Trong bài 1 với nhan đề “TP.HCM: Phát triển không gian ngầm là tất yếu” các chuyên gia giao thông đô thị cũng như của cơ quan chức năng rất quan tâm định hướng phát triển không gian ngầm của TP.HCM. Đây là hướng đi tất yếu, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả to lớn nếu được triển khai trong thời gian tới. Vấn đề này sẽ được phân tích trong bài viết thứ 2 này.
5 không gian kết nối với “xương sống” là ga metro
Tháng 12/2021, TP.HCM ban hành Quyết định 56 về quy chế quản lý kiến trúc trên địa bàn, định hướng khuyến khích kết nối các không gian công cộng, không gian ngầm đô thị, tạo ra mạng lưới đi bộ liên hoàn trong Thành phố; địa bàn Quận 1, Quận 3 và một phần Quận 4, quận Bình Thạnh có quy mô 930ha.
Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, hiện các nhà ga metro Bến Thành – Suối Tiên đã được xây dựng hoàn thiện, dự kiến đưa vào khai thác, vận hành cùng với tuyến metro trong thời gian ngắn sắp đến. Những nhà ga ngầm còn lại sẽ được TP.HCM tiếp tục nghiên cứu, đầu tư xây dựng theo tiến độ thi công các tuyến metro.
Trong đồ án 930 ha, một số không gian ngầm đã được nhận diện, bao gồm: bên dưới đường Lê Lợi (giữa ga Bến Thành và ga Nhà hát Thành phố), bên dưới đường Nguyễn Huệ (giữa ga Nhà hát Thành phố và đường Tôn Đức Thắng), bên dưới ga Bến Thành, Công viên 23/9 và công viên dọc bờ sông Sài Gòn (đường Tôn Đức Thắng), công trường Mê Linh. Những khu vực này sẽ làm đường bộ, quảng trường ga, bãi đậu xe và trung tâm mua sắm.
Có lẽ đây cũng là điều mong đợi của nhiều người dân, nhất là các du khách nước ngoài khi có dịp đến với TP.HCM. Ông Chris, một du khách người Anh cho biết: "Giao thông rất đông đúc, khá tương đồng với một số quốc gia Đông Nam Á. Ở đây có nhiều xe máy hơn. Tôi nghĩ phương tiện công cộng ngầm là một điều tốt. Đây là cách nhanh chóng để di chuyển vòng quanh thành phố, lại thân thiện hơn với môi trường".
Còn ông Daniel Liénart - một du khách Pháp lần đầu tiên du lịch tại Việt Nam rất thích thú khi đến TP.HCM. Theo ông, cuộc sống ở Thành phố “rất dễ chịu, có nhiều điều để khám phá tại các khu dân cư khác nhau”, tuy nhiên lượng xe cộ dày đặc rất nguy hiểm cho người và phương tiện, vì vậy tàu điện ngầm sẽ mang lại sự cải thiện đáng kể về giao thông cho TP.
"Nhiều người di chuyển bằng xe gắn máy và xe máy sẽ đi tàu điện ngầm, việc đi từ nơi này sang nơi khác sẽ dễ dàng và ít nguy hiểm hơn. Đi làm, mua sắm cũng dễ chịu hơn nhiều và tôi nghĩ rằng tàu điện ngầm sẽ mang lại sự cải thiện đáng kể về mật độ giao thông đô thị cho TP.HCM", ông Daniel Liénart chia sẻ.
Mới đây, Viện Nghiên cứu quy hoạch và phát triển (PDI) đề xuất một quy hoạch tổng thể hệ thống đường sắt đô thị ngầm (metro) dài khoảng 300-500 km tại TP.HCM, tổng kinh phí đầu tư chưa tính nhà ga khoảng 680.000 tỷ đồng. Theo tính toán của PDI, Thành phố cần đầu tư khoảng 45 triệu USD/km đường ống cho hệ thống chạy ngầm dưới lòng đất khu vực nội thành trong Vành đai 3 với các hạng mục như khoan ngầm, gia cố, lắp đặt ống bê-tông, đường ray và công nghệ điện, thông gió…
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Quốc Bảo, từng là giảng viên Đại học Savoir Mont-Blanc (Pháp), đang giảng dạy ngành xây dựng tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng cho biết: Ở những nước phát triển nhiều về kinh tế dưới lòng đất, hệ thống metro tận dụng rất tốt không gian ngầm, khi vừa bước ra khỏi tàu điện ngầm có thể ăn uống, shopping dưới lòng đất.
Theo ông Bảo, với tình hình ngập nước như hiện tại, TP.HCM phải tính toán kỹ khi phát triển hệ thống metro: "Tôi nghĩ TP.HCM trong tương lai khi phát triển hệ thống tàu điện ngầm có thể kết hợp làm kinh tế trong không gian ngầm. TP.HCM cần lưu ý vấn đề ngập, đối với các không gian ngầm cần quan tâm và cực kỳ cẩn thận trong việc thoát nước và chống thấm, đảm bảo điều kiện hoạt động lý tưởng của không gian ngầm".
