Tây Yên Tử - miền đất hứa cho bảo tồn và lan tỏa giá trị văn hóa Đại Việt

  • 29/12/2023 11:33:40
  • Đặng Vân Hồng
  • Xã hội
  • 0

Với nhiều giá trị lịch sử văn hóa đặc sắc, Tây Yên Tử được xem như miền đất hứa cho công tác bảo tồn và lan tỏa giá trị văn hóa Đại Việt.

 

Một Tây Yên Tử (Bắc Giang) đẹp đến nao lòng với nhiều giá trị lịch sử văn hóa đặc sắc. Một Tây Yên Tử được xem như miền đất hứa cho công tác bảo tồn và lan tỏa giá trị văn hóa Đại Việt.

Tây Yên Tử trong con mắt các nhà nghiên cứu khoa học

Tây Yên Tử gồm quần thể danh thắng với hệ thống chùa chiền của Phật giáo Trúc Lâm phân bố rải rác trên địa bàn các huyện Sơn Động, Lục Nam, Lục Ngạn, Yên Dũng của tỉnh Bắc Giang, trong đó tiêu biểu nhất phải kể đến các chùa như: chùa Vĩnh Nghiêm (xã Trí Yên, Yên Dũng); chùa Sơn Tháp, chùa Mã Yên (xã Cẩm Lý, Lục Nam); chùa Bát Nhã (xã Huyền Sơn, Lục Nam); chùa Hồ Bấc (xã Nghĩa Phương, Lục Nam) và chùa Am Vãi (xã Nam Dương, Lục Ngạn). Những địa danh này từng là những cơ sở thờ tự Phật giáo có nơi đã được trùng tu, tôn tạo nhưng có nơi vẫn còn là phế tích tàng lưu dấu tích vật chất hay địa tầng văn hóa thời Trần trên những ngọn núi, sườn non trải dài trùng điệp phía tây cánh cung Đông Triều hùng vĩ.

Các đại biểu chủ tọa và điều hành hội thảo.

Tại Hội thảo quốc gia “Không gian văn hóa Phật giáo Bắc Giang” vừa được UBND tỉnh Bắc Giang phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức, PGS.TS Nguyễn Tiến Vinh (Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông, Đại học Quốc gia Hà Nội) khẳng định: “Những ghi chép trong thư tịch cổ và các kết quả nghiên cứu khảo cổ đều cho thấy những dấu chân truyền pháp, hoằng pháp Đạo Phật đầu tiên vào Việt Nam có trên mảnh đất Bắc Giang. Đặc biệt, Bắc Giang - Tây Yên Tử còn là một trong những vùng đất ghi dấu ấn sự phát triển và hưng thịnh của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, là chặng đường quan trọng trên con đường hoằng dương Phật pháp của vị Sơ tổ của Phật giáo Trúc Lâm - Phật hoàng Trần Nhân Tông”.

Trong tham luận “Một số dấu tích Phật giáo thời Lý - Trần ở tỉnh Bắc Giang”, TS. Nguyễn Văn Phong (Viện Trần Nhân Tông, Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định: “Ghi chép trong Thiền Uyển tập anh cho thấy, từ thời Lý, Phật giáo ở Bắc Giang đã phát triển và từng có bậc đại sư của Phật giáo đến tu hành. Điều này hoàn toàn phù hợp với những phát hiện về những dấu tích vật chất tìm thấy ở phế tích những ngôi chùa cổ trên địa bàn. Đây cũng là miền đất thuộc Lạng Châu - Động Giáp thời Lý được nhắc đến trong sách Việt sử lược với dòng họ Giáp - họ Thân, ba đời làm Phò mã cho triều Lý. Các công chúa nhà Lý từng nhiều lần ngược dòng sông Lục lên các chùa vùng Động Giáp tu hành. Đến cuối thế kỷ XIII, khi Phật hoàng Trần Nhân Tông chính thức sáng lập thiền phái Trúc Lâm trên non thiêng Yên Tử (1299) thì miền đất ven đôi bờ sông Lục đã trở thành vệ tinh của kinh đô Phật giáo Yên Tử. Năm 1304, Đức Phật hoàng chính thức chọn chùa Vĩnh Nghiêm làm nơi đặt trụ sở, nơi đào luyện tăng đồ của Phật giáo Trúc Lâm thì các cơ sở thờ tự Phật giáo ở Bắc Giang rất phát triển. Đặc biệt, sau khi Phật Hoàng viên tịch (1308), Thiền sư Pháp Loa được trao truyền lãnh đạo sư thỉnh vua Trần Anh Tông cấp sắc chỉ để lập sổ tăng tịch cho tăng ni cả nước nhằm tiếp tục thực hiện mục đích thống nhất các Phật phái ở Đại Việt vào Phật giáo Trúc Lâm”.

PGS.TS Trần Lê Bảo (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng: “Không gian văn hóa Tây Yên Tử (thuộc tỉnh Bắc Giang) là nơi kết hợp hài hòa và hấp dẫn bởi cảnh đẹp hùng vĩ kỳ bí của thiên nhiên và chiều sâu lịch sử văn hóa dân tộc. Nhiều di tích văn hóa tâm linh đặc sắc như chùa, am, tháp và nhiều di vật cổ còn lưu dấu tích vẫn ẩn khuất giữa rừng già non thiêng, được phân bố rộng khắp trên không gian văn hóa Tây Yên Tử. Không gian văn hóa này là bảo tàng văn hóa tâm linh, văn hóa cảnh quan, văn hóa sinh thái, thể hiện bản sắc dân tộc, tư tưởng, tâm hồn, dấu ấn văn hóa Phật giáo độc đáo Việt Nam”.

PGS.TS Trần Thị Thái Hà và TS. Bùi Gia Khánh (Đại học Sài Gòn) qua tham luận “Chùa Am Vãi trong hệ thống chùa tháp Phật giáo Trúc Lâm Tây Yên Tử - Một số vấn đề lịch sử” nhận định: “Nếu Đông Yên Tử được Thượng hoàng/Phật hoàng Trần Nhân Tông lựa chọn để đến tu tập, thì Tây Yên Tử là một trong những nơi bảo lưu những dấu ấn rõ rệt về sự phát triển của Phật giáo Trúc Lâm, của quá trình hoằng dương Phật pháp mà Tam Tổ Trúc Lâm đã nỗ lực tiến hành trong sự hậu thuẫn, bảo trợ của vương triều Trần. Ngôi chùa Am Vãi không chỉ đơn thuần là một kiến trúc thờ Phật, một di tích lịch sử văn hóa minh chứng cho thời kỳ phát triển của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, mà còn đóng vai trò như một mắt xích quan trọng trong mạng lưới phòng vệ, giữ vững an ninh quốc phòng nơi phên dậu phía Bắc của quốc gia Đại Việt; là một thực thể khẳng định quyền lực của vương triều Lý - Trần ở vùng dân tộc thiểu số; đóng vai trò kết nối các cộng đồng dân tộc, góp phần củng cố khối đoàn kết toàn dân và phát triển văn hóa Đại Việt”.

Ông Mai Sơn - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang phát biểu tại hội thảo.

“Nếu nhìn hệ thống chùa Trúc Lâm ở Tây Yên Tử trong mối quan hệ tương tác khu vực với Đông Yên Tử; Tây Yên Tử và Đông Yên Tử với kinh thành Thăng Long, với ranh giới trên đất liền và biển với Trung Hoa, có thể nhận thấy: hệ thống chùa tháp Phật giáo Trúc Lâm ở Tây Yên Tử dường như không chỉ phục vụ cho mục đích tôn giáo mà còn ẩn chứa những sứ mệnh chính trị - quân sự. Nếu Vĩnh Nghiêm vừa là nơi thờ Phật, vừa là trung tâm đào tạo tăng đồ, là chốn tổ đình của Phật giáo Trúc Lâm ở Tây Yên Tử thì chùa Am Vãi với vị thế địa chiến lược lợi hại, đóng vai trò như một chốt điểm án ngữ vị trí quan yếu trên trục đường kết nối kinh thành Thăng Long với ải Nam Quan và ngược lại”.

Chỉ với chừng ấy phác họa cũng phần nào giúp chúng ta hình dung ra một Tây Yên Tử đẹp nao lòng trong lịch sử. Trải qua biết bao thăng trầm, hầu hết di tích đã trở thành phế tích, nhưng linh hồn của danh thắng vẫn lẩn khuất nơi đây, thôi thúc các thế hệ hậu sinh trong hành trình tìm hiểu, khám phá các giá trị lịch sử văn hóa của miền đất này.

