Quy định mới về xe kinh doanh vận tải có nhiều 'lỗ hổng'

'Nếu không có quy định thời gian bao nhiêu ngày sau khi bị thu hồi phù hiệu doanh nghiệp vận tải mới được cấp lại thì sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy nguy hiểm..."

Nghị định 86/2014 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đối với ô tô trước đây đã đưa ra quy định xe bị tước phù hiệu, biển hiệu hai tháng sau mới được cấp lại. Tuy nhiên khi sửa đổi Nghị định 10/2020, nội dung này không còn.

“Lỗ hổng” cấp và thu hồi phù hiệu đối với xe kinh doanh vận tải

Bộ GTVT đang lấy ý kiến các bộ, ngành dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 10/2020 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải về ô tô. Trong đó, bộ này đề xuất siết việc cấp và thu hồi phù hiệu, biển hiệu đối với xe kinh doanh vận tải.

Bộ GTVT đề xuất Chính phủ sửa Nghị định 10/2020 theo hướng quy định rõ thời hạn thu hồi phù hiệu, biển hiệu đối với xe kinh doanh vận tải.

Theo Bộ GTVT, Nghị định 10/2020 có quy định xử lý vi phạm bằng hình thức thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải, đình chỉ khai thác tuyến và thu hồi phù hiệu, biển hiệu. Tuy nhiên, chưa có quy định thời gian thu hồi hoặc sau khi thu hồi bao lâu thì mới được cấp lại.

“Điều này làm giảm hiệu quả của công tác quản lý, không đảm bảo tính răn đe trong quá trình xử lý đối với các trường hợp vi phạm. Cạnh đó, một số đơn vị bị thu hồi cố tình không nộp về cơ quan cấp theo đúng quyết định thu hồi nhưng chưa có chế tài để bắt buộc các đơn vị vi phạm phải chấp hành đúng theo quyết định thu hồi…”, Bộ GTVT cho biết.

Thảo luận về nội dung nghị định, ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, thực tế Nghị định 86/2014 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đối với ô tô trước đây đã đưa ra quy định xe bị tước phù hiệu, biển hiệu hai tháng sau mới được cấp lại phù hiệu mới. Tuy nhiên khi sửa đổi Nghị định 10/2020, nội dung này bị loại ra.

“Do không quy định thời gian xin cấp lại sau khi bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu nên doanh nghiệp hôm nay bị thu hồi, ngày mai có thể xin cấp lại. Quy định tụt lùi so với trước. Đây thực sự là “lỗ hổng” cần phải sớm có biện pháp khắc phục”, ông Cường nhìn nhận.

Để vá “lỗ hổng” này, