Lợi, hại của việc bỏ thu phí bảo trì
Mới đây, Sở Xây dựng TP.HCM kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét không thu 2% phí bảo trì chung cư ngay khi nhận nhà như hiện nay mà thay đổi thời điểm, cách thức thu khoản phí này cho phù hợp. Điều này có ảnh hưởng như thế nào đến quyền lợi, trách nhiệm của chủ đầu tư và các cư dân sống tại nhà chung cư.
Lý giải về đề xuất này, trả lời báo chí, ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng Quản lý nhà và công sở, Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng hiện nay còn rất nhiều bất cập trong việc quản lý, sử dụng quỹ bảo trì chung cư.
Theo thống kê, hiện trên cả nước có 108 dự án chung cư hiện đang xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân, có tới 36% chủ đầu tư không bàn giao, chậm bàn giao kinh phí bảo trì; 4% chủ đầu tư chiếm dụng phí bảo trì…
Trong khi đó, phí bảo trì bắt đầu được sử dụng khi chung cư hết thời hạn bảo hành nên theo ông Hải, phí bảo trì không nhất thiết phải thu ngay từ đầu có thể làm giảm bớt những tranh chấp không đáng có giữa chủ đầu tư.
Ghi nhận ý kiến của một số người dân xung quanh đề xuất này, nhiều ý kiến cho rằng, việc không thu 2% phí bảo trì có thể giúp giảm bớt gánh nặng chi phí cho nhiều hộ gia đình, song không ít ý kiến còn băn khoăn. Một cư dân cho rằng:“Chủ đầu tư thu ngay luôn 1 cục thì người ta có trách nhiệm duy tu khang trang sạch sẽ cho chung cư mình. Nếu sau này mới đóng, một số người dân chây ỳ, sẽ làm cho chung cư xuống cấp, bẩn vì không thu được tiền đó”.
Ở phía chủ đầu tư, ông Nguyễn Công Hiệp - Chủ tịch Công ty GP Invest, Phó chủ tịch Hiệp hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, đề xuất không thu 2% phí bảo trì ngay khi người dân nhận nhà không gây ảnh hưởng nhiều đến chủ đầu tư. Thậm chí, còn mang lại thuận lợi cho doanh nghiệp này vì làm cho giá bán nhà giảm đi 2%. Ông Hiệp nêu:“Với góc độ của chủ đầu tư, thì việc không thu 2% phí bảo trì không ảnh hưởng gì nhiều, chủ đầu tư vẫn có trách nhiệm thành lập Hội nghị chung cư, bầu ra ban quản trị và bàn giao công tác quản trị tòa nhà cho Ban quản trị. Chỉ khó cho Ban quản trị sau này cần tu chỉnh tòa nhà của mình thì lấy tiền đâu mà làm”.
Bà Phạm Thị Thu Hương - Giám đốc Công ty CP quản lý Nhà GP Housing cho biết, hiện nay, việc thu phí dịch vụ hàng tháng đối với các dân cư sống tại các tòa nhà chung cư cũng không đơn giản, khi một bộ phận dân cư còn thiếu ý thức trách nhiệm, không chịu nộp. Bởi vậy, nếu thu phí bảo trì theo tháng với số tiền không nhỏ, thì việc đảm bảo quỹ bảo trì dự phòng sẽ gặp khó khăn. “Ví dụ, quản lý vận hành sau 2 năm thì phải bảo trì thang máy hay bảo trì các thiết bị, thì việc để ban quản trị có thể giải trình, thuyết phục người dân nộp là một việc khó khăn” - bà Hương cho biết.
Ông Nguyễn Minh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý tòa nhà Việt Building cho rằng, đề xuất mới đây của Sở Xây dựng TP.HCM mang lại nhiều lợi ích cho người dân khi mua chung cư. Tuy nhiên, nếu người dân liên tục chuyển đổi chung cư, thì việc thu phí bảo trì sẽ gặp khó khăn.
Cần giám sát trách nhiệm của chủ đầu tư
KTS Hoàng Anh - Giảng viên Khoa kiến trúc cảnh quan, trường ĐH Xây dựng cho rằng, hiện nay các chính sách đang hướng về chủ đầu tư, chứ chưa xuất phát từ lợi ích của người sử dụng. Trong Luật và Hợp đồng mua bán, các chủ đầu tư đa phần đều không có cam kết về chất lượng cũng như quá trình bảo trì, bảo hành tòa nhà nên việc thu 2% phí bảo trì của tất cả các căn hộ chung cư là chưa hợp lý.
KTS Hoàng Anh đề xuất, để quản lý, bảo trì tốt những nhà chung cư hiện nay, cần có sự tham gia của Nhà nước, chủ đầu tư và cư dân, trong đó, Nhà nước, chính quyền địa phương có thể trực tiếp đứng ra để giữ và quản lý một phần quỹ bảo trì, song điều quan trọng là các chủ đầu tư phải cam kết về chất lượng công trình nhà ở. “Xây dựng chế tài về giá thành, chủ đầu tư cứ cộng gộp phí bảo trì vào trong giá thành, nếu người mua nhà thấy hợp lý thì mua. Thứ hai là cam kết của chủ đầu tư về chất lượng, phần cứng, nước sơn… nếu chủ đầu tư không thực hiện thì có chế tài” - KTS Hoàng Anh đề xuất.
Một số ý kiến cho rằng, cần có thêm những quy định về thời gian thu phí bảo trì, hoặc có thể tách ra làm nhiều đợt khác nhau nhưng phải có chế tài để xử lý nghiêm đối với những người vi phạm về thu nộp và bảo trì chung cư. Song song với đó cần có những quy định chặt chẽ để giám sát chủ đầu tư, và Ban quản trị trong việc quản lý và sử dụng quỹ bảo trì.
Thu phí bảo trì chung cư là cần thiết để bảo trì, duy tu khi công trình hư hỏng, xuống cấp, nhưng việc thu và quản lý quỹ bảo trì như thế nào tránh xảy ra tình trạng tranh chấp, chiếm dụng là điều cần bàn tới.
Theo vovgiaothong.vn