Công tác giải quyết việc làm ở Yên Bái đã nhận được sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Từ đó, nhiều lao động ở khu vực miền núi, vùng cao, vùng sâu đã có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập…
Sau 5 tháng học tiếng Nhật, anh Giàng A Chua, dân tộc Mông, ở xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái vừa về Hà Nội làm thủ tục xuất cảnh để bay sang tỉnh Kanakawa (Nhật Bản) làm công nhân phụ nề với thời hạn theo hợp đồng là 3 năm, mức lương từ 28 đến 30 triệu đồng/tháng.
Anh Chua cho biết, từ khi có nhu cầu đi xuất khẩu lao động, bản thân anh đã nhận được sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng để hoàn thiện các thủ tục cần thiết.
“Tôi cảm thấy rất vui, mong muốn của tôi là thay đổi cuộc sống của mình. Gia đình tôi hoàn cảnh cảnh kinh tế khá khó khăn nên quyết định đi xuất khẩu lao động để kiếm thêm thu nhập”, anh Chua nói.
Hiện nay, không ít lao động trẻ ở Yên Bái thay vì thi đại học đã chủ động lựa chọn việc làm ở trong nước hoặc đăng ký đi xuất khẩu lao động, vừa để có việc làm và thu nhập, vừa thử sức mình ở những môi trường làm việc mới.
Em Vi Hữu Kiên ở thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên vừa tốt nghiệp THPT đã đăng ký đi xuất khẩu lao động sang Nhật Bản. Nhờ có sự hỗ trợ của các đơn vị chức năng thực hiện các thủ tục liên quan đến xuất nhập cảnh nên Kiên và các bạn yên tâm học tiếng Nhật Bản.
“Em chọn con đường đi xuất khẩu lao động để phát triển mình và kiếm tiền phụ giúp gia đình và trải nghiệm cuộc sống”, em Kiên chia sẻ.
Là huyện có số lao động đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài nhiều nhất ở Yên Bái, từ năm 2020 đến nay, huyện Văn Yên có hơn 280 lao động đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài.
Ông Cao Văn Chỉ, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái cho biết, thu nhập của người lao động đi làm việc ở nước ngoài tương đối ổn định, sau khi trừ chi phí sinh hoạt, còn khoảng 12 - 16 triệu đồng/tháng ở thị trường Đài Loan; từ 25 - 40 triệu đồng/tháng ở các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc...
“Văn Yên chúng tôi đã thành lập hẳn một Ban chỉ đạo về việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện làm Trưởng ban. Đồng thời, chúng tôi cũng đã phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp có uy tín, qua đó tạo được sự tin tưởng yên tâm cho người lao động khi tham gia xuất khẩu lao động”, ông Chỉ cho hay.
Bên cạnh việc hỗ trợ lao động nông thôn tham gia thị trường xuất khẩu lao động, giới thiệu việc làm cho người lao động tại các doanh nghiệp trong nước cũng được tỉnh Yên Bái đặc biệt quan tâm thông qua các ngày hội việc làm. Ông Lê Văn Lương, Phó Giám đốc, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái cho biết, mỗi năm, tỉnh giải quyết việc làm cho 20.000 đến 22.000 lao động; trong đó số người đi làm việc tại các khu công nghiệp trong nước chiếm khoảng 38%.
“Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền đối với người lao động xác định được học nghề gì, làm việc gì; mục tiêu học để có việc làm và học để có thu nhập cho gia đình, bản thân và xóa đói giảm nghèo”, ông Lương nói.
Trong chương trình hành động hàng năm của Tỉnh ủy Yên Bái, công tác giải quyết việc làm cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng, góp phần phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó, năm 2023, Yên Bái chuyển dịch khoảng 7.000 lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp, từ đó xóa đói, giảm nghèo, nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập cho người dân khu vực nông thôn.
Đinh Tuấn/VOV-Tây Bắc