Xây dựng các trạm cấp nước ngầm, tiêu chuẩn ra sao?

  • 09/11/2023 12:20:19
  • VOV-Giao thông
  • Xã hội
  • 0

Nhiều người dân băn khoăn về quy trình cấp phép các trạm cấp nước ngầm đang được thực hiện như thế nào, công tác kiểm tra, giám sát chất lượng ra sao...

 

Sau sự cố nước sinh hoạt bị nhiễm bẩn ở Khu đô thị Thanh Hà, Hà Nội, nhiều người dân băn khoăn về quy trình cấp phép các trạm cấp nước ngầm đang được thực hiện như thế nào, công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nước sinh hoạt tại các khu đô thị, khu chung cư ra sao?

PV/VOV-Giao thông đã có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Việt Anh, Trưởng Bộ môn Cấp Thoát nước, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật môi trường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội xung quanh nội dung này.

GS.TS Nguyễn Việt Anh, Trưởng Bộ môn Cấp Thoát nước, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật môi trường (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội).

PV: Thưa ông, hiện nay pháp luật có những quy định và tiêu chuẩn như thế nào về vị trí xây dựng các trạm cấp nước ngầm?

GS.TS Nguyễn Việt Anh: Các trạm cấp nước là một trong những công trình hạ tầng kỹ thuật quan trọng để cấp nước sinh hoạt cho các khu dân cư ở vùng đô thị, nông thôn hoặc cấp nước cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vì thế, phải đáp ứng các quy định: vị trí phải phù hợp với quy hoạch về xây dựng, quy hoạch chuyên ngành cấp nước.

Bên cạnh đó, theo quy định của Luật Tài nguyên nước, để khai thác nước ngầm, địa điểm khai thác phải phù hợp với quy hoạch về tài nguyên nước khu vực đó. Người muốn khai thác tài nguyên nước dưới đất phải xây dựng Đề án, đi kèm với phương án thiết kế công trình phù hợp, và đặc biệt, phải xin Giấy phép khai thác nước dưới đất nếu công suất khai thác trên 10 mét khối/ ngày. Giấy phép có thời hạn là 3 đến 10 năm, và sau đó phải gia hạn.

Nếu khu vực khai thác nằm trong vùng hạn chế khai thác nước ngầm do chính quyền tỉnh, thành phố công bố, thì không được khai thác nước.

Trong quy hoạch xây dựng cũng đã có những quy định cụ thể về vùng bảo vệ vệ sinh từ các công trình khai thác nước dưới đất tới các công trình xây dựng khác hay các nguồn gây ô nhiễm.

PV: Thưa ông, hiện nay pháp luật đang có những quy định như thế nào về giám sát hoạt động đơn vị sản xuất và cung cấp nước sinh hoạt?

GS.TS Nguyễn Việt Anh: Về vấn đề giám sát chất lượng nước, hiện Nhà nước đã ban hành các quy định về kế hoạch cấp nước an toàn và yêu cầu đối với các hệ thống cấp nước cho các khu dân cư tập trung phải tuân thủ. Cấp nước đô thị phải thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn theo Thông tư 08 ban hành năm 2012 của Bộ Xây dựng, còn các điểm cấp nước nông thôn tập trung thì phải thực hiện theo Thông tư 23 năm 2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Bản chất của việc thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn là phải đánh giá toàn bộ hệ thống cấp nước, từ nguồn cho tới vòi nước của người sử dụng, xem có chứa đựng những rủi ro, nguy cơ bị ô nhiễm ở khu vực nào, nước cấp có đảm bảo đủ lưu lượng, áp lực, có được cấp liên tục hay không...

Trên cơ sở những điểm rủi ro đó, người ta sẽ đưa ra một kế hoạch cụ thể loại bỏ hay giảm thiểu rủi ro, hoặc khi rủi ro xảy ra thì phải ứng cứu như thế nào. Kế hoạch cấp nước an toàn được thực hiện bài bản, trên thế giới và ở Việt Nam đã cho thấy những lợi ích thiết thực của nó.

Hiện nay, chi phí để thực hiện cấp nước an toàn đã được tính vào giá nước, theo Thông tư 44 năm 2021 của Bộ Tài chính. Trong khung giá nước được xây dựng, có thành phần là các chi phí để thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn.

PV: Đối với việc kiểm soát chất lượng nước sinh hoạt đang thực hiện theo những quy chuẩn, Tiêu chuẩn nào thưa ông?

GS.TS Nguyễn Việt Anh: Về giám sát chất lượng nước, hiện nay các hệ thống cấp nước cho sinh hoạt, cho các khu dân cư thì chúng ta áp dụng theo Quy chuẩn 01-1:2018 của Bộ Y tế. Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 41 năm 2018 và sau đó lại có Thông tư 26 năm 2021 quy định cả về chất lượng nước và vấn đề về trách nhiệm giám sát chất lượng nước. Các cơ sở sản xuất và kinh doanh nước sẽ phải thực hiện nội kiểm, tức là tự mình lấy mẫu phân tích. Nếu phòng thí nghiệm của đơn vị cấp nước không đủ năng lực thì phải thuê đơn vị ngoài nhưng phải định kỳ lấy mẫu và phân tích để xem chất lượng nước của mình đang ở trạng thái như thế nào và đưa ra các giải pháp phù hợp.

Trạm cấp nước ngầm Thanh Hà dừng hoạt động từ ngày 14/10, sau khi cư dân phản ánh nước sinh hoạt ô nhiễm, khiến một số trẻ em bị mẩn ngứa. (Ảnh: Báo Giao thông)Quy chuẩn về chất lượng nước 01-1: 2018 của Bộ Y tế chia các chỉ tiêu chất lượng nước thành 2 nhóm: nhóm A và nhóm B. Các đơn vị cấp nước sẽ thực hiện xét nghiệm các chỉ tiêu nhóm A ít nhất là mỗi tháng/ lần, tần suất xét nghiệm các chỉ tiêu nhóm B là 6 tháng/lần và cứ 3 năm/ lần sẽ xét nghiệm toàn bộ 99 thông số.

Về ngoại kiểm, các cơ quan y tế, Trung tâm y tế huyện hoặc Trung tâm kiểm soát dịch bệnh của tỉnh, thành phố phải thực hiện ngoại kiểm. Nếu công suất dưới 1.000 mét khối/ ngày, Trung tâm y tế huyện sẽ phải thực hiện việc giám sát. Nếu không có năng lực, phải phối hợp với các trung tâm y tế tỉnh, thành phố hay các đơn vị có chức năng để thực hiện. Nếu công suất trên 1.000 mét khối /ngày trở lên, Trung tâm y tế tỉnh sẽ phải thực hiện ngoại kiểm mỗi năm 1 lần. Trừ những trường hợp đột xuất hay có phản ánh, có sự cố xảy ra thì sẽ phải ngay lập tức là triển khai việc lấy mẫu và giám sát, đánh giá

Người ta còn quy định rất rõ, việc quan trắc lấy mẫu và đánh giá chất lượng nước thì phải thực hiện tại đâu. Ví dụ, lấy tối thiểu một mẫu trong bể chứa nước sau xử lý, một mẫu ở phía cuối mạng lưới tại vòi của người sử dụng và một điểm ngẫu nhiên. Còn các chung cư, bệnh viện, trường học... tối thiểu phải lấy 2 mẫu, 1 mẫu ở bể chứa nước sau xử lý và 1 mẫu tại vòi người sử dụng.

Tôi cho rằng, những quy định tiêu chuẩn về chất lượng nước và quy định về  giám sát chất lượng nước đã có đầy đủ. Vấn đề là các đơn vị thực hiện ra sao, phải kiểm tra lại, xem đã tuân thủ đúng chưa và các đơn vị có thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn hay không?

PV: Vâng, Xin cảm ơn ông!

Hải Hà/VOV- Giao thông

 

Bình luận

    Chưa có bình luận