Tháo 'điểm nghẽn' cơ chế, chính sách đặc thù làm công trình giao thông

Việc chọn các dự án thí điểm áp dụng các chính sách đặc thù phải được đánh giá kỹ lưỡng, không để xảy ra tình trạng lợi dụng, trục lợi chính sách.

 

Việc chọn các dự án thí điểm áp dụng các chính sách đặc thù phải được đánh giá kỹ lưỡng những hiệu quả, lợi ích đạt được và những hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai, không để xảy ra tình trạng lợi dụng, trục lợi chính sách, gây thất thoát, lãng phí nguồn vốn đầu tư.

Ngay sau khi triển khai các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đã nảy sinh nhiều bất cập: công tác giải phóng mặt bằng còn chậm, quy trình thủ tục cấp mỏ nguyên vật liệu quá rườm rà, giá nguyên vật liệu tăng cao…khiến một số dự án lụt sâu về tiến độ.

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu mới thông xe.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, để tháo gỡ, Chính phủ đã ra 2 Nghị quyết 113 và Nghị quyết số 60 về áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

Cùng với đó là 3 cơ chế trong việc chỉ định thầu; giao chủ đầu tư được khai thác các mỏ khoáng sản; phân cấp, phân quyền, bố trí nguồn vốn cho UBND cấp tỉnh thực hiện dự án...

“Như thế cũng đã tháo gỡ khó khăn bước đầu trong quá trình triển khai, nhất là về thủ tục. Cơ chế chỉ định thầu đã rút ngắn được thời gian nhưng vẫn đảm bảo được tiến độ, chất lượng và cả những quy định là rất quý…”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói.

Để tháo gỡ nút thắt trong đầu tư, tạo đột phá trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, vì vậy rất cần cơ chế, chính sách đặc thù nhằm vừa huy động được các nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Đến thời điểm hiện tại, đã có 8 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020 được hoàn thành, đưa vào khai thác.

Việc Chính phủ trình Quốc hội Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ tại kỳ họp này rất cần thiết và là chủ trương đúng đắn để tiếp tục hoàn thiện các luật liên quan, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống.

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, việc cung cấp nguyên vật liệu từ các mỏ khoáng sản chưa đáp ứng nhu cầu do nhiều dự án được triển khai cùng một thời điểm, hồ sơ cấp phép mỏ khoáng sản bị chậm trễ. Mặt khác, các dự án cao tốc Bắc-Nam đầu tư theo hình thức PPP rất ít, chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia vì còn vướng cơ chế, chính sách.

Ông Phạm Văn Khôi - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành nhìn nhận, mặc dù các tỉnh nỗ lực tạo điều kiện cho chủ đầu tư có nguồn vật liệu thi công cao tốc Bắc-Nam, nhưng do các thủ tục không làm nhanh được nên vẫn chậm, cản trở tiến độ của các dự án giai đoạn 2.

Còn PGS.TS Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam thừa nhận, các doanh nghiệp, doanh nhân rất khát vọng huy động nguồn vốn của mình để tham gia các dự án PPP vì vậy Đảng và Nhà nước cần nghiên cứu, xem xét về chính sách, thể chế, phải có sự điều chỉnh kịp thời.

Cần có cơ chế đặc thù để không phải xem xét từng dự án để khi có công trình giao thông chúng ta có thể áp dụng chung cơ chế đó để đảm bảo nhanh hơn.

“Làm tốt các nguyên tắc trên sẽ giúp Nghị quyết, sau khi được thông qua, sớm đi vào cuộc sống, trực tiếp góp phần tháo gỡ nút thắt trong đầu tư, tạo đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng, thúc đẩy giải ngân, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước”, ông Chủng nói.

Từ vướng mắc này, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ gồm 10 điều, quy định rõ các cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng chung cho các dự án giao thông đường bộ nhằm đảm bảo triển khai nhanh chóng, hiệu quả hơn.

Ông Hoàng Văn Cường-Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội phân tích, những dự án đầu tư lớn hiện nay, đặc biệt các công trình giao thông đang vướng mắc bởi rất nhiều yếu tố quy định của pháp luật mà không phù hợp với các lĩnh vực đầu tư chung đó.

“Chính vì vậy cần có cơ chế đặc thù để không phải xem xét từng dự án để khi có công trình giao thông chúng ta có thể áp dụng chung cơ chế đó để đảm bảo nhanh hơn”, ông Cường phân tích.

Cần có những cơ chế đặc thù để đến năm 2030, cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc như Nghị quyết nêu ra.

Với 5 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù được đề cập trong Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ do Chính phủ đề xuất trước Quốc hội được kỳ vọng sẽ tháo tung “điểm nghẽn về cơ chế”, thể chế hóa chủ trương về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong việc huy động nguồn lực, tổ chức thực hiện cho các địa phương.

Các nhóm cơ chế, chính sách đặc thù trên còn góp phần đảm bảo tính khả thi và thuận lợi trong việc thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước theo phương thức PPP với phương châm lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội…

Các nhà đầu tư tư nhân và chính quyền nhiều địa phương kỳ vọng rất lớn vào việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ vào cuối Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV.

Dù đang ở dạng dự thảo, nhưng nếu sớm được xem xét, thông qua, nghị quyết này sẽ góp phần quan trọng, thúc đẩy hơn nữa quá trình hiện đại hoá hệ thống giao thông đường bộ, với ưu tiên hàng đầu là đến năm 2030, cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận