Đời sống khó khăn, thu nhập giảm sâu, công nhân, người lao động đang mong chờ được thưởng Tết... Trong bối cảnh khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải tìm cách “giật gấu vá vai” để lo thưởng Tết cho người lao động.
Công nhân “ngóng” thưởng Tết
Tròn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, như những đồng nghiệp khác, chị Nguyễn Thu Phương - công nhân khu Công nghiệp Bắc Thăng Long đã bắt đầu “ngóng” thưởng Tết. Những năm trước, công nhân tại công ty chị được thưởng Tết bằng 2 tháng lương cơ bản và thưởng theo kỹ năng, mức lương của ai cao thì được nhận tiền thưởng cao.
"Tôi làm việc tại khu công nghiệp gần 10 năm nay, mọi năm, mức thưởng Tết của tôi là 17 triệu đồng. Năm nay công ty khó khăn hơn, việc làm không nhiều, chúng tôi mong muốn mức tiền thưởng Tết nếu không tăng lên thì cũng bằng những năm trước. Đến thời điểm này, mức thưởng Tết chưa được công bố, chúng tôi cứ đoán già đoán non và thấp thỏm mong chờ", chị Phương chia sẻ.
Cũng có thâm niên làm công nhân ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long 15 năm nay, tổng thu nhập của vợ chồng anh Nguyễn Văn Toàn (Đông Anh, Hà Nội) khoảng 16 triệu đồng. Số tiền này dùng để trả tiền thuê nhà, lo ăn uống, tiền học cho 2 con nên dư dả không là bao, chưa kể, tháng nào con ốm đau thì còn bị “âm” tiền, phải vay mượn thêm người thân, bạn bè. Do vậy, cứ gần đến Tết là vợ chồng anh Toàn lại cảm thấy lo lắng, bởi chi phí nhiều, đi lại nhiều và luôn phải cắt giảm tối đa những khoản không cần thiết.
Ngày Tết cận kề, vợ chồng anh Thắng mong ngóng có thêm khoản tiền thưởng để mua sắm cho ngày Tết và biếu bố mẹ hai bên một chút: "Từ nhiều năm nay, dịp Tết công ty tôi thưởng thêm lương tháng 13. Tôi mong được thưởng sớm để có thêm tiền chi tiêu cho gia đình dịp cuối năm. Vì gia đình nội, ngoại đều ở xa nên chi phí đi lại khá tốn kém. Chúng tôi sẽ phải “thắt lưng buộc bụng”, chi tiêu tiết kiệm để đủ tiền trang trải trong dịp Tết này”.
Dù khó khăn, vẫn lo Tết cho công nhân
Năm 2023 là một năm kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động và còn nhiều khó khăn. Đây cũng là năm mà thị trường lao động có nhiều dịch chuyển, nhiều doanh nghiệp đóng cửa và nhiều lao động rời khỏi thị trường lao động.
Tuy vậy, với những doanh nghiệp còn trụ vững thì họ vẫn có nhiều giải pháp, nhiều cách để giữ chân người lao động và duy trì doanh nghiệp.
Bà Từ Thị Bích Lộc, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Anh, đơn vị chuyên may trang phục cho biết, doanh thu của doanh nghiệp trong năm 2023 thấp hơn năm 2022, khó khăn chồng chất khó khăn, đơn hàng ít đi, doanh thu sụt giảm. Tuy vậy, dịp Tết Nguyên đán, bằng mọi cách công ty vẫn duy trì thưởng Tết cho công nhân, cố gắng thưởng bằng hoặc hơn so với năm trước để “giữ chân” người lao động.
“Năm 2023, công ty gặp khá nhiều khó khăn, có những khoảng thời gian thiếu việc làm trầm trọng. Tuy vậy, chúng tôi luôn cố gắng co kéo, khắc phục khó khăn, quan tâm đến vấn đề lương, thưởng, chế độ phúc lợi, đặc biệt quan tâm đến đời sống hàng ngày của công nhân. Trong dịp lễ, Tết, sẽ duy trì thưởng Tết bằng hoặc cao hơn năm trước nhằm khuyến khích, động viên người lao động”, bà Lộc nói.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty may Hưng Yên, năm 2023 là một năm rất khó khăn của ngành dệt may. Để duy trì sản xuất và có việc làm cho 16.000 lao động và 12 nhà máy trong toàn hệ thống là điều không dễ dàng. Tuy vậy, việc chăm lo đời sống cho người lao động luôn là yếu tố được chú trọng hàng đầu.
“Dù gặp nhiều khó khăn về đơn hàng, thị trường tiêu thụ, doanh thu giảm sút nhưng công ty vẫn luôn tìm cách để xoay sở. Quan điểm của chúng tôi là phải làm thế nào để ổn định đời sống cho người lao động, vì họ đã nỗ lực làm việc trong suốt cả năm, nên dù có phải đi vay ngân hàng thì cũng vẫn phải lo được đời sống cho anh em. Hết mưa rồi trời lại sáng, chắc chắn thị trường sẽ ổn định trở lại và đời sống của người công nhân sẽ được cải thiện”, ông Dương chia sẻ.
Về vấn đề thưởng Tết, ông Dương cho hay, năm 2023, doanh thu của doanh nghiệp giảm 5% so với năm 2022. Hiệu quả sản xuất kinh doanh giảm, thu nhập của người lao động cũng giảm khoảng 5%. Tuy vậy, bằng mọi giá, doanh nghiệp vẫn đảm bảo lương, thưởng cũng như giữ nguyên các phúc lợi cho người lao động dịp cuối năm. Công ty vẫn duy trì thưởng Tết cho người lao động. Đơn vị thấp nhất trong hệ thống cũng được 1 tháng lương, đơn vị nào cao thì được thưởng 1,5 tháng lương, trung bình tiền thưởng từ 10-15 triệu đồng. Khoản tiền thưởng Tết ngoài ý nghĩa vật chất còn có ý nghĩa động viên về tinh thần rất lớn. Đây cũng là cách để doanh nghiệp giữ chân người lao động.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận định, năm nay, các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ vẫn gặp khó vì thiếu đơn hàng, chi phí đầu vào tăng cao, nhu cầu sụt giảm ở nhiều thị trường lớn. Do đó, vấn đề lương thưởng của người lao động thuộc lĩnh vực này sẽ khó khăn hơn những năm trước. Bên cạnh tiền thưởng Tết, các doanh nghiệp còn có các hình thức khác hỗ trợ, chăm lo cho nhân viên dịp Tết như: bố trí xe đưa người lao động về quê, tặng tiền tàu xe về quê…
Chung Thủy/VOV.VN