Năm nay, Black Friday (Thứ Sáu đen tối) diễn ra vào ngày 24/11/2023. Black Friday diễn ra duy nhất một lần mỗi năm vào ngày thứ Sáu đầu tiên sau Lễ Tạ ơn ở Mỹ. Đây là dịp mua sắm nhộn nhịp nhất trong năm tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Hàng tuần trước Black Friday, các chuỗi cửa hàng trên khắp cả nước, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM..., đã tung ra nhiều chương trình ưu đãi, giảm giá mạnh nhằm thu hút khách hàng. Chương trình ưu đãi được áp dụng với cả hình thức mua hàng trực tiếp và mua hàng trực tuyến (online).
Khuyến cáo đối với người tiêu dùng
Theo thông tin trên trang The Real Deal, Black Friday được coi là tâm điểm của toàn bộ mùa mua sắm với nhiều cơn bão giảm giá. Hầu heetsw mọi thứ đều được giảm giá vào dịp này, từ đồ công nghệ, đồ gia dụng, đến hàng thời trang, mỹ phẩm, quà tặng...
Bắt đầu từ cuối tháng 10, các nhà bán lẻ đã bắt đầu quảng cáo rầm rộ về Black Friday với nhiều đợt giảm giá "khủng" nhằm tạo ra một cuộc chạy đua mua sắm kéo dài. Tuy nhiên, để tránh "sập bẫy" hàng giảm giá, trang The Real Deal đã đưa ra một số khuyến cáo đối với người tiêu dùng.
Mặc dù hầu hết các mặt hàng đều được giảm giá vào dịp Black Friday nhưng có một số sản phẩm khách hàng nên thận trọng tìm hiểu về ưu đãi, hoặc có thể mua vào thời điểm khác trong năm, chẳng hạn như các món hàng thời trang hay nội thất.
Trên thực tế, dịp Black Friday sẽ có rất nhiều ưu đãi về quần áo, nhưng những ưu đãi này thường được áp dụng cho các mặt hàng cụ thể chứ không phải trên toàn bộ sản phẩm, nên dù treo biển giảm giá "sốc" tới 70-80% nhưng là "upto" (lên đến), chứ không phải áp dụng cho tất cả các mặt hàng.
Bất kể mức độ giảm giá mạnh như thế nào, người tiêu dùng cũng không nên vội vàng mua quần áo. Và hãy nhớ rằng, nếu bạn muốn mua quần áo mùa đông, hãy đợi đến tháng Giêng khi các nhà bán lẻ giảm bớt các kệ hàng cho mùa xuân và đưa ra những ưu đãi "xả kho", khi đó giá sẽ tốt hơn dịp Black Friday.
"Góc khuất" của Black Friday
Chia sẻ trên báo Dân Việt, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, Black Friday mới du nhập vào Việt Nam khoảng 10 năm nay nhằm tăng doanh thu cho các doanh nghiệp bán lẻ trong thời điểm sức mua khó khăn.
"Black Friday xuất hiện và tạo thành thói quen cho người tiêu dùng như Giáng sinh hay Tết Nguyên đán… rất đáng chờ đợi, nếu phục vụ tốt, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi", ông Phú nói.
Black Friday sẽ thực sự có ý nghĩa, người tiêu dùng được hưởng lợi khi sau mỗi chiến dịch này, có những thống kê rõ ràng bằng định lượng doanh thu, người dùng tiết kiệm được bao nhiêu chứ không đơn thuần là định tính.
Chuyên gia Vũ Vinh Phú cho biết, trước đây các chiến dịch như Black Friday đều được triển khai bài bản, mỗi lần tổng kết có những con số cụ thể để qua đó thấy được người dùng giảm giá được bao nhiêu, quà tặng gì. Tuy nhiên, hiện nay Black Friday đều là những con số chung chung được đưa ra.
"Cơ bản là tốt, doanh số ghi nhận tăng trưởng cao, nhưng phản ánh khách hàng về chất lượng dịch vụ đều không được đưa ra rút kinh nghiệm", ông Phú chia sẻ góc khuất của Black Friday.
Ông Phú cũng lo ngại về Black Friday “biến tướng" trở thành chiêu trò khi một bộ phận doanh nghiệp nâng giá rồi ghi giảm giá 50-70%, nhưng thực tế người tiêu dùng không nhận được mức giảm thực sự, thậm chí đắt hơn.
Để Black Friday thực sự là một ngày mua sắm văn minh và tạo thành thói quen với người dùng, doanh nghiệp cần tổ chức bài bản, đón tiếp lịch sự tránh tình trạng chen lấn. Đồng thời, cần có sơ kết đánh giá hiệu quả của Black Friday và công bố số liệu cụ thể, chuyên gia Vũ Vinh Phú khuyến nghị.
Trần Ngọc/VOV.VN (tổng hợp)