Tấm vé Tết nào về quê?

  • 28/12/2023 04:00:00
  • VOV.giaothong.vn
  • Xã hội
  • 0

Có người đã chọn về quê sớm hơn do làn sóng cắt giảm công nhân, có người chặng đặng đừng phải ở lại thêm, cố kiếm chút đỉnh, có thêm món quà tấm bánh cho con...

 

Để có được tấm vé về quê bớt nhọc nhằn, phần lớn mọi người đều đang vội vã làm việc, nhưng càng sát Tết, giá vé máy bay tăng cao, khiến cho hành trình về quê thêm phần áp lực.

Nhiều năm xa quê, Tết là dịp để anh Phùng Bá Nhân (ngụ tại quận 3, TP.HCM) cùng gia đình sửa soạn cho mình một chuyến hành trình về nhà. Có mặt ở ga Đường sắt Sài Gòn vào những ngày giữa tháng 12 để mua vé về ga Vinh, anh Nhân chia sẻ với PV VOV Giao thông, thật nhiều đắn đo trong sự lựa chọn phương tiện vì gia đình có cháu nhỏ.

Mọi năm, nhà anh vẫn đặt vé máy bay từ sớm, nhưng năm nay kinh tế khó khăn, trong khi giá phương tiện này đắt đỏ hơn và tăng cao “chóng mặt”.

“Mình về vào ngày 23 Tết, nếu đi bằng máy bay hết khoảng 18 triệu, nhưng mua vé tàu chỉ hơn 5 triệu thôi, giảm được tận hơn 3 lần. Đối với mình là dân văn phòng, đi máy bay với giá này cũng phải cân nhắc, chưa nói là người dân lao động miền Trung và miền Bắc, có số lượng người làm việc ở miền Nam rất nhiều”, anh Nhân bộc bạch.

Anh Nhân tâm sự, dù có đi đâu, làm gì trong một năm qua, thì cứ Tết là phải về nhà. Mà thông thường cả gia đình sẽ cùng nhau về nên vô hình chung, hành trình trở về nguồn cội trở nên áp lực với mọi người khi phải cân lên đặt xuống nhiều về giá vé phương tiện.

“Nói chung làm cả năm không đủ tiền vé máy bay, nên vô hình chung nét đẹp của dân tộc – Tết cổ truyền trở thành áp lực cho mọi người dân. Người dân không có nhiều sự lựa chọn, nếu không đi Vietnam Airlines thì phải đi Bamboo Airways, không thì Vietjet chứ làm gì còn sự lựa chọn nào nữa, chỉ có nước đổi phương tiện. Nhìn quanh các nước Đông Nam Á thôi, như Thái Lan, Indonesia hay như Singapore,... họ cũng có tới 10 hãng. Còn đối với ô tô, vừa rồi chúng ta thấy các vụ tai nạn cũng làm cho mọi người lo lắng về mức độ an toàn”, anh Nhân phân tích.

Ông Nguyễn Văn Khiêm, quê ở Thanh Hoá, vào Sài Gòn trông cháu. Điều kiện kinh tế không dư dả, nên khi Ga Sài Gòn thông báo mở bán vé Tết âm lịch là ông thu xếp đến mua vé sớm. Ông chia sẻ: “Đi máy bay thì lúc vào còn có đồ đạc lỉnh kỉnh nữa, quà của gia đình gửi vào cho con cháu, nên mình chọn đi tàu để mang được nhiều đồ nhỏ, còn đi máy bay thì hạn chế”.

Tuy nhiên, ông cũng băn khoăn vì đi tàu thời gian di chuyển lâu nên đôi lúc không phù hợp với người lớn tuổi. Ngoài ra, ông cũng góp ý, hệ thống nhà vệ sinh trên tàu cần chú trọng hơn nữa để đảm bảo an toàn cho người già.

Đúng giờ, nhiều trải nghiệm, chi phí hợp lý là lợi thế cạnh tranh để năm nay nhiều người dân lựa chọn phương tiện đường sắt. Theo Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn, sau 2 tháng mở bán, đến nay, toàn hệ thống đã bán trên 130.000 vé tàu và số lượng vé vẫn còn khá nhiều, đặc biệt là chiều vào sau Tết.

Không phủ nhận ngành đường sắt trong nhiều năm qua đã nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ để hút khách, đặc biệt trong dịp Tết, nhưng theo anh Phùng Bá Nhân, cần nhiều hơn những bứt phá.

Ngành đường sắt trong nhiều năm qua đã nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ để hút khách, đặc biệt trong dịp lễ Tết, nhưng người dân cần nhiều hơn thế.

“Vé của ngành đường sắt theo tôi vẫn cao. Vé ngày thường và ngày Tết chênh nhau chỉ khoảng từ 200-300 ngàn. Bên cạnh đó, ngành đường sắt cũng cần nâng cao chất lượng ví dụ như chăn ga gối đệm cần phải được sạch sẽ hơn, nhân viên cần phải tận tình phục vụ hơn nữa, không chỉ với hành khách trên tàu mà khi hành khách di chuyển trên tàu, đặc biệt là thực đơn, đồ ăn thức uống trên tàu phải đa dạng hơn và đảm bảo an toàn thực phẩm” - trong ký ức của anh Nhân, những chuyến tàu, xe về quê dịp Tết từ thời sinh viên luôn đẹp.

Đó là hành trình mà bản thân anh mong muốn nhiều người được trải nghiệm.

Hồng Lĩnh/VOV- Giao thông

 

Bình luận

    Chưa có bình luận