'Tư duy nhìn vào giáo dục là nghĩ đến thi cử tạo ra tầm nhìn hạn hẹp'

Chương trình GDPT với mục tiêu mới, dẫn đến những thay đổi về phương thức kiểm tra, đánh giá thường xuyên cũng như điều chỉnh nội dung, phương thức các kỳ thi

 

Theo lộ trình của Bộ GD-ĐT, năm học tới 2024-2025 sẽ là năm cuối cùng, hoàn thành quá trình thay SGK từ lớp 1 đến lớp 12. Chương trình GDPT với mục tiêu mới, dẫn đến những thay đổi về phương thức kiểm tra, đánh giá thường xuyên cũng như điều chỉnh nội dung, phương thức của các kỳ thi lớn như tuyển sinh lớp 10, thi tốt nghiệp THPT.

Thay đổi kiểm tra, trước hết giáo viên phải thay đổi chính mình

Nhận định về những điểm mới trong cách kiểm tra đánh giá từ khi áp dụng chương trình GDPT 2018, PGS.TS Bùi Mạnh Hùng, Tổng chủ biên SGK Tiếng Việt - Ngữ văn, Bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” cho rằng, thời gian qua giáo viên cả nước đã có nhiều nỗ lực trong việc đổi mới kiểm tra, đánh giá. Đề thi giữa kỳ, cuối kỳ ở các địa phương đều đã được thiết kế theo định hướng mới. Theo đó tập trung vào đánh giá năng lực học sinh, không phải kiểm tra, đánh giá kiến thức thuần túy.

Việc kiểm tra, đánh giá mới cũng đang từng bước loại bỏ khả năng học sinh trả lời câu hỏi chỉ dự vào ghi nhớ và sao chép. Quá trình này cũng thúc đẩy giáo viên thay đổi bản thân, nhiều giáo viên siêng năng đọc sách, tìm kiếm tài liệu, văn bản, tự nâng cao trình độ thẩm định văn bản.

Việc thay đổi phương thức kiểm tra đánh giá cũng đặt ra những yêu cầu, thách thức mới cho đội ngũ giáo viên. Tuy vậy, bên cạnh những tín hiệu tích cực, việc kiểm tra đánh giá vẫn còn một số mặt hạn chế, vướng mắc như đề kiểm tra, đề thi quá dài, vượt quá thời gian làm bài của học sinh, gây quá tải. Điều này xuất phát từ một số lý do khách quan như nguồn văn bản ngoài SGK thuộc thể loại cần kiểm tra, đánh giá không dồi dào. Lý do chủ quan xuất phát từ khả năng tìm kiếm của giáo viên còn hạn chế, các thầy cô chưa có kinh nghiệm xử lý, rút gọn ngữ liệu, chọn đoạn trích phù hợp.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng, một số câu hỏi trong các đề kiểm tra, đề thi ở nhà trường chưa chuyển biến kịp theo mục tiêu kiểm tra đánh giá mới. Nhiều giáo viên vẫn có thói quen thiết kế các câu hỏi thuần túy kiểm tra kiến thức, đáng ngại nhất là câu hỏi trắc nghiệm khách quan để kiểm tra kiến thức tiếng Việt của học sinh.

“Trong Việt ngữ học, có nhiều vấn đề còn gây tranh cãi như ranh giới giữa từ với cụm từ, câu đơn với câu ghép,… hay một số loại đơn vị ngôn ngữ ranh giới đôi khi mơ hồ như từ ghép với từ láy, động từ với tính từ,... Thiết kế câu hỏi trắc nghiệm khách quan để kiểm tra kiến thức có liên quan đến những vấn đề đang còn gây tranh cãi thì hoàn toàn không nên. Đó là chưa kể giáo viên có thể có nhầm lẫn về kiến thức. Ngay cả khi câu hỏi đúng thì việc học sinh trả lời chính xác những câu hỏi trắc nghiệm khách quan đó cũng không phải là bằng chứng về năng lực sử dụng ngôn ngữ của người học. Xin nói thêm là câu hỏi trắc nghiệm về kiến thức nếu thiết kế đúng thì có thể được dùng để giúp học sinh rà soát, củng cố kiến thức vừa học, nghĩa là dùng trong đánh giá thường xuyên (mà không cho điểm). Nó rất khác với việc dùng câu hỏi trắc nghiệm khách quan kiểm tra kiến thức để qua đó đánh giá năng lực của học sinh. Đây là hai chuyện khác nhau”, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng, vẫn có tình trạng đối phó khi ra đề thi, có thể xuất phát từ bệnh thành tích. Như với môn Ngữ văn, một số giáo viên tuy có dùng ngữ liệu ngoài SGK để ra đề thi, nhưng sẽ cho học sinh biết trước 4 - 5 ngữ liệu trong đề cương ôn tập, kèm theo câu hỏi cho sẵn, có thể không có đáp án. Còn phần viết thì giáo viên sẽ ra kiểu đề thật mở, kèm cụm từ “tác phẩm em yêu thích”. Học sinh viết theo những gì đã chuẩn bị trước, các em chỉ cần ôn một đề. Chất lượng kiểm tra, đánh giá nhiều nơi chưa phải là hoàn toàn thực chất.

Thay đổi tư duy học gì thi nấy

Nói về việc đổi mới kiểm tra đánh giá, thầy Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (Hà Nội) cho rằng: “Chúng ta đang đứng trước một cuộc cách mạng”. Nếu như trước đây, học sinh tiếp cận theo cách ghi nhớ và áp đặt, ghi nhớ đơn vị kiến thức theo cách “thầy bảo gì trò nghe nấy”. Với chương trình 2018 đòi hỏi thầy cô giáo phải nghiên cứu kĩ lưỡng để nhằm hình thành năng lực theo mục tiêu chung nhằm đáp ứng năng lực chung yêu cầu và năng lực đặc thù của môn học. Chính bởi mục tiêu đó, nên thầy cô phải thiết kế các hoạt động làm sao để học sinh có thể chủ động chiếm lĩnh được kiến thức.

Quá trình tham gia các hoạt động của thầy cô tổ chức thông qua phương pháp dạy học nhằm tích cực hóa học sinh thì năng lực của học sinh dần được hình thành theo các chương bài, bài học. Bởi vậy, buộc thầy cô phải nghiên cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng và nhiều hơn.

Đơn cử như với môn Toán, thầy Cường cho biết, giáo viên không chỉ áp đặt mà cần thiết kế với mỗi học sinh có năng lực khác nhau thì đánh giá đúng năng lực học sinh. Việc đánh giá môn Toán cần đồng bộ từ tiết giảng dạy trên lớp, tương tác thầy cô với học sinh, bài kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kì đều trong một quy trình chứ không thực hiện máy móc trước đây. Rõ ràng những thách thực lớn là vận dụng khả năng kiến thức làm sao vừa phù hợp với yêu cầu chương trình lại vừa phù hợp với năng lực học sinh tại trường của mình, vùng của mình. Câu chuyện ở đây là thầy cô phải thiết kế để hài hòa, vừa sức với học sinh.

“Nhiều thầy cô đã có sự sáng tạo, có tâm lớn thực hiện nhiều bài kiểm tra giúp học sinh có thể cải thiện được kết quả học tập của mình. Đây là tín hiệu mừng khi thầy cô vào cuộc”.

Tuy nhiên, khi triển khai chương trình mới song song với chương trình 2006, thầy Nguyễn Cao Cường cũng thẳng thắn cho rằng giáo viên cũng đang đối mặt với những khó khăn. Đó là khi đứng trước cái mới, các thầy cô với tư tưởng ưa truyền thống, muốn giữ lại những gì tồn tại suốt nhiều thập kỷ qua, sẽ có định kiến như thế mới là đúng. Một số giáo viên vẫn còn có những e dè, ngại làm bởi nếu sử dụng những gì đã có sẵn trong kho sẽ dễ dàng và tiết kiệm nhiều thời gian. Thậm chí một số nơi vẫn còn câu chuyện thành tích. Bởi vậy, trở ngại khi đổi mới trước tiên xuất phát từ chính tâm lý giáo viên.

Bên cạnh đó, khi đánh giá người học qua năng lực, đánh giá từ kỹ năng ra đề, sẽ có cản trở về khả năng của thầy cô. Sau ba năm áp dụng, đến nay vẫn chưa có một đánh giá tổng thể nào hay tổng kết để rút ra được những thuận lợi và hạn chế. Kể cả đối với cấp THCS, chưa một lần nào áp dụng công thức mới trong kỳ thi vào lớp 10. Đối với THPT, 2025 mới bắt đầu áp dụng. Chưa có một tiền lệ nào để từ đó rút kinh nghiệm.

“Chính tư duy nhìn vào giáo dục là nghĩ đến thi cử tạo ra tầm nhìn hạn hẹp. Chúng ta cần phải thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận đối với việc học. Đối với học sinh lớp 9, khi tốt nghiệp THCS, vai trò kết thúc cấp học thì việc đánh giá không phải dựa vào thi cử, mà là quá trình học tập.

Nhưng nếu mục đích là để lên lớp 10, vai trò sẽ khác, đó là buộc phải vượt qua một kỳ thi. Tương tự, nếu đích đến của học sinh chỉ là tốt nghiệp THPT sẽ khác hẳn với mong muốn sử dụng kết quả thi để xét đại học.

Tư duy đó tạo ra áp lực cho thầy cô ngay từ lớp học đầu cấp là đào tạo học sinh như những vận động viên chuyên nghiệp sẵn sàng cho cuộc đấu trí trong tương lai. Đâu đó còn có tư duy học gì thi nấy. Nếu tập trung vào đánh giá năng lực học sinh, sau khi kết thúc một cấp học, sẽ căn cứ vào năng lực đó để chọn ra hướng đi phù hợp. Điều đó mới là quan trọng”, thầy Nguyễn Cao Cường nhấn mạnh.

Nguyễn Trang/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận