Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhận định, bên cạnh những kết quả đạt được, thị trường lao động vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như mất cân đối về cung - cầu. Nhiều tập đoàn đến đầu tư, khi tuyển lao động gia công thì có, nhưng tuyển lao động chất lượng cao lại thiếu.
Hôm nay (26/12), Bộ LĐ-TB&XH tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2024.
Tại điểm cầu Thanh Hóa, đại diện lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa thông tin, toàn tỉnh đã có trên 5.700 dự án vay vốn giải quyết việc làm giúp tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho trên 6.000 lao động.
Bên cạnh đó, tỉnh ban hành quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trên 30.000 lao động, tăng 10,87% so với năm 2022; cấp mới, cấp lại và gia hạn giấy phép cho 1.700 lao động nước ngoài làm việc tại tỉnh.
Năm 2023, toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho khoảng 62.850 lao động, vượt 8,36% kế hoạch năm và tăng 5% so với cuối năm 2022.
Đại diện tỉnh Thanh Hóa cũng thông tin thêm, bằng những giải pháp được triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tình hình lao động - việc làm trên địa bàn tỉnh cơ bản đã ổn định; thị trường lao động cơ bản được phục hồi hơn so với hai năm trước, công tác giải quyết việc làm gắn với nâng cao thu nhập cho người lao động luôn được chính quyền các địa phương quan tâm.
Đến nay, không còn tình trạng doanh nghiệp giảm giờ làm, cho người lao động nghỉ luân phiên, nhiều doanh nghiệp đã tuyển dụng lao động với số lượng lớn.
Doanh nghiệp khó tuyển lao động có tay nghề
Tại Bình Dương, Sở LĐ-TB&XH tỉnh này cho biết, địa phương phát triển công nghiệp với 29 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động. Trong năm 2023, Bình Dương vẫn tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, đến nay tỉnh đã thu hút hơn 60.000 doanh nghiệp có vốn trong nước và hơn 4.000 dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Toàn tỉnh hiện có trên 1,2 triệu lao động, đa số là lao động trẻ, trong đó lao động ngoài tỉnh chiếm hơn 80% và lao động nữ chiếm 56%.
Tuy nhiên, hiện nay ngành lao động tỉnh Bình Dương vẫn nhiều thách thức do tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, đơn hàng giảm dẫn đến lao động bị mất việc, ngừng việc, giãn việc, không có việc làm với hơn 127.000 lao động bị ảnh hưởng. Trong đó, tập trung chủ yếu vào một số ngành nghề như: chế biến gỗ (chiếm 18%), dệt may (chiếm 16%), da giày (chiếm 16%), còn lại là các ngành nghề khác…
Chia theo vốn đầu tư, nhóm lao động bị ảnh hưởng làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 64%, doanh nghiệp vốn trong nước là 36%. Dẫn đến chỉ tiêu tạo việc làm mới trong năm ước chỉ thực hiện 25.742 lao động, đạt 73,5% kế hoạch năm (kế hoạch là 35.000 lao động).
“Ngoài ra, khi doanh nghiệp hồi phục, có đơn hàng và có nhu cầu lại gặp khó khăn trong vấn đề tuyển dụng lao động đặc biệt là lao động có tay nghề, có kinh nghiệm.
Nguyên nhân là do từ cuối năm 2022 và đầu năm 2023, khi hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn nên một số doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động, trong đó có cả những lao động lâu năm, có kinh nghiệm. Người lao động khi bị giảm giờ làm, ít việc hoặc bị mất việc trong thời gian dài dẫn đến giảm hoặc không có thu nhập, thất nghiệp và buộc phải về quê. Hiện nay tâm lý một số lao động vẫn chưa sẵn sàng quay trở lại thị trường lao động do đã cận Tết, đồng thời người lao động vẫn còn e ngại việc có duy trì được công việc lâu dài, ổn định hay không thì mới có thể quay trở lại Bình Dương làm việc”, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương cho biết.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng, năm 2023 sắp đi qua với đầy những biến động, khó khăn, thách thức nhiều hơn so với dự báo. Đứt gãy chuỗi cung ứng, suy giảm các động lực tăng trưởng từ sản xuất, thương mại, đầu tư trên toàn cầu cùng với xung đột và những bất ổn về an ninh năng lượng, an ninh lương thực, thiên tai, biến đổi khí hậu gây hậu quả nghiêm trọng làm kinh tế thế giới chậm phục hồi.
Ở trong nước, hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19 cùng với tác động của thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường bất động sản đã ảnh hưởng tới tăng trưởng của nền kinh tế, thu nhập việc làm, an sinh, kéo theo các vấn đề xã hội khác. Tình trạng lao động buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp đã diễn ra từ quý IV năm 2022, kéo dài sang quý II năm 2023 ở nhiều địa phương và có xu hướng chuyển dịch sang khu vực phi chính thức.