Lan tỏa giá trị miền đất thiêng Tây Yên Tử

Hội thảo “Không gian Phật giáo Bắc Giang Tây Yên Tử” đã làm sáng rõ, lan tỏa những giá trị di sản và đương đại của Phật giáo Bắc Giang, nhận diện và đưa những giải pháp đối với tiềm năng, cơ hội và thách thức để những giá trị này có thể được bảo tồn, phát huy, tạo thành nguồn lực cho sự phát triển nhân văn, hài hòa và bền vững của địa phương. Theo TS. Nguyễn Thị Phương Anh (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học QG Hà Nội), Tây Yên Tử là một bộ phận không tách rời khu du lịch tâm linh Đông Yên Tử. Nơi đây được ghi nhận ở 3 giá trị: Tính nổi bật toàn cầu; Tính toàn vẹn của quần thể di tích - danh thắng và Tính xác thực. Đây cũng là quần thể di tích và danh thắng duy nhất trên cả nước đáp ứng gần như hầu hết các tiêu chí của một di sản vật thể, phi vật thể và di sản danh thắng.

Những năm gần đây, Bắc Giang đã nỗ lực thực hiện công tác bảo tồn, phát huy giá trị, xuất bản nhiều cuốn sách, ấn phẩm nghiên cứu, tuyên truyền; tổ chức nhiều cuộc khai quật khảo cổ; lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích các cấp; tổ chức các cuộc Hội thảo khoa học về di sản văn hóa Phật giáo Trúc Lâm... Đặc biệt, tỉnh Bắc Giang đã quy hoạch, xây dựng khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử cùng các điểm di tích ở Tây Yên Yên Tử nhằm tái hiện con đường hoằng dương Phật pháp của Phật hoàng Trần Nhân Tông, trên cơ sở vừa khai thác, vừa phát huy giá trị phong phú về các nguồn tài nguyên thiên nhiên sinh thái của vùng núi Tây Yên Tử; tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch hằng năm để thu hút du khách đến với vùng đất này. “Văn hóa Phật giáo là một bộ phận quan trọng góp phần tạo nên bức tranh văn hóa Bắc Giang đa dạng, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc. Tỉnh Bắc Giang xác định, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Phật giáo nói chung, di sản văn hóa Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử nói riêng gắn với phát triển du lịch văn hóa tâm linh bền vững là nhiệm vụ quan trọng đối với các cấp chính quyền và nhân dân toàn tỉnh”, đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định.

Chùa Vĩnh Nghiêm là nơi khai sáng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Hiện nay, Bắc Giang đang phối hợp với các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương xây dựng, hoàn thiện hồ sơ khoa học quần thể di tích danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO vinh danh là Di sản thế giới, trong đó chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà là 2 điểm di tích của tỉnh Bắc Giang được các nhà khoa học lựa chọn đưa vào hồ sơ đề cử.

Không gian văn hóa Phật giáo Tây Yên Tử là nguồn tài nguyên văn hóa đầy tiềm năng. Trước mắt, Bắc Giang còn phải làm rất nhiều công việc như: kiểm kê, phân loại, đánh giá thực trạng, tiến hành mã hóa, số hóa nguồn di sản văn hóa; giáo dục tuyên truyền nâng cao nhận thức về các giá trị tiềm ẩn của văn hóa Phật giáo Bắc Giang trong đời sống nhân dân; tập trung nguồn lực đầu tư, tôn tạo và tu bổ, phục dựng các di tích Phật giáo; xây dựng chương trình quy hoạch du lịch cụ thể, lâu dài, bền vững; xây dựng các tour du lịch tâm linh liên tuyến kết nối giữa các điểm di tích/du lịch vùng Tây Yên Tử với các địa phương như Quảng Ninh, Hải Dương, Lạng Sơn... Những hoạt động đó sẽ góp phần phục hồi, chấn hưng và tôn vinh các giá trị văn hóa Phật giáo thời Trần.

“Nếu trở thành di sản văn hóa thế giới thì không gian Phật giáo Bắc Giang sớm được lan tỏa khắp năm châu để tiếp tục hòa nhập và phát triển”, GS.TSKH Vũ Minh Giang nhấn mạnh./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận