Truyền thống cách mạng qua lịch sử

  • 15/03/2019 04:03:11
  • Khoa Điềm
  • Xã hội
  • 0

44 năm sau giải phóng, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Kon Tum đặc biệt quan tâm đến giáo dục truyền thống cách mạng qua chiến thắng lịch sử.

 

Suốt trong những năm kháng chiến chống Mỹ, tỉnh Kon Tum là chiến trường ác liệt với nhiều trận đánh, địa danh đã đi vào lịch sử. 44 năm sau giải phóng Kon Tum (16/3), Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Kon Tum đang vươn lên mạnh mẽ trong phát triển kinh tế xã hội, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc. Cùng với đó chính quyền và các đoàn thể xã hội địa phương cũng đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục lòng yêu nước và truyền thống cách mạng qua những chiến thắng lịch sử.

Những ngày đầu tháng 3, có rất đông các em học sinh, người dân và du khách đến thăm di tích lịch sử điểm cao 1015 - Sạc ly và 1049 - Delta nằm trong quần thể Khu di tích lịch sử Điểm cao bờ Tây sông Pô Kô, thuộc xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum.

Ông Nguyễn Đức Thành, một cựu chiến binh ở xã Hơ Moong cho biết, từ cuối năm 2017, khi 2 nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ ở hai điểm cao này được xây dựng, lượng người đến thăm ngày càng đông và điều này khiến ông rất xúc động: “Tôi phải nói rằng Đảng và Nhà nước rất chăm lo, quan tâm và đền ơn đáp nghĩa đối với những thế hệ cha anh mình đi trước. Đây cũng là một bài học để cho các cháu thế hệ sau được biết, được ngẫm lại tất cả những gì mà thời cha ông mình đã trải qua để đất nước độc lập, tự do như ngày hôm nay”.

Điểm cao 1015 - Sạc ly và 1049 - Delta nằm trên dãy núi Ngọc Rinh Rua và Ngọc Bờ Biêng chạy dọc từ Đông sang Tây tiếp giáp với nước bạn Lào và Campuchia thuộc địa bàn huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Tại đây chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã cho xây dựng tuyến phòng thủ nhằm ngăn chặn đường tiếp tế của ta từ miền Bắc vào Nam và bảo vệ mạn Tây Bắc thị xã Kon Tum. Điểm cao 1015 - Sạc ly và 1049 - Delta là những mắt xích quan trọng trong tuyến phòng thủ của Mỹ Ngụy.

Chiến dịch Xuân - Hè năm 1972 quân ta quyết tâm làm chủ hai điểm cao, tạo bàn đạp vững chắc để các lực lượng tiến vào giải phóng Đăk Tô - Tân Cảnh. Từ ngày 30/3 đến 21/4/1972 tại hai điểm cao này đã diễn ra những trận đánh ác liệt.

Trung tướng Khuất Duy Tiến, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3 nhớ lại: “Đã có 223 người hy sinh và 107 bị thương khi chúng tôi đánh điểm cao 1015 - Sạc ly này. Chúng tôi tiêu diệt hoàn toàn Tiểu đoàn 11 dù, cả lực lượng tăng viện của nó nữa là khoảng trên 500 quân. Khi truy kích bắt được trên 200 quân và bắt được cả Tiểu đoàn phó và các sĩ quan”.

Các em học sinh xã Hơ Moong nghe cựu chiến binh kể chuyện về điểm cao 1015 và 1049 (ảnh: Khoa Điềm)Để di tích lịch sử điểm cao 1015 - Sạc ly và 1049 - Delta thành một trong những địa chỉ đỏ giáo dục lòng yêu nước và truyền thống cách mạng, tỉnh Kon Tum đã tổ chức nhiều cuộc Hội thảo, điền dã, điều tra, tìm nhân chứng, sưu tầm kỷ vật về chiến thắng này. Mục đích là làm cho lịch sử trở lên sinh động, thuyết phục cuốn hút mọi người, nhất là đối với thế hệ trẻ. Thông qua những hoạt động như vậy, địa phương đã mời được những nhân chứng sống trực tiếp tham gia các trận đánh và lưu lại được nhiều tư liệu quý. Điều này giúp những thế hệ sinh ra, lớn lên trong hòa bình mỗi lần đến thăm di tích thấy được ý nghĩa và càng thêm trân trọng giá trị của cuộc sống hòa bình độc lập hôm nay. Em Quách Thị Lê Vi và Mai Thị Ái Quyên, học sinh lớp 8A, Trường Trung học cơ sở Phan Đình Phùng, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy xúc động: “Hôm nay em rất xúc động khi cùng các bạn được quan quan và thắp hương cho các liệt sĩ khu di tích lịch sử này. Em nghĩ, sẽ cố gắng học hỏi hết mình để noi gương theo các bác”.

44 năm sau ngày giải phóng, những vết thương do bom đạn chiến tranh trên vùng đất lửa kiên cường cũng đã liền sẹo. Cùng với tập trung phát triển kinh tế nâng cao đời sống nhân dân, chính quyền và ngành chức năng tỉnh Kon Tum cũng dành nhiều sự quan tâm để các di tích lịch sử, như điểm cao 1015 - Sạc ly và 1049 - Delta phát huy được giá trị, nhất là trong việc giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng.

Ông Phan Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum, cho biết: “Đối với di tích điểm cao 1015 và 1049, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã tiến hành khảo sát để triển khai các tour, tuyến du lịch nhằm giới thiệu, quảng bá cho du khách đến tham quan. Sở cũng phối hợp với Sở Giáo dục Đào tạo, Tỉnh đoàn triển khai đưa nội dung sự kiện lịch sử vào giảng dạy trong các buổi ngoại khóa cũng như tổ chức cho các em học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên về nguồn dâng hương, tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ”.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, chiến trường Tây Nguyên có 10 chiến dịch lớn thì riêng địa bàn tỉnh Kon Tum là nơi diễn ra 7 chiến dịch, đó là: Chiến dịch Sa Thầy Mùa khô 1966, Chiến dịch Đăk Tô Mùa đông 1967, Mậu Thân 1968, Đăk Tô 2 mùa hè 1969, Đăk Xiêng 1970, chiến dịch tiến công Ngọc Tô Ba - Ngọc Rinh Rua Xuân - Hè 1971 và chiến dịch Bắc Tây Nguyên Xuân - Hè 1972. Những chiến thắng, những địa danh đã đi vào lịch sử luôn được Đảng bộ, chính quyền, quân dân Kon Tum trân trọng, giữ gìn đang giúp thế hệ trẻ địa phương bồi dưỡng lòng yêu nước, tự hào và tự tôn dân tộc.

Khoa Điềm/VOV Tây Nguyên

 

Bình luận

    Chưa có bình luận