Biết tác hại của túi nilon và đồ nhựa dùng 1 lần…
Phải mất 500 năm, một túi bóng nilon mới có thể bị phân hủy, tuy nhiên hàng ngày mỗi gia đình vẫn đang thường xuyên sử dụng loại túi này, ít là vài cái, còn nhiều thì lên vài chục cái. Thực tế cho thấy, đa số người dân vẫn ý thức được rằng, sử dụng túi nilon, đồ nhựa dùng một lần sẽ gây ra những hậu quả không tốt đối với môi trường. Tuy nhiên, sự tiện dụng của các loại túi này lại khiến người tiêu dùng khó có thể bỏ. Do đó, túi nilon đang trở thành một mối họa lớn đối với môi trường và tác động trực tiếp đến sức khỏe của con người.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi hộ gia đình Việt Nam thường sử dụng 5 - 7 túi nilon/một ngày. Chỉ riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, trung bình một ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon. Điều đáng buồn là, chỉ một phần nhỏ trong số này được thu gom, tái chế, còn lại được chôn lấp cùng với rác thải hoặc vứt bỏ khắp nơi. Nước ta hiện được xếp trong Top các quốc gia dẫn đầu gây rác thải nhựa ra đại dương, với khoảng 1,83 triệu tấn/năm.
Trước thực trạng này, từ năm 2018, Bộ TN&MT đã phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” và được cộng đồng hưởng ứng, đồng thuận cao. Nhận thức của người dân, của xã hội về tiêu dùng cũng như các biện pháp về thu gom, xử lý chất thải nhựa liên tục được tuyên truyền sâu rộng.
Bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội cho biết:“Trước mắt, TP. Hà Nội sẽ tập trung vào công tác vận động, tuyên truyền người dân, đặc biệt là phụ nữ, những người nội trợ trong gia đình hạn chế, tiến tới không sử dụng túi nilon và chất thải nhựa”.
…Nhưng vẫn tặc lưỡi sử dụng
Thế nhưng, có một nghịch lý: Khi được phóng viên hỏi có biết tác hại của túi nilon, đồ nhựa dùng 1 lần, đa số người dân ở Hà Nội đều trả lời “có”, và sau đó, họ vẫn tặc lưỡi phớt lờ tiếp tục sử dụng như một thói quen khó bỏ.
Lý giải điều này, bà Lưu Thị Thu Hà, Trưởng bộ môn hóa, khoa Khoa học cơ bản, ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải cho rằng, người dân chưa có điều kiện thuận lợi để từ bỏ túi nilon, đồ nhựa dùng 1 lần.
“Hiện nay, chính phủ chưa có những chính sách để hỗ trợ cho những sản phẩm có thể thay thế những sản phẩm sử dụng một lần như ống hút bằng cỏ, inox, thủy tinh; những chiếc đĩa làm từ bã mía hoặc những chiếc túi làm từ những vật liệu có nguồn gốc từ xenlulôzơ hoặc Glucôzơ. Mới chủ yếu là những cá nhân có những ý tưởng tự phát sản xuất những sản phẩm thân thiện với môi trường” - bà Hà nói.
Bà Thu Hà nêu nhiều dẫn chứng về việc tận dụng rác thải nhựa, như gạch eco-brick (loại gạch làm từ chai nhựa nhồi kín nilon và nhựa cắt nhỏ) để trang trí hoặc xây công trình công cộng. Mặc dù vậy, những dự án xanh như thế là quá ít ỏi.
Đồng tình quan điểm này, bà Đỗ Vân Nguyệt, Giám đốc Trung tâm Sống và học tập, vì Môi trường và Cộng đồng (Live and Learn) cho rằng, cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ, cần được khuyến khích hơn nữa từ góc độ chính sách, để mạnh dạn với những dự án xanh.
Trên thực tế, giá của những sản phẩm tái chế còn cao, chưa phổ biến và phù hợp với đại đa số người dân. Do đó, chính phủ và chính quyền các đô thị cần có lộ trình cụ thể trong việc hỗ trợ doanh nghiệp không sử dụng túi nilông:
Bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội cho biết: "Chúng tôi đã đưa ra những giải pháp, có những lộ trình cụ thể để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất túi ni-lông xuất phát từ hữu cơ và dễ phân hủy".
Trên thế giới hiện có 91 quốc gia đã cấm túi nilon do những tác hại lâu dài đến môi trường. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, các quốc gia này chủ yếu là nước đang phát triển. Còn tại các nước phát triển, họ không cấm nilon, nhựa dùng 1 lần, mà ứng dụng công nghệ, phát triển năng lực phân loại, xử lý rác thải và tái chế, tạo ra các sản phẩm thân thiện hơn với môi trường.
Theo vovgiaothong.vn