Trục giao thông ngầm nối đôi bờ sông Sài Gòn
Nhìn rộng ra, trên thế giới đã có rất nhiều mô hình không gian ngầm thành công, từ mạng lưới metro ngầm nổi, cổ điển cả trăm năm ở London, Paris, New York…đến các mạng lưới hiện đại ở Torondo, Montreal… Mô hình thì có nhiều nhưng khi áp dụng vào TP.HCM - một siêu đô thị hơn 10 triệu dân với những đặc trưng riêng thì cần phải cân nhắc.
Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, TP.HCM nên tập trung phát triển mạnh không gian ngầm ở khu trung tâm hiện hữu, cần nhất quán quan điểm là khu lõi trung tâm này chỉ có thể phát triển giao thông công cộng, thu phí cao với phương tiện cá nhân khi đi vào.
Để phát triển không gian ngầm ở TP.HCM, phải làm tốt công tác quy hoạch, đưa ra chính sách để buộc tất cả công trình đô thị trong khu vực phải mở kết nối ngầm. Đây là động lực thu hút nhà đầu tư, giúp Thành phố dễ dàng có được nguồn lực để tiếp tục phát triển không gian ngầm.
KTS Ngô Viết Nam Sơn đặc biệt lưu ý cần nghiên cứu có trục không gian ngầm kết nối khu trung tâm hiện hữu với Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Chỉ có kết nối không gian ngầm hai bờ của sông Sài Gòn mới có thể đảm bảo một hệ thống giao thông đô thị hoàn chỉnh, bền vững trong tương lai. Muốn thế, Thành phố phải tính lại việc phát triển các không gian ngầm ở đường Tôn Đức Thắng, bởi nó có thể làm đứt gãy sự liên kết hai bờ sông Sài Gòn.
Từ những kinh nghiệm qua nhiều năm nghiên cứu về các đô thị trên thế giới cũng như thực tế tại TP.HCM, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, phát triển không gian ngầm, các tuyến metro chắc chắn là định hướng chiến lược của một Thành phố hơn 300 năm tuổi với những công trình mang bản sắc của thế kỷ 21.
"Đây là định hướng rất đúng, mang tính sống còn cho việc phát triển giao thông, kết hợp với phát triển đô thị đa trung tâm. Trong đó không gian ở khu trung tâm Bến Thành kết nối với không gian ngầm ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, sau này cũng là cao nhất ở TP.HCM sẽ là hai không gian ngầm quan trọng của Thành phố, phải kết nối với nhau. Tôi nghĩ nên nhất quán định hướng chiến lược ngay từ bản quy hoạch mà TP.HCM đang làm", KTS Ngô Viết Nam Sơn chia sẻ.
Theo ông Khương Văn Mười, TP.HCM đã có tuyến metro (sắp đưa vào khai thác thương mại) nên phải quy định rõ, các công trình, dự án bắt buộc phải có tầng hầm. Ngoài ra, cần học tập các mô hình thành công trên thế giới về kết nối các đường hầm với nhau để có thêm một lối đi tắt, “chia lửa” với giao thông bên trên, hướng đến xây dựng các đường hầm dẫn trực tiếp ra sân bay, ga xe lửa…: "Ngoài tuyến metro thì các công trình đều có tầng hầm và kế hoạch của chúng ta là đối với công trình đã có tầng hầm thì khuyến khích kết nối các ga metro dưới tầng hầm để mọi người đi vô trung tâm thương mại, khu vực công cộng, nhà hát... nhanh hơn".
TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho rằng, các công trình ngầm nên được triển khai bằng ngân sách. Nếu thiếu vốn có thể kêu gọi nhà đầu tư theo hợp đồng BT (Xây dựng - Chuyển giao) chứ không thể là BOT (Xây dựng - Khai thác - Chuyển giao) do còn có nhiều yếu tố chi phối. TP.HCM cũng cần có những chính sách ưu đãi cụ thể, nhất quán, đảm bảo nhà đầu tư có lời.
"Muốn khai thác không gian ngầm thì Nhà nước phải có chính sách đối với nhà đầu tư nếu như Nhà nước không trực tiếp đầu tư. Cùng với hiệu quả phục vụ đô thị thì hiệu quả cho nhà đầu tư về kinh tế có tính cốt yếu. Đặc biệt không chỉ với một công trình cụ thể mà chính sách cho nhà đầu tư phải có sự đồng bộ chung cho đô thị", TS Võ Kim Cương nêu quan điểm.
Ở góc độ quy hoạch, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP đang phối hợp đơn vị tư vấn nghiên cứu các nội dung về không gian ngầm trong Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Việc phát triển không gian ngầm là nhu cầu cần thiết của Thành phố và cũng có một nội dung mới với các ưu, nhược điểm khác biệt so với không gian trên mặt đất. TP.HCM đang nghiên cứu để tận dụng tối đa không gian ngầm để phục vụ nhu cầu phát triển của Thành phố mà vẫn đảm bảo các yêu cầu về an toàn, bảo tồn các không gian, kiến trúc, cảnh quan chung của đô thị hơn 300 năm tuổi./.
Theo VOV.VN