Thưởng Tết cho người lao động: Khó cũng phải có!

Một số doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị nguồn tài chính để thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 cho người lao động. Đó là nỗ lực không nhỏ của doanh nghiệp.

 

Đến thời điểm này, chưa có tổng hợp báo cáo về mức thưởng Tết trên địa bàn TP.HCM, song một số doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị nguồn tài chính để thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 cho người lao động. Đó là nỗ lực không nhỏ của doanh nghiệp để chăm lo cho công nhân, người lao động trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Vượt khó - lo Tết cho công nhân

Cuối năm 2022 và 2023 là thời điểm mà ngành dệt may và thời trang gặp nhiều khó khăn nhất, hơn cả thời điểm Covid-19, với mức tăng trưởng doanh số chậm. Một số doanh nghiệp phải cắt giảm hàng ngàn lao động vì không có đơn hàng. Số doanh nghiệp khác phải thích ứng linh hoạt, chuyển đổi sản xuất… nhằm duy trì việc làm cho người lao động, ổn định sản xuất.

Ông Ngô Thành Phát, Giám đốc điều hành Tổng Công ty Cổ phần May Việt Tiến cho biết, công ty đang phấn đấu mức lương trung bình cho người lao động từ 11,5 triệu đồng/tháng trở lên.

Cũng theo ông Phát, năm ngoái, công ty thưởng Tết với mức bình quân 17 triệu đồng/người. Mặc dù năm nay gặp nhiều khó khăn, nhưng Tổng Công ty Việt Tiến vẫn duy trì thưởng Tết ổn định cho người lao động.

“Chúng tôi vẫn đảm bảo với cường độ làm việc, năng suất lao động đạt được và giá trị lô đạt được thì chúng tôi sẽ thưởng bằng năm 2022. Ngoài một tháng lương theo hợp đồng lao động, chúng tôi thưởng hoàn thành nhiệm vụ, chế độ chăm sóc của công đoàn. Đó là tất cả những chính sách chăm lo Tết cho người lao động”, ông Ngô Thành Phát cho biết.

Hoạt động chăm lo Tết cho công nhân không ở các khu trọ ở lại đón Tết của Liên đoàn Lao động TP.HCM.

Dù thưởng Tết không cao ở mức 1,1 tháng lương, nhưng Công ty TNHH Nidec Việt Nam (Thành phố Thủ Đức) sẽ có các chế độ chăm lo, hỗ trợ cho người lao động. Theo ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch công đoàn, doanh nghiệp và công đoàn sẽ sắp xếp khoảng 18 chuyến xe đưa, đón hơn 500 người lao động và người thân về quê đón Tết ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung và miền Tây. Trong đó, công ty hỗ trợ 90% tiền vé xe ghế ngồi, còn với người lao động có thời gian làm việc hơn 10 năm sẽ được công ty hỗ trợ 100% vé xe về quê.

Còn tại Công ty TNHH Đông Nam Việt Nam chuyên sản xuất hàng may mặc có trụ sở ở huyện Hóc Môn, TP.HCM, đến thời điểm này dù chưa có thông báo về thưởng Tết Nguyên Đán năm 2024, nhưng công ty đã hé lộ chương trình bốc thăm trúng thưởng dịp cuối năm với giải thưởng tăng gấp đôi năm ngoái, có đến 3 giải đặc biệt, mỗi giải 2 chỉ vàng SJC.

Bà Huỳnh Khánh Trân, Chủ tịch công đoàn công ty cho biết: “Ban Giám đốc công ty đã bỏ ra số kinh phí 500 triệu đồng để tổ chức tất niên cho người lao động. Còn thưởng Tết thì đến tháng 1 mới thông báo. Công đoàn sẽ hỗ trợ tiền mặt cho công nhân đoàn viên và một phần quà lưu niệm và tổ chức bốc thăm trúng thưởng trong tiệc tất niên”.

