Cao tốc Bắc - Nam đang vừa vướng mặt bằng, vừa ngóng vật liệu

Tính đến thời điểm hiện tại, dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đang bị chậm tiến độ khoảng 8 tháng so với kế hoạch đề ra, do nhiều nguyên nhân.

 

Theo Bộ GTVT, tính đến thời điểm hiện tại dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đang bị chậm tiến độ khoảng 8 tháng so với kế hoạch đề ra, do nhiều nguyên nhân như vướng mặt bằng, thiếu cát đắp nền...

Mặt bằng cản tiến độ

Thông tin về dự án đường bộ Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 (2021-20252), Cục Quản lý đầu tư xây dựng thuộc Bộ GTVT, cho biết sau gần 1 năm khởi công, dự án vẫn vướng mặt bằng.

Cụ thể, diện tích mặt bằng các địa phương đã bàn giao là hơn 670km, đạt hơn 93%. Trong đó, các nhà thầu tổ chức thi công được trên phạm vi khoảng gần 646km đạt 89,5%.

Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 vẫn vướng mặt bằng, thiếu cát đắp.

Về sản lượng thi công dự án Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2, Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho hay đến nay đạt gần 15% giá trị các hợp đồng. Trong đó, 6 trong tổng số 12 dự án thành phần đáp ứng kế hoạch gồm các dự án thành phần: Vũng Áng-Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh và Vân Phong-Nha Trang.

Về tái định cư, ngoài 3 khu đã có sẵn, đến nay, mới có 76 khu trong tổng số 147 khu được hoàn thành, gồm: 3 khu thuộc tỉnh Hà Tĩnh (2 khu đoạn Hàm Nghi-Vùng Áng, 1 khu đoạn Vũng Áng-Bùng); 3 khu thuộc tỉnh Quảng Bình (2 khu đoạn Bùng-Vạn Ninh, 1 khu đoạn Vạn Ninh-Cam Lộ);

23 khu thuộc tỉnh Quảng Ngãi (đoạn Quảng Ngãi-Hoài Nhơn), 35 khu thuộc tỉnh Bình Định (11 khu đoạn Quảng Ngãi-Hoài Nhơn, 19 khu đoạn Hoài Nhơn-Quy Nhơn, 5 khu đoạn Quy Nhơn-Chí Thạnh); 4 khu thuộc tỉnh Phú Yên (đoạn Chí Thạnh-Vân Phong); 6 khu thuộc tỉnh Khánh Hòa (đoạn Vân Phong-Nha Trang), 2 khu thuộc tỉnh Hậu Giang (đoạn Cần Thơ-Hậu Giang).

Các nhà thầu cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đang tập trung đào đắp nền đường.

Hiện các địa phương đang lập dự án và triển khai thi công 71 khu trong tổng số 147 khu tái định cư.

Cục Quản lý đầu tư xây dựng đánh giá, việc thực hiện đối với phần khối lượng còn lại vẫn chậm do chủ yếu là đất ở, ảnh hưởng đến đời sống, sinh kế của người dân, cần bố trí tái định cư, trong khi các khu tái định cư chưa hoàn thành. Các công trình hạ tầng kỹ thuật đặc biệt là đường điện cao thế có thủ tục triển khai liên quan đến nhiều cơ quan nên mất nhiều thời gian

Mong sớm “thông” thủ tục để đưa cát về công trường

Về tiến độ cung ứng vật liệu cho dự án, Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, tại hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Cà Mau, tổng nhu cầu cát đắp nền khoảng hơn 18 triệu m3. Đến nay, tỉnh An Giang đã thống nhất bố trí đủ cho dự án 7 triệu m3, đã xác định được nguồn hơn 5,5 triệu m3, gần 1,5 triệu còn lại chưa xác định nguồn.

Với các dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Cà Mau, nhu cầu vật liệu đá khoảng gần 1,4 triệu m3, vật liệu đất đắp khoảng 1,7 triệu m3 và hơn 18 triệu m3 cát đắp.

Tỉnh Đồng Tháp đã thống nhất bố trí đủ cho dự án 7 triệu m3, đã xác định được nguồn 6,7 triệu m3, còn lại 0,3 triệu m3 chưa xác định nguồn. Trong khi đó, tỉnh Vĩnh Long đã xác định được nguồn 1,85 triệu m3, còn lại hơn 3 triệu m3 chưa xác định được nguồn.

Hiện tại, mặc dù đã khai thác, cung ứng cho dự án tại hai mỏ với tổng trữ lượng hơn 2 triệu m3 (Đồng Tháp 1 mỏ 0,55 triệu m3; An Giang 1 mỏ với 1,5 triệu m3) nhưng công suất cung ứng cho dự án chỉ đạt 8.000 m3/ngày, chưa đáp ứng yêu cầu.

Với 10 dự án thành phần đoạn từ tỉnh Hà Tĩnh đến tỉnh Khánh Hòa, các nhà thầu đã trình 13/14 hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác cát với tổng trữ lượng hơn 4 triệu m3, 56/74 hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác đất với tổng trữ lượng hơn 49 triệu m3.

UBND các tỉnh đã xác nhận bản đăng ký khối lượng khai thác 11/13 mỏ cát, 40/56 mỏ đất (tăng thêm 1 mỏ cát, 2 mỏ đất so với thời điểm tháng 9/2023). Đến nay, các nhà thầu mới khai thác được 6 trong 11 mỏ cát với trữ lượng hơn 2,3 triệu m3, đáp ứng 47% nhu cầu và 24 trong 40 mỏ đất với trữ lượng gần 22 triệu m3, đáp ứng 50% nhu cầu.

Đảm bảo hơn 9 triệu m3 cát thi công dự án cao tốc Bắc - Nam khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long.

Đối với dự án Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau, ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư) cho biết: dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau cần khoảng 1,37 triệu m3 đá các loại; 0,8 triệu m3 cát xây dựng, 18,46 triệu m3 cát đắp nền đường, 1,49 triệu m3 đất đắp bao nền đường.

Qua khảo sát, các mỏ cát và đất trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu đáp ứng đủ nhu cầu cho dự án. Riêng về vật liệu cát đắp nền, các tỉnh đã giới thiệu cho dự án 14 mỏ mới và tăng công suất các mỏ đang khai thác với tổng trữ lượng khoảng 16,3 triệu m3. Trong đó đã xong thủ tục 3,6 triệu m3, khai thác đưa về công trường 1,5 triệu m3.

Theo Giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, để hoàn thành dự án trong năm 2026, phải đắp xong gia tải trước ngày 30/10/2024. Tuy nhiên đến nay, dự án chỉ mới đắp được 1,5 triệu m3 cát, khối lượng cát cần huy động còn lại là 17 triệu m3.

Trong khi đó, hiện nay các mỏ hiện hữu khai thác và đưa về dự án được khoảng 8.000m3/ngày. Khối lượng cát được đưa về công trường rất chậm, để tháo gỡ các điểm là đường găng tiến độ.

Các dự án ở Đồng bằng Sông Cửu Long đang thiếu vật liệu nghiêm trọng.

Để đảm bảo nhu cầu vật liệu cát, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận kiến nghị các địa phương tiếp tục quan tâm, xem xét đẩy nhanh các thủ tục phê duyệt, đánh giá tác động môi trường, sớm bàn giao mỏ cho các nhà thầu khai thác.

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đang chậm 8 tháng so với kế hoạch

Sốt ruột vì tiến độ cao tốc Bắc - Nam, nhất là đoạn Cần Thơ - Cà Mau đang bị chậm tiến độ quá nhiều, nguy cơ không kịp về đích đúng tiến độ, mới đây Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã dẫn đầu đoàn của Bộ GTVT vào kiểm tra công trường và có buổi làm việc với các tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp về vật liệu phục vụ cho dự án cao tốc đoạn Cần Thơ - Cà Mau.

Nhấn mạnh nguồn vật liệu cát cung cấp do dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau hiện đang là vấn đề cấp bách, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá: Tính đến thời điểm hiện tại, tiến độ công trình đang chậm khoảng 8 tháng so với kế hoạch.

Thời gian qua, các địa phương đã cam kết phân bổ nguồn cát cho dự án. Ban quản lý dự án Mỹ Thuận cùng với các nhà thầu đã nỗ lực phối hợp hoàn tất các thủ tục khai thác. Thế nhưng đến nay, vật liệu cát vẫn chưa đáp ứng nhu cầu.

Các địa phương khu vực ĐBSCL đang nỗ lực tiếp tục triển khai các thủ tục để khai thác các mỏ vật liệu cho Dự án Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025.

"Đây là công trình trọng điểm quốc gia, phục vụ cho người dân, đề nghị các địa phương tập trung mọi nguồn lực. Với các thủ tục liên quan đến vấn đề cấp phép, những thủ tục nào có thể triển khai thực hiện song song thì hướng dẫn ban quản lý dự án và nhà thầu thực hiện, đảm bảo cung ứng đủ vật liệu cát cho dự án, từ đó đưa dự án hoàn thành đúng kế hoạch", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.

Ghi nhận, đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt từ các địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ nguồn vật liệu cát cho dự án, Bộ trưởng nói: Chưa có dự án nào mà Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ TN&MT, Bộ GTVT tương tác nhiều với địa phương như vậy. Điều mừng nhất là các địa phương đều đã cố gắng cam kết bố trí đủ khối lượng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng nhấn mạnh: Khối lượng, chất lượng và thời gian là những yếu tố rất quan trọng. Từ đây, Bộ trưởng đề nghị các địa phương phấn đấu hoàn thành các thủ tục cấp mỏ ngay trong năm 2023. Theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội, dự án chỉ được phép áp dụng cơ chế đặc thù trong việc thực hiện các thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ vật liệu cho nhà thầu trong năm 2023.

Phía Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương đẩy nhanh tiến độ cấp phép. Đồng thời chủ động rà soát, đề xuất thêm các mỏ mới, cũng như phương án để có thể tăng nguồn cung cấp cát cho dự án.

Dự án đầu tư xây dựng đường bộ Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 (2021 - 2025) dài 729km đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau) gồm các đoạn: Hà Tĩnh-Quảng Trị dài 267km, Quảng Ngãi-Nha Trang dài 353km và Cần Thơ - Cà Mau dài 109 km. Sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 146.990 tỷ đồng.

Dự án được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập, cơ bản hoàn thành vào năm 2025 và đưa vào khai thác vận hành từ năm 2026; trong đó, 12 dự án thành phần được chia thành 25 gói thầu, gói thầu có giá trị lớn nhất là gần 8.000 tỷ đồng.

Theo VOV.VN

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận