thân là bán công, điểm đầu vào thấp nên khi tiếp cận chương trình mới thực ra khá hoang mang, không biết dạy thế nào để đáp ứng hình thành năng lực, phẩm chất cho học sinh”, thầy Hoàng bộc bạch.
Với thực tế điểm đầu vào của trường, thầy Hoàng cùng các giáo viên rất vất vả để triển khai dạy học và kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Trải qua 6 kì kiểm tra, đánh giá cho lứa học sinh đầu tiên dạy theo chương trình mới, các giáo viên như thầy Hoàng vừa làm vừa xây dựng phương thức để phù hợp với thực tế học sinh nhà trường. Ví dụ như với môn Ngữ Văn, vẫn tuân thủ việc không sử dụng ngữ liệu của sách giáo khoa nhưng tổ chuyên môn sẽ chọn những tác phẩm tương tự văn bản sách giáo khoa, vừa không quá thách thức vừa giúp học trò nhận diện được thể loại, phương thức biểu đạt cũng như các biện pháp nghệ thuật được tác giả sử dụng.
Cô Nguyễn Thị Lan, Hiệu trưởng THPT Quảng Hà, Quảng Ninh cho biết, nhà trường vừa tổ chức kiểm tra xong học kỳ 1 cho học sinh, trong đó có khối lớp 10, 11 theo chương trình mới. Khi có đề minh họa, nhà trường đã thông báo tới các thầy cô. Tới đây sẽ họp các tổ chuyên môn để nhìn nhận, đánh giá, so sánh với phần việc dạy học, kiểm tra, đánh giá đã thực hiện suốt 3 học kỳ vừa rồi cũng như có những điều chỉnh phù hợp hơn trong giai đoạn tiếp theo.
Trường THPT Việt Đức, Hoàn Kiếm, Hà Nội ngay từ năm học đón 2K7 đã nỗ lực để hình thành phương thức tổ chức mô hình lớp học cũng như thay đổi trong dạy học, kiểm tra, đánh giá. Đề thi minh họa từ 2025 được công bố theo bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng nhà trường cho thấy những nỗ lực đổi mới của Ban giám hiệu và thầy cô, học sinh phù hợp với tinh thần đổi mới của giáo dục.
Bà Quỳnh cho biết, việc đề minh họa được Bộ giáo dục và Đào tạo đưa ra ở thời điểm này, tức là còn 1 năm rưỡi, tương đương với 3 học kì nữa cho lứa học sinh đầu tiên theo chương trình mới giúp các nhà trường, trong đó có THPT Việt Đức có hình dung rõ nét hơn trong các khâu dạy học cũng như kiểm tra, đánh giá.
“Chúng tôi đã tiến hành họp liên tịch để có những chỉ đạo định hướng sau đó họp với các tổ chuyên môn và yêu cầu toàn bộ giáo viên trong trường nghiên cứu đề minh họa. Trách nhiệm của các thầy cô phải xây dựng những ngân hàng dựa vào mẫu để minh họa này để làm các bài luyện tập, ôn tập kiến thức đã học.
Để minh họa đưa ra, phần trắc nghiệm có rất nhiều dạng, không phải là chỉ chọn một trong 4 phương án trả lời đúng mà thêm cả trả lời đúng sai, cả phần điền khuyết thiếu. Giúp các em học sinh được làm quen với các mẫu đề thi, như vậy đến khi đến lớp 12 các em sẽ không có gì bỡ ngỡ, biết được rõ định hướng của Bộ Giáo dục”, bà Quỳnh phân tích.
Ngoài ra, phụ huynh học sinh lớp 11 trong dự kiến sẽ có cuộc họp riêng nhằm phân tích cũng như định hướng cho các em và gia đình có những lựa chọn và bước đi phù hợp.
Với lứa học sinh đầu tiên học chương trình mới, cô giáo Lưu Thị Thu Hà, giáo viên bộ môn Ngữ Văn Trường THPT Việt Đức khẳng định khó khăn đa chiều khi học sinh vốn quen việc học, việc kiểm tra đánh giá theo kiểu học gì thi nấy. Bản thân giáo viên cũng phải thay đổi rất nhiều. Đề thi minh họa từ Bộ Giáo dục và Đào tạo theo cô Hà đã được toàn bộ giáo viên nhà trường, trong đó có tổ Ngữ Văn đón nhận trong tâm trạng hồi hộp khi đây được xem như cơ hội nhìn lại hành trình thử nghiệm 1,5 năm học đầu tiên theo chương trình mới.
