Để giảm giờ làm việc cho người lao động trong khu vực doanh nghiệp thì cần tạo ra lộ trình phù hợp; đưa điều đó vào trong thỏa ước lao động hoặc luật lao động để tạo ra sự đồng thuận chung, cũng như không ảnh hưởng tới hoạt động đặc thù của các doanh nghiệp.
Từ nhiều năm nay, tăng tiền lương, giảm giờ làm cho người lao động ở khu vực doanh nghiệp nhận được sự quan tâm của nhiều người lao động. Đặc biệt là trước đề xuất, giảm giờ làm việc cho người lao động trong khu vực tư từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần, tiến tới còn 40 giờ/tuần như nhiều nước trong khu vực.
"Tôi làm công nhân, thời gian làm 8 giờ/ngày, 48 tiếng/tuần, tổng thu nhập khoảng 7 triệu đồng/tháng. Là mẹ đơn thân, cuộc sống của hai mẹ con chỉ gói gọn trong số tiền như vậy, rất khó khăn. Để cải thiện thêm thu nhập, tôi phải tăng ca vào cuối tuần, chỉ mong sao công ty có nhiều việc làm để tăng ca, tăng thu nhập. Nếu giảm giờ làm xuống 40 - 44 giờ/tuần thì làm sao mà có điều kiện lo cho con ăn học và trang trải được cuộc sống”?
“Giảm giờ làm việc như vậy liệu có ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động không? Là công nhân, thu nhập của chúng tôi chỉ dao động từ 7-8 triệu đồng/tháng, nếu giảm giờ làm thì thu nhập sẽ ra sao, cuộc sống của chúng tôi liệu có được bảo đảm? Chúng tôi chỉ mong doanh nghiệp có thêm việc làm để tăng ca và thêm thu nhập. Nếu ngược lại, không có việc làm, chúng tôi sẽ phải tìm việc khác để làm thêm như chạy grab, làm shipper hay bán hàng online”.
Đó là những băn khoăn của công nhân mà PV VOV thu thập được tại Khu Công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội). Hầu hết mọi người đều muốn được duy trì làm việc 48 tiếng/tuần và mong muốn tăng ca để tăng thu nhập.
Theo thống kê của tổ chức lao động quốc tế, khảo sát 154 nước chỉ có 2 nước có số giờ làm việc trên 48 giờ/tuần; 1/3 số nước áp dụng là 48 giờ giống Việt Nam và khoảng 2/3 các nước có 48 giờ trở xuống.
Nhiều ý kiến cho rằng, giảm giờ làm việc bình thường cho người lao động trong khu vực tư là việc làm hết sức cần thiết. Bởi Việt Nam áp dụng chế độ làm việc 48 giờ/tuần tức là 6 ngày/tuần từ rất lâu rồi. Ở khu vực công đã giảm xuống chế độ 40 giờ/tuần từ năm 1999.
Mặt khác, thời giờ làm thêm ở nước ta tương đối cao và cũng đã có quy định giờ làm thêm từ 200 - 300 giờ/năm. Như vậy, tổng thời gian làm việc thực tế của người lao động bằng thời gian làm việc tiêu chuẩn cộng giờ làm thêm là tương đối cao so với mặt bằng chung của các nước. Do đó, không có lý do gì khi đất nước phát triển mà người lao động phải làm việc số giờ cao. Đây cũng là xu hướng tiến bộ của đa số các quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến quan ngại, năng suất lao động ở Việt Nam đang còn thấp, thu nhập của người dân cũng chưa cao, vậy có nên giảm giờ làm cho người lao động?
TS. Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính cho hay, việc giảm giờ làm cho người lao động được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm và đang thực hiện, điều này tạo ra những trào lưu mới. Đó là các doanh nghiệp phải nâng cao năng suất lao động và tiếp tục đổi mới quy trình sản xuất kinh doanh cũng như hiệu quả sản xuất để đáp ứng yêu cầu giảm giờ làm nhưng tiền lương cũng như năng suất lao động phải được nâng cao. Điều này buộc người lao động phải hoạt động sáng tạo cao hơn để xứng đáng với đồng lương mà họ được trả.
Theo TS. Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng Phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, việc đề nghị rút ngắn thời gian làm việc của khu vực doanh nghiệp là xu hướng chung của thế giới từ nhiều năm nay. Ở Việt Nam cũng đã có tiền lệ tốt đó là khu vực làm công ăn lương của nhà nước đã giảm xuống theo mức đề nghị của đại biểu Quốc hội.
Để đảm bảo công bằng cho lực lượng lao động ở tất cả các khu vực thuộc thành phần kinh tế thì rõ ràng việc đề nghị rút ngắn thời gian làm việc của các doanh nghiệp xuống như mức đề nghị là cần thiết. Điều này giúp đảm bảo sự bình đẳng lao động giữa các khu vực. Cùng với đó, tăng thời gian để người lao động được nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống thực tế. Đặc biệt, người lao động sẽ có thêm thời gian chăm lo cho gia đình và sức khỏe cá nhân; Việc giảm giờ làm sẽ kích thích sự phát triển các dịch vụ khác của xã hội, đó là chưa kể khi rút ngắn thời gian lao động thì người lao động sẽ làm việc năng suất hơn, chất lượng hơn, trách nhiệm hơn và giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí cũng như duy trì được sản lượng theo nhu cầu.
Vấn đề ở đây là cần tạo ra lộ trình phù hợp và đưa điều đó vào trong thỏa ước lao động hoặc luật lao động để tạo ra sự đồng thuận chung, không làm ảnh hưởng tới hoạt động đặc thù của các doanh nghiệp.
Cũng theo ông Phong, cần có sự điều chỉnh về giờ làm thêm và sự linh hoạt trong phân bổ thời gian lao động của doanh nghiệp, tùy vào hợp đồng, tùy vào đặc điểm của ngành nghề để chắc chắn đảm bảo trong bối cảnh chúng ta đang khó khăn về thị trường tiêu thụ. Điều đó phụ thuộc vào phương án tổ chức sản xuất của doanh nghiệp, doanh nghiệp có hợp đồng thì họ phải cải thiện hợp đồng đó; Cần đưa ra một lộ trình linh hoạt và có những điều chỉnh cần thiết về giờ làm thêm cũng như thu nhập theo giờ thì chắc chắn các mục tiêu sẽ hài hòa hơn.
“Trong bối cảnh trước mắt như hiện nay, đang thiếu hợp đồng và thị trường tiêu thụ thì chưa nên áp dụng ngay vội. Năm 2023 - 2024, việc tìm kiếm hợp đồng sẽ rất khó, do đó nên ưu tiên việc đảm bảo hợp đồng để có thị phần thị trường. Cùng với đó, người lao động cần có những cân nhắc để vừa giảm được giờ làm, tăng năng suất, đồng thời vẫn duy trì được yêu cầu của doanh nghiệp và có thêm thời gian để làm những công việc khác, gia tăng thu nhập. Những điều này phụ thuộc vào từng doanh nghiệp và hoạt động cụ thể, chứ cũng khó có một mặt bằng chung. Đây là xu hướng nhằm đảm bảo công bằng giữa các khu vực lao động, nếu không nhiều người sẽ chuyển sang làm hành chính, không làm cho doanh nghiệp nữa thì sẽ tạo ra tình trạng thiếu hụt lao động giữa các bộ phận”, ông Nguyễn Minh phong bày tỏ./.
Theo VOV.VN