Mở rộng đối tượng chăm lo Tết

Bà Nguyễn Ngọc Thùy Hương - Trưởng phòng nhân sự Công ty Cổ phần nước Hoàng Minh (Ion-Life) cho hay, đầu tháng 12, đội nhóm của bà đã đạt được KPI (kết quả, doanh số) mà lãnh đạo công ty đưa ra, do đó mức thưởng Tết của công nhân, người lao động ít nhất sẽ là 2 tháng lương. Nếu từ nay đến cuối năm 2023 vẫn duy trì doanh số cao và mức hoạt động tốt, có thể vượt lên mức thưởng 2,5 hoặc 3 tháng lương.

“Cơ cấu thưởng của chúng tôi sẽ khác các đơn vị khác. Các đơn vị khác hầu như thưởng dựa trên mức thưởng là lương cơ bản, chúng tôi sẽ thưởng nguyên lương. Thu nhập bình quân của một nhân viên Ion Life lao động phổ thông từ 8-10 triệu đồng. Nói chung Tết này, nhân viên Ion Life sẽ được ấm no”, bà Nguyễn Ngọc Thùy Hương chia sẻ.

Công nhân ở doanh nghiệp không có thưởng Tết được chăm lo năm 2022.

Theo Liên đoàn Lao động quận Bình Tân, TP.HCM, đến ngày 16/12 đã có 70/178 doanh nghiệp có từ 30 lao động trở lên trên địa bàn quận thông tin về kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 cho người lao động.

Theo đó, mức thưởng Tết bình quân của người lao động là gần 8 triệu đồng/người. Nơi có mức thưởng cao nhất hiện nay là 250 triệu đồng/người, thuộc doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế-khám chữa bệnh. Nơi có mức thưởng thấp nhất là 1 triệu đồng/người, thuộc doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc.

Hiện, Liên đoàn Lao động TP.HCM đã triển khai kế hoạch chăm lo Tết 2024 cho công nhân lao động trên địa bàn. Cụ thể, chương trình “Tết sum vầy - Xuân tri ân”, dự kiến chăm lo cho 13.000 gia đình đoàn viên, người lao động hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, ưu tiên người lao động làm việc tại doanh nghiệp bị cắt giảm giờ làm, không có điều kiện về quê đón Tết. Mỗi trường hợp được chăm lo 1 triệu đồng, gồm quà và tiền mặt.

Các chương trình có dấu ấn và sức lan tỏa nhiều năm qua như: “Tấm vé nghĩa tình - Tết đoàn viên”, “Gia đình công nhân vui Tết cùng thành phố”; họp mặt “Công nhân vui Tết cùng thành phố” tại khu nhà trọ trong dịp Tết…vẫn được tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng.

Ngành dệt may gặp khó nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn cố gắng duy trì sản xuất và thưởng tết cho người lao động (Ảnh Công ty TNHH Đông Nam Việt Nam cung cấp).

Ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động TP.HCM cho biết: “Những chương trình của công đoàn Thành phố, chúng tôi cố gắng làm sao để mở rộng đối tượng thụ hưởng cao nhất. Chúng tôi cũng đã có chỉ đạo đối với công đoàn cơ sở và công đoàn cấp trên cơ sở, tập trung để có thể chăm lo trực tiếp cho những hoàn cảnh khó khăn ngay tại đơn vị của mình với mức hỗ trợ cao nhất, với sự chia sẻ đó sâu sắc nhất”.

Ngoài ra, nhằm hướng đến mục tiêu tiết kiệm giúp đoàn viên, công đoàn các Khu chế xuất - Khu công nghiệp, Thành phố sẽ tổ chức 9 “Phiên chợ nghĩa tình - Tết đoàn viên” cho 30.000 công nhân (hỗ trợ 500.000 đồng/người) trong dịp Tết năm 2024; tiếp tục phối hợp Liên đoàn Lao động thành phố Thủ Ðức, các liên đoàn lao động quận, huyện tặng 4.000 phần quà Tết cho công nhân ở trọ có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc tại các Khu chế xuất - Khu công nghiệp của TP.HCM./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận