Dự án Liên kết vùng miền Trung là công trình trọng điểm của tỉnh Quảng Nam sử dụng vốn vay ODA từ Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế của Hàn Quốc EDCF có tổng mức đầu tư hơn 768 tỷ đồng. Đây là công trình giao thông cấp 2 với 2 đoạn chính đi qua 5 huyện, thành phố của tỉnh Quảng Nam gồm: thành phố Tam Kỳ và các huyện Thăng Bình, Phú Ninh, Tiên Phước, Bắc Trà My. Công tác giải phóng mặt bằng vướng mắc khiến dự án chậm tiến độ.
Dự án Liên kết vùng miền Trung đoạn qua huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam có 226 hộ bị ảnh hưởng, diện tích đất phải thu hồi là 11 hécta, 2 hộ bị giải tỏa trắng. Hộ ông Phạm Văn Cần, ở xã Trà Dương, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam có 3.000 m2 đất sản xuất dọc Quốc lộ 40B; trong đó, khoảng 800 m2 đất sẽ được thu hồi để thi công dự án. Sau khi được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, ông Phạm Văn Cần đồng ý bàn giao mặt bằng và nhận tiền bồi thường để thi công công trình.
“Gia đình tôi cơ bản thống nhất chủ trương di dời bàn giao mặt bằng để triển khai dự án. Vì đây là chủ trương lớn của Nhà nước, giao thông có thuận lợi thì kinh tế và đời sống người dân mới phát triển được”.
Cũng tại dự án này, huyện Tiên Phước phải thu hồi đất của hơn 1.100 hộ bị ảnh hưởng, diện tích thu hồi 32,3 héc ta. Chính quyền địa phương đang gặp trở ngại khi thực hiện thu hồi đất, kiểm đếm tài sản và đền bù. Nhiều thửa đất chưa đủ điều kiện bồi thường do người dân chưa thực hiện thủ tục thừa kế, tặng cho, chuyển nhượng, chưa gia hạn thời gian sử dụng đất nông nghiệp.
Ngoài ra, cán bộ chuyên môn thực hiện công tác bồi thường ít cũng ảnh hưởng tiến độ thực hiện. Hiện nay, với 1 cán bộ chuyên môn phải phụ trách 2 xã, vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, vừa hướng dẫn, hỗ trợ về hồ sơ pháp lý nên tiến độ thực hiện rất chậm. Ông Nguyễn Hùng Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam cho biết, địa phương thiếu quỹ đất tái định cư, tiến độ lập thủ tục đầu tư xây dựng các khu tái định cư chậm.
“Chúng tôi đang cố gắng phê duyệt phương án bồi thường được 50% khối lượng phải thực hiện. Địa phương tập trung tổ chức thực hiện đến ngày 30/4/2024, 100% các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án sẽ được phê duyệt phương án bồi thường, tái định cư”.
Một dự án trọng điểm khác ở Quảng Nam là Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 14E, tổng mức đầu tư gần 1.850 tỷ đồng, đi qua 3 huyện Thăng Bình, Hiệp Đức và Phước Sơn. Dự án được khởi công xây dựng từ tháng 3/2023 theo hình thức vừa thi công, vừa nhận mặt bằng. Trên thực tế, các nhà thầu thi công đang gặp khó khăn về bàn giao mặt bằng.
Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 14E qua huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam dài hơn 30 km. Để thực hiện dự án này phải thu hồi 61 héc ta với hơn 2.500 thửa đất, hơn 1.300 hộ bị ảnh hưởng. Huyện Hiệp Đức đã giao mặt bằng chiều dài tuyến là 12,5 km trong đợt 1 (đạt 62,5%) nhưng cũng mới giải ngân được hơn 3 tỷ đồng, tương đương 5,15% số vốn đăng ký năm 2023. Ông Nguyễn Ngọc Hoàng Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam giải thích, nhiều tháng qua, cán bộ từ cấp huyện đến xã và các tổ vận động của thôn đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, vận động người dân trong vùng ảnh hưởng của dự án hiểu rõ chủ trương của Nhà nước, sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công:
“Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành của tỉnh Quảng Nam, đặc biệt là Sở Tài nguyên và Môi trường để khẩn trương hoàn thành các hồ sơ, thủ tục, sớm phê duyệt phương án, triển khai giải phóng mặt bằng để chi trả tiền bồi thường cho người dân vùng chịu ảnh hưởng bởi dự án. Chúng tôi cam kết với tỉnh và chủ đầu tư sẽ hoàn thành bàn giao mặt bằng”.
Tỉnh Quảng Nam đã thành lập các tổ công tác đặc biệt, trực tiếp đến hiện trường để nắm bắt tình hình, tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án. Ban Chỉ đạo các dự án trọng điểm tỉnh Quảng Nam yêu cầu các huyện trong vùng dự án xem đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu. Ông Lê Văn Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Quảng Nam cho biết, Lãnh đạo tỉnh và các sở ngành, địa phương đang tập trung tháo gỡ khó khăn, sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, các thủ tục bảo đảm quy định và đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu.
“Bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân phải hoàn thành trước thì mới có thể đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ tiếp theo được. Huy động đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tập trung vào nhiệm vụ này để quyết tâm thực hiện đạt mục tiêu đề ra. Những cán bộ nào được giao nhiệm vụ mà thiếu tích cực, thiếu trách nhiệm thì phải bị phê bình, kiểm điểm nghiêm túc. Không được chùn bước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này”.
Long Phi/VOV-Miền Trung