Sự quan tâm và coi trọng một ngành nghề, một công việc “đặc biệt" thể hiện sự tôn trọng và cả sự kỳ vọng. Nghề giáo là nghề đòi hỏi cao và chịu nhiều áp lực. Càng được tôn vinh lại càng áp lực...
Từ xưa tới nay tình thầy trò luôn được coi trọng đặc biệt. Tại sao tình thầy trò lại là thứ tình cảm thiêng liêng và cao quý?
Trong mỗi người chúng ta chắc hẳn ai cũng có dấu ấn về những năm tháng học trò và thầy cô là một phần ký ức, là nỗi nhớ niềm thương trong tâm hồn học trò. Hình ảnh thầy cô, kỷ niệm về thầy cô dù là vui hay buồn đều khiến cho lòng ta rưng rưng cảm động, dù cho thời gian gắn bó với mỗi thầy cô ngắn hay dài. Bởi vì, người thầy, người cô đó đã để lại cho chúng ta những ấn tượng quá mạnh mẽ, hiểu điểm yếu điểm mạnh của ta, khai mở cho ta một hướng đi phù hợp. Hướng đi ấy có thể thành công, có thể chưa thành công nhưng nhờ đó mà ta hiểu được chính mình, biết mình phải làm gì khi vấp ngã…
Nghề giáo được coi là nghề cao quý bởi lẽ đây là nghề chăm lo, giáo dục, dạy dỗ, khơi gợi tiềm năng, phát triển con người - công việc được coi là khó nhất và cao quý nhất. Mà muốn dạy học trò nên người, nhà giáo cần phải tu dưỡng đạo đức, giữ gìn nhân cách, cân nhắc ứng xử, thái độ phải đủ làm gương cho học trò. Muốn dạy được người, nhà giáo phải hết mực yêu thương, quý trọng, nâng niu con người, phải thấu hiểu con người, cảm thông chia sẻ sâu sắc với học trò, phải có lòng vị tha và bao dung hết mực.
Có rất nhiều những câu chuyện cảm động về tình thầy trò, đó là việc thầy cô dù hoàn cảnh khó khăn nhưng sẵn lòng bao bọc học trò, có những thầy cô hy sinh cả tính mạng vì học trò, những người thầy nhường cơm, sẻ áo cho học trò… Họ làm những việc ấy như một sứ mệnh tự nhiên không tính đến việc nhận lại sự cảm ơn, báo đáp… như vai trò của người chở đò, họ kiên trì nhẫn nại chèo chống những chuyến đò sang sông.
Bên cạnh đó là những câu chuyện học trò đón thầy về nhà chăm sóc lúc tuổi cao bệnh trọng, học trò thành đạt tặng cả căn nhà cho cô giáo cũ hay thay nhau chăm sóc cô giáo đi điều trị bệnh nan y... Còn với những học trò chưa mấy thành đạt, có thể chưa có điều kiện sẻ chia vật chất với thầy cô giáo cũ nhưng sự cảm thông và lòng biết ơn thầy cô vẫn là nỗi niềm thường trực trong tim…
Câu chuyện về tình thầy trò trong quá khứ và hiện tại là điều rất khó so sánh. Bởi tình cảm thầy trò bao hàm sự kính trọng và biết ơn nhưng sự thể hiện mỗi thời mỗi khác. Lúc cả xã hội khó khăn về vật chất, tình cảm thầy trò là sự sẻ chia vật chất để cùng nhau vượt khó học tập, phát triển. Ở thời hiện tại khi vật chất không còn là gánh nặng thì tình cảm thầy trò lại có màu sắc tươi mới, sự bình đẳng khiến cho mối quan hệ thầy trò trở nên cởi mở hơn, đa sắc hơn. Nhưng ở thời điểm nào thì tình cảm thầy trò vẫn là điều cả thầy và trò lẫn xã hội đều nâng niu và trân trọng.
Tri thức và nhân cách của người thầy có ảnh hưởng vô cùng lớn đối với học trò vì vậy cho dù ở xã hội nào người thầy luôn có vị thế, vai trò vô cùng quan trọng. Cũng chính vì vậy, những yêu cầu đặt ra đối với người làm thầy dù xưa hay nay đều bao hàm cả tài và đức. Phải giỏi mới dạy được người khác, phải gương mẫu mới khiến người khác cảm phục. Ngày nay, người thầy không chỉ có trách nhiệm truyền thụ kiến thức mà còn phải có khả năng phát hiện năng lực của học trò và có những phương pháp phù hợp để khơi gợi, trau dồi, phát triển những năng lực ấy. Mối quan hệ thầy trò quyết định rất lớn tới kết quả của việc dạy và học. Học trò kính trọng, nể phục, thần tượng người thầy sẽ đam mê và quyết tâm học tập và cống hiến.
Và vai trò, vị thế người thầy cũng cần được đặt trong những bối cảnh mới, những sức ép và những thách thức mới trong xu thế phát triển của tất cả các lĩnh vực văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị, khoa học công nghệ… Nhưng phải khẳng định, dù khoa học công nghệ có phát triển đến đâu cũng không thay thế được người thầy.
Sự quan tâm và coi trọng một ngành nghề, một công việc “đặc biệt" thể hiện sự tôn trọng và cả sự kỳ vọng. Nghề giáo là nghề đòi hỏi cao và chịu nhiều áp lực. Càng được tôn vinh lại càng áp lực. Khi xã hội, phụ huynh, học sinh đặt nhiều kỳ vọng ở người thầy thì với bản thân họ vừa là vinh dự vừa là sức ép... Xã hội phát triển, thông tin đa dạng, sự nuông chiều con của gia đình cũng làm cho việc “dạy chữ - dạy người" của các thầy cô trở nên khó khăn vất vả hơn.
Mặt khác, cơ chế thị trường cũng khiến cho không ít phụ huynh có cách nhìn nhận chưa đúng về giáo dục, về nhà trường và về thầy cô, điều này làm cho mối quan hệ thầy trò bị ảnh hưởng không nhỏ.
Tuy nhiên, không vì thế mà sự thiêng liêng cao quý của tình thầy trò bị mất đi. Tình cảm thầy trò được ví như một ngọn lửa ấm áp bùng cháy giữa những ngày đông giá rét. Và ánh sáng từ ngọn lửa ấm áp ấy có khi rọi về từ quá khứ, có khi lại lấp lánh trong buổi đương thời. Dù cũ hay mới thì đó vẫn là thứ tình cảm vô cùng trong sáng và rất đỗi thiêng liêng.
Thu Lương/VOV2