Cấu trúc đề thi với bộ môn ngữ văn phù hợp, gồm có các câu hỏi đọc hiểu và câu hỏi nghị luận. Trong đó có nghị luận xã hội 4 điểm và nghị luận văn học 2 điểm, tỉ lệ rất hợp lý. Vì một văn bản văn học mới tinh mà các con phải xây dựng một bài nghị luận văn học chiếm 4 điểm sẽ khá khó khăn. Đồng thời cách ra đề này chấm dứt hoàn toàn việc học tủ đoán đề, tập trung phát triển thực sự các kỹ năng cảm thụ đọc hiểu và viết bài của các con, cô Lưu Hà nhận xét.
"Em đã dần quen cách học, cách kiểm tra, đánh giá mới. Ngay khi đề minh họa công bố, em đã tìm xem cả hai môn Văn- Toán để có những hình dung cũng như đánh giá khả năng bản thân cho chặng đường học THPT tiếp theo và chọn hướng nghề nghiệp năm 2025".
Nguyễn Hoàng Thanh Mai, học sinh lớp 11D6, THPT Việt Đức
"Sau khi xem đề minh họa em khá lo lắng với môn Toán bởi thế mạnh của em không thuộc về các môn tự nhiên. Tuy nhiên, từ trải nghiệm tiếp cận với chương trình phổ thông mới, em hi vọng cùng với sự đồng hành của thầy cô và nỗ lực của bản thân, em và các bạn sẽ không quá áp lực để vượt qua bài thi tốt nghiệp".
Dương Bảo Khánh, học sinh lướp 11B3, THPT Việt Đức
|
Lời khuyên với học sinh bắt đầu thi tốt nghiệp THPT từ 2025
Từ năm 2025, Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ thực hiện theo hướng từng môn riêng lẻ. Trong đó sẽ có 2 môn Toán-Văn bắt buộc, 2 môn còn lại cho phép học sinh tự lựa chọn phù hợp năng lực bản thân.
GS. Nguyễn Ngọc Hà, Cục Phó cục Quản lí chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 phải có sự thay đổi để thích ứng với chương trình mới, gồm cả hình thức về cấu trúc, định dạng. Chương trình đánh giá năng lực thì hình thức cấu trúc, định dạng đề thi cũng mới. Ví dụ thêm các định dạng mới cho thi trắc nghiệm, thay vì chỉ chọn phương án đúng trong 4 phương án như hiện nay.
Hai dạng trắc nghiệm mới gồm: Thứ nhất trắc nghiệm đúng-sai nhưng kèm theo quy tắc tính quy tắc. Trong một câu sẽ có nhiều nội dung phải trả lời được và mỗi một ý sẽ lại có đúng hoặc sai. Cách thức này sẽ đánh giá được nhiều mức độ khác nhau của học sinh đòi hỏi các em phải có kiến thức toàn diện, năng lực xác định mới làm tốt được. Ở dạng thứ hai là trả lời ngắn, được xây dựng gần như giống tự luận, học sinh không được biết phương án trả lời và phải tự suy nghĩ cho biết kết quả.
“Các em nắm kiến thức tốt theo đúng hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như sự chỉ dạy, hướng dẫn từ thầy cô sẽ không gặp khó. Đương nhiên, thi theo chương trình mới sẽ không có học tủ, học lệch, học mẹo. Và đề thi sẽ được xây dựng theo hướng chuẩn hóa để đi vào bản chất, đủ điều kiện cho học sinh vào học đại học. Bây giờ vẫn tiếp tục học để biết nhưng nâng lên tầm cao hơn là học để làm”, GS Nguyễn Ngọc Hà chia sẻ.
Việc cân bằng các môn về độ khó dễ, sự phân hóa cũng như thang đánh giá chung trong tổ chức làm đề thi cho tất cả các môn thi tốt nghiệp theo GS Nguyễn Ngọc Hà sẽ tương đối khó khăn nhưng cần phải làm, nhằm tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Theo VOV.VN