Còn nhiều vướng mắc khi thực hiện Chương trình 1719 tại Lào Cai

Sau hơn 2 năm thực hiện ở Lào Cai, Chương trình 1719 còn nhiều vướng mắc, bất cập khi triển khai thực hiện, việc giải ngân chậm.

 

Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (gọi tắt là Chương trình 1719) với mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm thực hiện ở Lào Cai, Chương trình này vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập khi triển khai thực hiện, việc giải ngân còn chậm.

Trong Đề án xây dựng tiêu chí của Ủy ban Dân tộc có tiêu chí lấy tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn đặc thù phải chiếm tỷ lệ từ 15% trở lên, so với tổng số cộng đồng dân cư ở thôn bản để được thụ hưởng đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển kinh tế.

Đồng bào dân tộc Bố Y ở thôn Lao Hầu, xã Thanh Bình, huyện Mường Khương.

Trên thực tế ở Lào Cai, đối tượng được thụ hưởng chính sách này là đồng bào dân tộc thiểu số ít người thường sinh sống phân tán, rải rác, không đạt tỷ lệ 15% theo quy định. Anh Lồ Củi Thàng, người Bố Y là dân tộc ít người, ở thôn Lao Hầu, xã Thanh Bình, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, cho biết: Người dân trong thôn đặc biệt khó khăn, nhưng nằm ở xã khu vực 1 nên không được hỗ trợ chính sách này.

"Cơ bản trước đây thôn của chúng tôi cũng được hỗ trợ nhiều, nhưng từ khi xã chuyền là xã vùng 1 nên nhiều chính sách bị cắt đối với dân tộc ít người. Bà con cũng rất muốn không phân biệt vùng 1,2,3, chính sách hỗ trợ đồng bào ít người thì nên hỗ trợ để đồng bào thoát nghèo, để bà con được hưởng chính sách nhiều hơn không có sự phân biệt".

Mường Khương là một trong ba huyện nghèo ở tỉnh Lào Cai. Khi triển khai Chương trình 1719 việc hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, di chuyển sắp xếp dân cư do thiếu quỹ đất vì chưa rà soát điều chỉnh được quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đất trong khu vực rừng lâm nghiệp nên đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chương trình.

Cùng với đó, theo chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hoá của tỉnh Lào Cai, huyện Mường Khương sẽ chuyển đổi khoảng 2.000 ha đất trồng cây kém hiệm quả sang phát triển các ngành hàng chủ lực: chè, dứa, chuối, quế. Tuy nhiên, trong nội dung hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị quy định các doanh nghiệp hợp tác xã tham gia phải có từ 70% lao động là đồng bào dân tộc thiểu số nên việc được hưởng chính sách hỗ trợ khó khả thi.

Đời sống người dân còn nhiều khó khăn.

Ông Lê Thanh Hoa, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, cho biết: "Mường Khương thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị thông qua đơn vị tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Tiền nhà nước hỗ trợ qua doanh nghiệp, doanh nghiệp bỏ tiền mua giống vật tư trước cấp cho dân sau đó nhà nước nghiệm thu. Doanh nghiệp bỏ tiền ra ứng trước không phải đấu thầu. Theo luật đấu thầu hiện chưa có hướng dẫn có phải đấu thầu hay không".

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi dự kiến tổng số vốn ngân sách Trung ương (giai đoạn 2021-2025) hỗ trợ cho tỉnh Lào Cai gần 4.000 tỷ đồng. Vì nhiều khó khăn, vướng mắc, thiếu các văn bản hướng dẫn từ bộ, ngành, Trung ương, nên năm nay tỉnh Lào Cai mới giải ngân được trên 365 tỷ đồng, đạt 30,8% kế hoạch được giao.

Để giải quyết những khó khăn vướng mắc, tỉnh Lào Cai đang xin ý kiến cơ chế đặc thù để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, chọn huyện Mường Khương là đơn vị thí điểm.

Ông Nguyễn Văn Bảo, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai, cho biết: "Nếu có cơ chế đặc thù để làm thí điểm thì cũng tạo điều kiện cho địa phương sử dụng lồng ghép các nguồn vốn chủ động để thực hiện nhiệm vụ các chương trình mục tiêu quốc gia. Chủ động như thế thì sẽ hiệu quả, có nguồn lực để lựa chọn nội dung với nhu cầu thiết thực, có hiệu quả mà địa phương thấy được để tập trung chương trình vào đó".

Đến thời điểm này, UBND tỉnh Lào Cai đã có văn bản gửi Bộ KH&ĐT tham gia góp ý dự thảo hồ sơ Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Trong khi thời gian để thực hiện các chương trình này chỉ còn 2 năm, khối lượng công việc còn nhiều, nên rất khó đạt được tiến độ giải ngân của chương trình.

Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 1719) là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Để thực hiện hiệu quả chương trình đang sớm cần cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong quá trình thực hiện.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận