Sau 2 năm triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp trung học phổ thông, một số địa phương cho biết, tình trạng thừa, thiếu giáo viên ở một số môn học có thể sẽ tăng do xu hướng học sinh lựa chọn môn khoa học xã hội nhiều hơn so với nhóm môn khoa học tự nhiên.
Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, ở cấp THPT, học sinh học sinh sẽ học 8 môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc và 4 môn học lựa chọn trong tổng số 9 môn là Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật. Căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên, các trường đã xây dựng sẵn các tổ hợp môn học phân theo 2 nhóm gồm: nhóm tổ hợp môn thiên về các môn khoa học xã hội và nhóm tổ hợp môn thiên về các môn khoa học tự nhiên.
Qua 2 năm áp dụng cho học sinh lựa chọn tổ hợp môn học, nhiều địa phương cho biết, số lượng học sinh lựa chọn tổ hợp các môn khoa học xã hội nhiều hơn so với tổ hợp các môn khoa học tự nhiên. Điều này về lâu dài sẽ làm tình trạng thừa, thiếu giáo viên ở một số môn học ngày càng trầm trọng hơn.
Ông Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk nêu thực tế: “Tỉnh Đắk Lắk hiện nay thiếu 1.700 giáo viên, mất cân đối về cơ cấu về giáo viên. Đặc biệt bây giờ lựa chọn môn ở THPT, việc lựa chọn môn khoa học xã hội thiên hướng nhiều hơn môn khoa học tự nhiên thì có nhiều nguyên nhân, nhưng với tỉnh Đắk Lắk thì việc lựa chọn đó rất là nhiều. Ví dụ, bước vào lớp 10 có đến 400 học sinh thì chỉ có 65 học sinh là chọn môn khoa học tự nhiên. Đây là vấn đề khó để nói đến việc mất cân đối về về giáo viên”.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nam Định, ông Vũ Đức Thọ cũng cho biết, hiện tỉnh vẫn chưa giải quyết xong tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở một số môn học, nhất là hai nhóm môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội. Vì thế, việc học sinh cấp THPT lựa chọn tổ hợp môn học khoa học xã hội nhiều hơn so với tổ hợp môn học khoa học tự nhiên, sẽ khiến việc thừa, thiếu giáo viên khó giải quyết hơn.
“Có thể do xu hướng xã hội trong những năm gần đây, nhất là năm thực hiện chương trình 2018, số lượng học sinh vào THPT tập trung đăng ký rất nhiều vào khoa học xã hội, dẫn đến 2 năm vừa rồi ở Nam Định các trường rất thiếu về các môn học xã hội, nhưng lại thừa giáo viên khoa tự nhiên. Tôi nghĩ rằng xu hướng này ngày càng tăng, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có thống kê cụ thể, để có những hướng dẫn giảng dạy và kiểm tra, đánh giá môn khoa học tự nhiên cấp trung học cơ sở như thế nào đó để phù hợp, để khuyến khích, động viên học sinh tham gia nhiều hơn vào các môn học tự nhiên khi bước chân vào trung học phổ thông”, ông Vũ Đức Thọ cho hay.
Minh Hường/VOV1