Chiều 9/11, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) tổ chức buổi gặp mặt cung cấp thông tin báo chí nhân Tháng Hành động quốc gia, phòng chống HIV/AIDS năm 2023 (10/11 - 10/12/2023) và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS 1/12.
Ths. Bùi Hoàng Đức, Phó trưởng phòng Phòng Giám sát và Xét nghiệm, Cục Phòng chống HIV/AIDS cho hay, tính đến tháng 9/2023, ước tính cả nước ta có 249.000 người nhiễm HIV. Số tử vong do HIV/AIDS tích luỹ tính đến nay là 113.689 người, trong đó số tử vong báo cáo trong 9 tháng năm 2023 là 1.126 người.
Mặc dù từ năm 2007 đến nay số ca nhiễm HIV mới có xu hướng giảm, tuy nhiên trong 9 tháng năm 2023, số ca phát hiện mới ghi nhận có trên 10.000 người.
“Số phát hiện HIV mới năm nay tập trung ở các tỉnh phía Nam, trong đó ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và TP.HCM chiếm 60%. Trong mấy năm gần đây, những tỉnh được ghi nhận là bình yên và ít được nhắc đến trên bản đồ dịch tễ học về HIV/AIDS thì Bình Liêu lại ghi nhận những ca mắc mới tăng từ 2020-2022. Và tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long cũng như vậy. Một trong những điểm đáng lo ngại nữa là hiện nay tỷ lệ nam giới trong số người nhiễm HIV gia tăng và trẻ hóa. Cụ thể, nam giới chiếm đến 80% tổng số mắc mới từ năm 2020 đến hiện tại. Và người nhiễm HIV ở nhóm tuổi 16-29 tăng từ 37,2% năm 2019 lên gần 50% năm 2022. Trong 9 tháng đầu năm ghi nhận 47,3% người nhiễm ở độ tuổi này.
Chúng tôi thấy đường lây truyền HIV đã có sự thay đổi. Nếu như trước đây ghi nhận lây truyền chủ yếu qua đường tiêm chích ma túy, thì hiện nay đường lây truyền qua quan hệ tình dục là chủ yếu. Đặc biệt, ở nhóm MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới) có xu hướng tăng rõ rệt và trẻ hóa. Cụ thể, năm 2011 ghi nhận tỷ lệ này là 4% ở một vài tỉnh trọng điểm, thì hiện tại đã ghi nhận tăng lên trên 10% liên tục từ năm 2017 đến nay”, ông Bùi Hoàng Đức nhấn mạnh.
Mặc dù nhóm chuyển giới nữ trước đây ghi nhận rất ít, chưa là nhóm đưa vào hệ thống giám sát dịch thường xuyên trong chương trình phòng chống quốc gia, nhưng vài năm nay, số ca nhiễm HIV ở nhóm này đã gia tăng. Theo số liệu nghiên cứu năm 2022, tại Hà Nội ghi nhận 5,8% ca HIV trong nhóm này; Năm 2014, TP Hồ Chí Minh ghi nhận 6,8% thì năm 2020 là 16,5% ca nhiễm HIV.
Hiện nay, tình hình dịch tễ ở nước ta có sự thay đổi đáng kể, nguy cơ gia tăng tỷ lệ nhiễm HIV qua đường quan hệ tình dục. Đặc biệt là hình vi nguy cơ của nhóm nguy cơ cao ngày càng phức tạp như sử dụng ma túy tổng hợp, sử dụng chemsex (sử dụng chất khi quan hệ tình dục), quan hệ tình dục tập thể… Cục Phòng chống HIV/AIDS đang tập trung theo dõi 3 nhóm nguy cơ cao (nghiện chích ma túy, mại dâm và MSM) . Bên cạnh đó, kỳ thị, phân biệt đối xử cũng là vấn đề ưu tiên trong việc truyền thông hiện nay. Đây cũng là rào cản khiến người nhiễm HIV chưa được tiếp cận y tế để chăm sóc và điều trị. PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) nhấn mạnh: “Nhân tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023 và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS chúng tôi kêu gọi sự tham gia của các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách, những người cung cấp dịch vụ, tư vấn HIV... và toàn thể cộng đồng chung tay vào công tác phòng chống HIV/AIDS để chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030”./.
H.Giang