Nâng cao hiệu quả công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam Việt

Việt Nam cần làm gì để sớm trở thành quốc gia không còn bom mìn sau chiến tranh?

 

Những kết quả tích cực

Vào một buổi sáng tháng 4/2022, như mọi ngày, bà Phan Thị Nguyệt ở xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ tỉnh Gia Lai lên rẫy hái điều thì tai họa bất ngờ ập đến. Bà Nguyệt không may vấp phải mìn. Sau tiếng nổ lớn, bà Nguyệt ngất đi và không còn biết gì nữa. Khi tỉnh dậy trong bệnh viện, bà khóc ngất khi nhận thấy hai chân bị dập nát gần một nữa, trên người chằng chịt vết thương.

Bà Nguyệt được chuyển từ Bệnh viện tỉnh Gia Lai lên Bệnh viện Chợ Rẫy ở TP Hồ Chí Minh. Nhờ có bảo hiểm y tế cũng như sự chăm sóc, giúp đỡ của các y, bác sĩ, các nhà từ thiện, bà Nguyệt đã dần bình phục. Sau 7 tháng điều trị ở bệnh viện, bà trở về nhà với đôi chân bị cụt gần một nửa, mắt mờ, sức khỏe suy giảm. Từ chỗ là nhân lực chính trong gia đình với 6 người con, việc gì cũng đến tay thì giờ đây, mỗi ngày bà Nguyệt chỉ có thể ngồi trên chiếc xe lăn nhìn dòng người qua lại trên đường.

Tương tự trường hợp của bà Nguyệt, một nạn nhân bom mìn khác là ông Ksor Anglih trú tại ở xã Biển Hồ, thành phố Pleiku cũng phải cưa chân lên tới tận đùi. Nhớ lại ngày tai họa năm xưa, người đàn ông 53 tuổi chia sẻ: Tôi đi du kích, vấp phải mìn. Mìn nổ xé toang đôi chân khỏi người tôi, tôi ngỡ mình đã chết. Thế nhưng, ông trời vẫn thương, cho tôi tiếp tục sống đến hôm nay. Đi đâu xa, tôi dùng xe lăn, còn ở nhà đôi ghế gỗ trở thành bạn đồng hành.

Nỗi đau mất một phần thân thể do bom mìn còn sót lại sau chiến tranh mà bà Phan Thị Nguyệt và ông Ksor Anglih đang phải gánh chịu cũng là số phận chung của nhiều nạn nhân bom mìn ở Việt Nam. Họ sống vất vả, khó khăn với một phần cơ thể tàn tật, nhẹ thì vài vết sẹo trên người, nặng thì mất chân, mất tay, mất khả năng lao động.

Thấu hiểu nỗi đau, vất vả khó khăn của các nạn nhân bom mìn ở tỉnh Gia Lai, trong hai ngày 8 và 9/9/2023, Hội Hỗ trợ Khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam, Quỹ Hoa Hòa bình, nhóm từ thiện “Chia sẻ ” ở TP.HCM, cùng các nhà tài trợ đã trao hỗ trợ sinh kế cho 35 nạn nhân bom mìn với số tiền 6 triệu đồng/người. Số tiền hỗ trợ này được đầu tư vào các hoạt động sản xuất, chăn nuôi nhằm phát triển kinh tế gia đình các nạn nhân bom mìn. Bà Nguyệt và ông Ksor Anglih cũng nằm trong danh sách được nhận hỗ trợ lần này. Và đây chỉ là một trong rất nhiều những hoạt động mà cộng đồng đã và đang chia sẻ với những nạn nhân bom mìn trên khắp đất nước.

Thời gian qua, các hoạt động trợ giúp nạn nhân bom mìn và chất độc hóa học được Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm, chỉ đạo thường xuyên. Cùng với hỗ trợ từ phía cộng đồng quốc tế, trong hơn 10 năm thực hiện Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 2010 - 2025 (Chương trình 504), Việt Nam đã thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần đem lại cuộc sống an toàn cho người dân và phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh của các địa phương.

Tháng 3/2018, Bộ Quốc phòng đã công bố kết quả thực hiện dự án Điều tra, khảo sát lập bản đồ ô nhiễm bom mìn, vật nổ trên phạm vi toàn quốc tại 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Theo đó, mật độ ô nhiễm bom mìn ở Việt Nam là 6,1 triệu ha, chiếm 18,82% diện tích của cả nước.

Trong giai đoạn 2019-2022, Bộ Quốc phòng phối hợp cùng với các bộ, ngành, tổ chức, địa phương tiếp tục triển khai điều tra, khảo sát và rà phá bom mìn, vật nổ trên toàn quốc với tốc độ trung bình đạt gần 50.000 ha/năm, được thực hiện trong các dự án thuộc Chương trình 504, các dự án đầu tư phát triển kinh tế xã hội và các dự án rà phá bom mìn nhân đạo. Lực lượng khảo sát và rà phá bom mìn chủ yếu là các đơn vị công binh toàn quân và các đội rà phá bom mìn của các tổ chức quốc tế.

Năm 2020, Bộ Quốc phòng đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan báo cáo Chính phủ phê duyệt, bảo đảm nguồn vốn là 192 tỷ đồng để tổ chức thực hiện Dự án rà phá bom mìn, vật nổ phục vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ hy sinh trong chiến tranh Bảo vệ Tổ quốc trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Kết quả là riêng trong năm 2021, Dự án đã tổ chức rà phá được tổng diện tích là 1.720 ha. Việc triển khai thực hiện Dự án có ý nghĩa hết sức quan trọng, giải phóng đất đai, phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ hy sinh trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc tại tỉnh Hà Giang, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương, đồng thời thể hiện trách nhiệm, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng, sự tri ân đối với anh hùng liệt sỹ, những người đã có công với Tổ quốc, dân tộc.

Đối với các dự án ODA không hoàn lại của chính phủ các nước, trong giai đoạn này, kết quả nổi là bật là đã khảo sát kỹ thuật khoảng 20.000 ha và triển khai rà phá bom mìn hơn 8.000 ha tại hai tỉnh Quảng Bình và Bình Định trong khuôn khổ Dự án Việt Nam-Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam. Hiện nay, Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cơ quan chức năng của 3 tỉnh liên quan (Thừa Thiên Huế, Bình Định và Quảng Ngãi) đang làm việc, trao đổi với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) để xây dựng hồ sơ 4 Dự án Hành động bom mìn vì Làng hòa bình Việt Nam-Hàn Quốc, với nguồn vốn ODA của Chính phủ Hàn Quốc là 25 triệu USD (trong đó 14 triệu USD cho dự án do Bộ Quốc phòng thực hiện, dự kiến khảo sát khoảng 16.000 ha, rà phá khoảng 6.000 ha), thực hiện trong 4 năm (2022-2026).

Những khó khăn vướng mắc còn tồn tại

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác khắc phục hậu quả bom, mìn còn những khó khăn, hạn chế, kết quả chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Chưa đạt được chỉ tiêu diện tích rà phá bom, mìn làm sạch đất đai (tỷ lệ hoàn thành mới đạt gần 70%). Nhiều địa phương ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên có tỷ lệ diện tích đất đai còn ô nhiễm bom, mìn còn cao, như: Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai... Bom mìn ở nước ta nhiều chủng loại, xuất xứ từ nhiều nước, nằm ở những độ sâu và địa hình khác nhau

Bên cạnh đó, việc quản lý, sử dụng nguồn lực nhà nước cho khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh chưa được tập trung; hoạt động rà phá bom, mìn chưa thật sự gắn với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả bom mìn còn có một số hạn chế, thiếu chủ động, chưa phát huy hết được vai trò và trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương. Việc huy động nguồn lực còn hạn chế, hiện tại mới chỉ có một số nước, tổ chức hỗ trợ nguồn lực thực hiện vì đầu tư vào lĩnh vực này là phi lợi nhuận, chỉ mang tính nhân đạo, nhân văn.

Việc rà phá bom mìn gần như chỉ được coi như việc của quân đội, nên chưa huy động được mạnh mẽ các nguồn lực xã hội. Trong khi nhiều nước xã hội hóa việc này, tư nhân tham gia và bỏ kinh phí thì ở Việt Nam, hầu như toàn bộ kinh phí rà phá, khắc phục hậu quả bom mìn là từ ngân sách nhà nước.

Công tác chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng cho nạn nhân bom mìn còn nhiều hạn chế do cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực đặc biệt ở các bệnh viện tuyến huyện và tuyến xã chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc điều trị đối với nạn nhân khi họ đi khám chữa bệnh.

Những hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân như: Do diện tích đất đai ô nhiễm lớn, tính chất ô nhiễm phức tạp; công nghệ và trang bị rà phá hạn chế, do đó tiến độ rà phá làm sạch đất đai còn chậm; nguồn lực bố trí cho công tác khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh chưa đáp ứng nhu cầu thực tế; chưa huy động và sử dụng được một cách tối đa nguồn lực quốc tế; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chậm được ban hành và chưa đồng bộ.

Các giải pháp trọng tâm

Để đẩy nhanh tốc độ khắc phục hậu quả bom, mìn, vật nổ, đưa Việt Nam sớm trở thành quốc gia không còn bom, mìn sau chiến tranh, Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) tiếp tục tham mưu Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom, mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam một số giải pháp trọng tâm.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong thực hiện công tác khắc phục hậu quả bom mìn; nâng cao nhận thức của người dân để chủ động phòng tránh tai nạn bom mìn; phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền về công tác khắc phục hậu quả bom mìn theo Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư; đổi mới hình thức, nội dung, biện pháp tuyên truyền, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia thực hiện để đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả.

Triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 748/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2023 - 2025, ký ngày 22/6/2023.

Tổ chức xây dựng và ban hành Pháp lệnh khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, làm cơ sở cho việc quản lý, vận động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh các hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh nói chung, khắc phục hậu quả bom mìn nói riêng

Tổ chức xây dựng và ban hành Pháp lệnh khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, làm cơ sở cho việc quản lý, vận động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh các hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh nói chung, khắc phục hậu quả bom mìn nói riêng.

Tiếp tục tổ chức thực hiện các đề tài, nhiệm vụ tăng cường tiềm lực nghiên cứu khoa học, phân tích, đánh giá, quan trắc, nghiên cứu làm chủ công nghệ xử lý bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam nhằm sớm đánh giá, khắc phục toàn diện hậu quả đối với con người và môi trường.

Xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin về bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam; khảo sát kỹ thuật, khoanh vùng các khu vực khẳng định ô nhiễm bom mìn; nâng cấp bảo tàng, khu chứng tích về hậu quả và tiến trình khắc phục ở Việt Nam.

Tiếp tục hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ với Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam thực hiện tốt tôn chỉ, mục đích của Hội trong việc giúp đỡ cho nạn nhân.

Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác trong nước, quốc tế, tăng cường xã hội hóa để thu hút sự quan tâm, ủng hộ, tham gia của các nước, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thực hiện công tác khắc phục hậu quả bom mìn, đối với con người và môi trường ở Việt Nam.

Ngọc Tú, Lê Hoàng, Hùng Cường, Kiều Anh/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận