Sau 3 tháng phát động, cuộc thi viết “Tiết kiệm điện thành thói quen” do Tổng công ty Điện lực TP.Hồ Chí Minh (EVNHCMC) phối hợp với báo Thanh niên tổ chức đã nhận được hơn 500 bài viết. Trong đó, có 60 bài hay nhất được đưa vào vòng chung khảo.
Sau 3 tháng phát động, cuộc thi viết “Tiết kiệm điện thành thói quen” do Tổng công ty Điện lực TP.Hồ Chí Minh (EVNHCMC) phối hợp với báo Thanh niên tổ chức đã nhận được hơn 500 bài viết. Trong đó, có 60 bài hay nhất được đưa vào vòng chung khảo. Ban tổ chức đã chọn ra 126 bài chất lượng cao để in báo giấy và báo điện tử; 100 bài xuất bản thành sách, sau đó lấy 60 bài hay nhất đưa vào chung khảo. Thông qua cuộc thi viết “Tiết kiệm điện thành thói quen”, Báo Thanh Niên và Tổng công ty Điện lực TPHCM mong muốn tập hợp được nhiều câu chuyện hay, việc làm hiệu quả về tiết kiệm điện, đã được chứng minh từ thực tế của các hộ gia đình, cơ quan công sở, doanh nghiệp… để mọi người cùng tham khảo, học hỏi và lan tỏa.
Ông Phạm Quốc Bảo, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Điện lực TPHCM cho biết: Tổng công ty Điện lực TP.HCM nói riêng và Tập Đoàn Điện lực Việt Nam nói chung vừa phải trải qua một giai đoạn rất khó khăn trong việc đảm bảo cung ứng điện mùa khô 2023 khi phải đối mặt với tình hình thời tiết cực đoan, nắng nóng gay gắt và kéo dài làm cho các hồ thủy điện gần như cạn nước, sản lượng điện tiêu thụ liên tục lập đỉnh. Tổng công ty Điện lực TP.HCM đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo cung ứng điện, trong đó có đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về tiết kiệm điện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban nhân dân TP.HCM về việc đẩy mạnh tiết kiệm điện và đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong mùa khô và năm 2023.
Cuộc thi viết “Tiết kiệm điện thành thói quen” là một sáng kiến tuyên truyền tiết kiệm điện của Tổng công ty Điện lực TP.HCM, để qua đó chọn lọc và chuyển tải những câu chuyện hay, những giải pháp tiết kiệm điện hiệu quả chia sẻ đến bạn đọc của Báo Thanh Niên trên cả nước.
Kết quả, đối với giải viết về các tổ chức, doanh nghiệp, Giải Nhất thuộc về bài “Học theo Bác, lính biên phòng "siêu" tiết kiệm điện” của Nguyễn Văn Hội (Long An). Giải Nhì thuộc về bài “Tắt khi không sử dụng điện mọi lúc mọi nơi", của Nguyễn Hữu Nhân (Đồng Tháp); "Lan tỏa tinh thần tiết kiệm điện từ những điều tưởng chừng nhỏ nhặt nhất” của Võ Gia Hân (TP Thủ Đức, TP HCM). Giải ba được trao cho tác giả Hoàng Hữu Hóa (Quảng Trị) với bài viết “Người dân Quảng Trị chung tay tiết kiệm điện mùa nắng nóng"; "Sáng kiến nhỏ như con thỏ nhưng hiệu quả lớn ở Hà Nội” của Đinh Thành Trung (Hà Nội); “Nhà nhà tiết kiệm điện ở quê tôi” của Nguyễn Tuấn Anh (Quảng Ngãi).
Giải Khuyến khích gồm các bài “Chuyện lạ đời, ở... phim trường cũng tiết kiệm điện” của Trần Thị Phương (TP Thủ Đức, TP HCM); "Tiết kiệm điện thành thói quen: Chuyện nhỏ ở Lữ đoàn chúng tôi” của Nguyễn Ngọc Vũ (Bắc Giang); “Hàng rong trên phố nói không với bóng đèn sợi đốt” của Đinh Thành Trung (Hà Nội); “ Nhóm Zalo cuối tháng... khoe hóa đơn tiền điện” của Tăng Hoàng Phi (Nghệ An); “Mang ơn lò sấy năng lượng mặt trời quá hết sẩy” của Nguyễn Thị Thanh Thúy (Gia Lai); “Ngon lành những dòng điện 0 đồng" của Nguyễn Thanh Bình (TP Thủ Đức, TP HCM).
Đối với giải viết về cá nhân sử dụng điện với mục đích sinh hoạt, ban tổ chức trao giải nhất cho bài “Cụ bà 81 tuổi ở Tiền Giang với sáng kiến tiết kiệm điện "không đụng hàng" của Nguyễn Thị Thu Thủy và Nguyễn Quốc Đạt (Tiền Giang). Giải Nhì được trao cho bài “Tiết kiệm điện cần chú ý ngay khâu mua sắm các thiết bị sử dụng” của Nguyễn Hà Anh (TP HCM); “Thói quen tiết kiệm điện của bố tôi đã ngấm vào máu" của Triệu Thị Tuyết Nhung (Phú Thọ). Giải Ba gồm các bài "Một người khỏe, cả nhà vui” của Nguyễn Hữu Nhân (Đồng Tháp); “Tôi có bí quyết dạy con tiết kiệm điện bằng... thơ” của Nguyễn Thị Mộng Huyền (Trà Vinh); “Những "bí quyết" giúp nhà nông tiết kiệm điện tiền triệu” của Nguyễn Thị Hồng (Đắk Lắk).
Ban Tổ chức cũng trao Giải Khuyến khích cho 30 cá nhân khác.