Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: Những thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mà hạt nhân là quá trình chuyển đổi số đang làm thay đổi thế giới. Chuyển đổi số góp phần mang đến một xã hội dân chủ và bình đẳng hơn; giúp đẩy nhanh xây dựng mô hình nhà nước kiến tạo phát triển và nền hành chính công hiệu quả, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo muốn thành công không đơn thuần chỉ dựa vào công nghệ, mà cần dựa trên sự kết hợp giữa ba yếu tố: công nghệ, thể chế và con người. Điều này đang làm thay đổi sâu sắc nội hàm về chiến lược phát triển rút ngắn và về con đường phát triển "đi tắt, đón đầu" của những nước đi sau, trong đó có Việt Nam.
Để đạt được mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam luôn quan tâm đầu tư, phát triển giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ, nhờ đó, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, Việt Nam còn một khoảng cách khá lớn so với một số nước trong khu vực và các nền kinh tế phát triển trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và trong việc đưa đổi mới sáng tạo trở thành một động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế.
Để vượt qua được những thách thức này, ông Nguyễn Xuân Thắng đề nghị đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, xây dựng chính phủ số; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ hiện đại cả về kinh tế, xã hội và môi trường: "Đây được xác định là một trong những đột phá chiến lược của Việt Nam để phát triển nhanh và bền vững. Việt Nam cần và có thể tận dụng lợi thế của nước đi sau để đi thẳng vào phát triển những lĩnh vực dựa trên đổi mới sáng tạo, nhất là những ngành kinh tế số, những ngành công nghiệp kết nối, dịch vụ kết nối, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, v.v... để khai thác được những nguồn lực và động lực phát triển chung của thế giới nhằm bứt phá phát triển"
Ông Nguyễn Xuân Thắng cũng nhấn mạnh việc phát huy vai trò trung tâm của doanh nghiệp trong đổi mới sáng tạo. Phải dám thay đổi là yêu cầu cấp bách đối với những doanh nghiệp; xây dựng hệ sinh thái cho đổi mới sáng tạo. Đồng thời, xây dựng môi trường thể chế tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo; trước hết là hệ thống chính sách, pháp luật đầy đủ, đồng bộ, minh bạch và có tính ưu đãi đủ lớn, hỗ trợ vượt qua rủi ro đối với các doanh nghiệp. Trong đó, Đổi mới sáng tạo không phải là một khẩu hiệu, càng không thể làm theo phong trào mà đòi hỏi đổi mới tư duy đi kèm với quyết tâm thay đổi hành động và cách làm để mang lại những kết quả mới. Đồng thời, có chính sách đãi ngộ thoả đáng, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài Việt Nam dù ở bất cứ nơi đâu, trong nước hay ngoài nước, vì sự phát triển phồn vinh của đất nước và dân tộc.
Tại Hội thảo này, các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học đã tập trung thảo luận, đánh giá những kết quả đạt được trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước Việt Nam về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; trong đó, tập trung phân tích, đánh giá các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách hiện hành về khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển kinh tế. Chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế và bài học về đổi mới sáng tạo và phát huy vai trò của đổi mới sáng tạo như một động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng đối với Việt Nam. Đồng thời kiến nghị các giải pháp nâng cao năng lực khoa học công nghệ quốc gia; hoàn thiện hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, nâng cao năng lực hấp thụ tiến bộ khoa học và công nghệ; để khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực phát triển của Việt Nam trong thời gian tới.
Lại Hoa/VOV1