Phó Thủ tướng nhận định, trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời, quyết liệt của Ban Chấp hành Trung ương, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự chủ động từ xa từ sớm của Quốc hội trong hoàn thiện thể chế, giám sát; sự quyết liệt, bản lĩnh, sáng tạo, kịp thời hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và tinh thần trên dưới đồng lòng của các Bộ, ngành, địa phương; sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân Việt Nam đã vượt những cơn gió ngược.
Ước tính chúng ta đạt và vượt 10/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tăng trưởng GDP năm 2023 ước đạt trên 5%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 683 tỷ USD. An ninh lương thực được bảo đảm. Đã có trên 220.000 doanh nghiệp đăng ký mới và quay trở lại hoạt động.
Về xã hội thị trường lao động phục hồi tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 2,93%, giảm 1,1%. Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trên thế giới trong cuộc chiến chống đói nghèo.
Ngành LĐ-TB&XH đã tiếp tục đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp để cùng với ngành giáo dục và đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo lên khoảng 68%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị khoảng 2,76%, đạt mục tiêu đề ra.
Đồng thời, thực hiện tốt định hướng, đào tạo trình độ, tay nghề, ngoại ngữ cho lực lượng lao động đáp ứng thị trường lao động quốc tế, đây chính là nguồn nhân lực chất lượng cao (làm việc môi trường công nghiệp, tiếp cận công nghệ tiên tiến) khi trở lại thị trường lao động trong nước sẽ có đóng góp cho phát triển.
Bên cạnh kết quả đạt được, Phó Thủ tướng cho rằng, vẫn còn nhiều thách thức, tồn tại cần tập trung giải quyết trong thời gian tới: “Về thị trường lao động còn mất cân đối về cung-cầu. Nhiều tập đoàn đến đầu tư, khi tuyển lao động gia công thì có, nhưng tuyển lao động chất lượng cao thì thiếu. Trong đó, cầu về lao động chưa bền vững, cung về lao động chưa có sự cải thiện nhiều về chất lượng. Số người có việc làm phi chính thức gồm cả lao động trong hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản vẫn còn cao chiếm 65%. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên còn cao”.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng, việc tham gia các công ước quốc tế về công đoàn và các hiệp định thương mại tư do thế hệ mới đặt ra những vấn đề mới trong quan hệ lao động trong các doanh nghiệp.
Kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trở thành xu thế của thời đại được thúc đẩy bởi khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Trí tuệ nhân tạo, công nghệ tự động sẽ thay thế lao động giản đơn trong tương lai gần.
Nhân lực chất lượng cao chính là tài nguyên quan trọng nhất và nhân tài chính là động lực đột phá để rút ngắn khoảng cách, bắt kịp, đi cùng và vươn lên sánh vai với các cường quốc năm châu.
Điều đó đặt ra những trọng trách rất lớn đối với ngành lao động thương binh xã hội và khối ngành xã hội như giáo dục, y tế, văn hóa, khoa học và công nghệ, thông tin và truyền thông, cũng như Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.
Chủ động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực với cơ cấu hợp lý đảm bảo hài hòa, cung - cầu
Từ những thực tế trên, Phó Thủ tướng đề nghị ngành LĐ-TB&XH cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện cơ chế huy động nguồn lực thực hiện chính sách xã hội theo hướng linh hoạt, hiệu quả; nguồn lực nhà nước giữ vai trò chủ đạo, tăng cường xã hội hoá, hợp tác công - tư trong thực hiện chính sách xã hội.
Đặc biệt, cần sớm tham mưu hoàn thiện hệ thống pháp luật về tiêu chuẩn lao động, quan hệ lao động, việc làm và an sinh xã hội phù hợp tiêu chuẩn của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và các cam kết trong các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA; giải quyết các vấn đề trong quan hệ giữa người sử dụng lao động và lao động: đối thoại, thương lượng tập thể, đình công, giải quyết tranh chấp lao động đúng pháp luật.
Bên cạnh đó, cần chú trọng dự báo sát nhu cầu của thị trường lao động để chủ động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực với cơ cấu hợp lý đảm bảo hài hòa, cung - cầu.
Chủ trì hoàn thiện khung chính sách quốc gia và chiến lược thích ứng với quá trình già hoá và mất cân bằng giới trong cơ cấu dân.
Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện các cơ chế liên thông về chương trình giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo. Đổi mới nội dung, chương trình giáo dục, tiêu chuẩn kỹ năng nghề nghiệp áp dụng cho các ngành nghề trong xã hội tiếp cận chuẩn các nước phát triển trong khu vực ASEAN và thế giới. Thực hiện tốt định hướng, đào tạo trình độ, tay nghề, ngoại ngữ cho lực lượng lao động đáp ứng thị trường lao động quốc tế.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong quản lý, sớm hình thành cơ sở dữ liệu về lao động và việc làm, hướng tới quản trị thị trường lao động, việc làm hiện đại, linh hoạt, nắm chắc, chính xác, kịp thời diễn biến của thị trường lao động để chủ động có giải pháp hỗ trợ kịp thời...
Theo VOV.VN