Vì sao cơ sở bảo dưỡng xe không mặn mà làm đăng kiểm?

  • 11/01/2024 02:00:00
  • VOV.giaothong.vn
  • Xã hội
  • 0

Sau nửa năm ban hành Nghị định 30, cho phép các cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng ô tô được thực hiện dịch vụ đăng kiểm hiện vẫn chưa có cơ sở nào tham gia.

 

Vì sao dịch vụ này chưa hấp dẫn? Do giá dịch vụ đăng kiểm thấp, hay còn những nguyên nhân nào khác?

Ngồi đợi bảo dưỡng xe tại một showroom trên đường Lê Đức Thọ, Nam Từ Liêm, Hà Nội, tài xế Nguyễn Văn Mạnh (Hà Nội) bày tỏ mong muốn các trạm bảo dưỡng, sửa chữa chính hãng được thực hiện dịch vụ đăng kiểm. Theo anh Mạnh, điều này sẽ giúp ích đáng kể cho tài xế:

"Cái đấy cũng phù hợp, tại vì cũng tiện cho những tài xế, gần chỗ làm, chỗ ở hoặc là tiện thì mình ghé vào đăng kiểm thôi, hoặc khi đi sửa xe, xe hết đăng kiểm thì mình đăng kiểm luôn".

Tương tự, tài xế Lê Hồng Giang (ở Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) cũng cho rằng, nếu các trung tâm 3S được thực hiện đăng kiểm sẽ rất thuận tiện cho tài xế, bảo dưỡng xong thực hiện đăng kiểm luôn:

"Cũng thuận tiện cho tài xế, bởi vì thường sẽ đi bảo dưỡng định kỳ, nếu có sự cố gì hoặc như nào đấy thì có trung tâm sẽ gắn trách nhiệm vào đấy".

Tuy vậy, theo thống kê của Cục Đăng kiểm VN, từ khi Nghị định 30 được ban hành (tháng 6/2023), trong đó cho phép các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng (gọi tắt là cơ sở 3S), đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải tham gia kiểm định xe cơ giới nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và đẩy mạnh áp dụng khoa học trong kiểm định xe, đến thời điểm này vẫn chưa có đơn vị 3S nào tham gia dịch vụ đăng kiểm.

Câu chuyện xã hội hóa đăng kiểm nên được tư duy theo cách khác, chứ không phải theo cách trưng cầu, trưng tập các cơ sở có thể làm đăng kiểm để “chữa cháy” tức thì (Ảnh minh hoạ: Toyota)

Lý giải về điều này, một số đơn vị 3S cho hay, do giá thành dịch vụ đăng kiểm chưa hấp dẫn, trong khi chi phí cho dịch vụ này lại tốn kém. Về điều này, ông Hoàng Đức Hùng, đại diện lãnh đạo Mercedes Láng Hạ (Hateco) cho biết với khoảng 60-70 xe vào xưởng mỗi ngày, nếu thêm dịch vụ đăng kiểm sẽ tạo áp lực đối với đơn vị, trong khi hiệu quả kinh tế chưa thấy rõ:

"Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như đào tạo nhân sự và đây là lĩnh vực mới đối với Hateco thì chi phí đầu tư, chi phí đào tạo sẽ không nhỏ. Thứ 2 nữa, khi mở dịch vụ đăng kiểm này, sẽ ảnh hưởng đến lượt xe vào xưởng của Hateco, gây quá tải cho xưởng dịch vụ ở bên trong".

Ông Đặng Xuân Chiến, Giám đốc dịch vụ Hanoi Ford cho biết, nếu tham gia dịch vụ đăng kiểm, ngoài việc đầu tư trang thiết bị, dây chuyền kiểm định, đơn vị sẽ phải mất thêm thời gian đào tạo cho đội ngũ nhân viên để kiểm định xe của các hãng khác:

"Về mặt hãng xe Ford thì bên em sẽ nắm được rất nhiều, những cái gì là nguyên bản, những gì là độ thêm thì đăng kiểm những xe đó có thể là ok, nhưng lúc sang xe khác, nếu mình không được đào tạo thì có thể bị lúng túng. Bởi vậy, để vận hành trơn chu thì sẽ phải mất một thời gian".

Ông Nguyễn Văn Phương, Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam) cũng cho hay, Nghị định 30/2023 mở rộng đối tượng cung cấp dịch vụ đăng kiểm nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Hiện cả nước có 203 trung tâm được đầu tư theo hình thức xã hội hóa trong tổng số 292 trung tâm đăng kiểm đang hoạt động, chiếm gần 70%. Với số lượng này, vẫn đáp ứng được nhu cầu kiểm định phương tiện, nếu thiếu hụt cũng chỉ ở một số tỉnh, thành phố lớn hoặc những địa phương mới chỉ có 1 trung tâm đăng kiểm:

"Lúc dự thảo Nghị định và bây gờ cũng vẫn nhất quán là huy động nhiều nguồn lực để tham gia vào dịch vụ kiểm định. Tuy nhiên để tránh lãng phí nguồn lực đầu tư thì cũng phải cân nhắc đầu tư chỗ nào cho hiệu quả. Ví dụ với những địa phương mới chỉ có một trung tâm đăng kiểm chẳng hạn, thì hoàn toàn có thể đầu tư thêm, để người dân không phải di chuyển quá xa để thực hiện dịch vụ kiểm dịnh. Thời gian tới chúng tôi cũng phải tính đến phương án xây dựng nhiều mô hình đăng kiểm khác nhau, có thể phân nhóm ra để đầu tư cho phù hợp", ông Nguyễn Văn Phương cho biết.

TS Chu Mạnh Hùng, nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ GTVT cho hay, tại thời điểm quá tải đăng kiểm, việc mở rộng đối tượng cung cấp dịch vụ đăng kiểm có thể đáp ứng mong mỏi của người dân. Song hiện tại, khi nhu cầu đăng kiểm không quá tải, trong khi giá dịch vụ đăng kiểm chưa hấp dẫn, sẽ khó thu hút khối đơn vị 3S tham gia:

"Xe của hãng nào khi người ta bảo dưỡng, sửa chữa xong nếu như bây giờ chấp nhận công nhận việc bảo dưỡng, sửa chữa tại hãng và hãng được quyền cấp chứng nhận đăng kiểm, thì đấy cũng là một giải pháp", TS Chu Mạnh Hùng nói.

Việc mở rộng đối tượng cung cấp bất kỳ một loại dịch vụ nào, về lý thuyết đều là cần thiết để tạo sự thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Song, cần tính đến biện pháp mở rộng đó có phù hợp, có đủ sức thu hút đối tượng tham gia cung cấp dịch vụ hay không, bởi nếu không thực hiện hoặc thực hiện nửa vời cơ chế thị trường, khó có thể đạt mục tiêu như mong muốn.

Việc các trung tâm bảo dưỡng xe không mặn mà với dịch vụ đăng kiểm dù quy định pháp luật đã mở, cho thấy đang có vấn đề ở cách thức mời gọi đầu tư, thu hút nguồn lực xã hội hóa trong lĩnh vực này.

Về lý thuyết, khi cơ hội đã có nhưng doanh nghiệp không tham gia, thì hoặc đối tượng được mời gọi đầu tư không coi đó là cơ hội, hoặc đó không thực sự là cơ hội.

Đối với các đại lý bảo dưỡng 3S của các hãng lớn, hoạt động của các cơ sở này nằm trong chiến lược kinh doanh của hãng. Doanh nghiệp – đặc biệt là các hãng lớn, chiến lược kinh doanh rất rõ ràng, với phạm vi lĩnh vực hoạt động đã được xác định và có lộ trình từng bước, không phải vì lợi nhuận hoặc sự mời gọi nhất thời nào đó mà họ mở rộng lĩnh vực kinh doanh.

Do đó, nếu có cơ hội lợi nhuận, nhưng không phù hợp chiến lược của doanh nghiệp, thì đương nhiên, họ không mặn mà.

Thứ hai, ở góc nhìn của quản lý nhà nước, đăng kiểm có thể là một cơ hội đầu tư mang lại lợi nhuận, nhưng từ góc nhìn của doanh nghiệp, với tất cả các cân đối về đầu tư và lợi nhuận, thì chưa hẳn đó là cơ hội. Khi doanh nghiệp tham gia, quy luật của thị trường phải được tôn trọng.

Nhà nước có thể quản lý về chất lượng đầu ra của dịch vụ, và sử dụng các công cụ để đảm bảo dịch vụ đặc biệt này được cung ứng ổn định, tránh các cú sốc gây đứt gãy, khủng khoảng, nhưng đối với các yếu tố đầu vào (bao gồm dây chuyền đăng kiểm, chất lượng nguồn nhân lực) và giá cả đầu ra, phải theo quy luật của thị trường, sự quản lý chỉ nên dừng lại ở mức đủ bảo vệ người tiêu dùng không bị o ép giá.

Nhưng với việc quy định đăng kiểm viên phải có bằng cấp theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp đầu tư làm đăng kiểm sẽ phải thay thế, bổ sung hoặc đầu tư cho đào tạo để có đội ngũ nhân viên đáp ứng yêu cầu, trong khi về năng lực chuyên môn thợ kỹ thuật, điều đó không thực sự cần thiết.

Chưa kể, chi phí tăng, điều kiện tăng, nhưng giá cả dịch vụ lại phải theo sự quản lý của Nhà nước. Điều đó khiến lời mời gọi đầu tư đăng kiểm không được coi là cơ hội đối với các trung tâm bảo dưỡng xe.

Ở góc độ mục tiêu quản lý nhà nước, việc ban hành quy định mở rộng đối tượng tham gia cung cấp dịch vụ đăng kiểm nhằm giải quyết câu chuyện quá tải cục bộ, tăng sức cạnh tranh để nâng cao chất lượng dịch vụ, điều đó phù hợp chức năng và mục tiêu quản lý.

Nhưng câu chuyện của thị trường phải làm theo cách của thị trường. Sự tham gia của nhà nước chỉ nên dừng lại ở việc quản lý chất lượng đầu ra và đảm bảo tính ổn định trong cung ứng một dịch vụ có tính chất đặc biệt.

Muốn kêu gọi được sự tham gia của các nguồn lực xã hội, thì mục tiêu của nhà nước phải gặp được nhu cầu về lợi ích của nhà đầu tư. Các điều kiện của quản lý nhà nước đặt ra phải phù hợp với khả năng đáp ứng của nhà đầu tư. Các chính sách về lợi nhuận phải đủ hấp dẫn.

Để các yếu tố này có thể gặp được nhau, cần sự khảo sát, đánh giá của một đơn vị tư vấn độc lập, trên cơ sở nghiên cứu thị trường, từ đó đưa ra dữ liệu phục vụ tư vấn chính sách, xem đâu là những nhà đầu tư tiềm năng, hoặc với điều kiện nào thì có thể thu hút. Đối tượng thu hút có thể là bất kỳ nhóm chủ thể nào, miễn đáp ứng đủ điều kiện là có thể tham gia, không riêng các cơ sở bảo dưỡng xe.

Trong trường hợp này, chính sách về việc thu hút các cơ sở bảo dưỡng xe tham gia làm dịch vụ đăng kiểm chưa đáp ứng được các yêu cầu nói trên. Khi chính sách thu hút đầu tư chỉ xuất phát từ mong muốn của nhà quản lý, hay nói cách khác, một lĩnh vực của thị trường được thu hút đầu tư theo cách phi thị trường, thì lĩnh vực đầu tư bị “ế” là điều tất yếu.

Hơn nữa, trong tiếp cận giải pháp, cũng không nên tích hợp giữa một giải pháp mang tính “chữa cháy” với một giải pháp phục vụ mục tiêu dài hạn. Câu chuyện xã hội hóa đăng kiểm nên được tư duy theo cách khác, chứ không phải theo cách trưng cầu, trưng tập các cơ sở có thể làm đăng kiểm để “chữa cháy” tức thì.

Kiều Tuyết - Quách Đồng/VOV Giao thông

 

Bình luận

    Chưa có bình luận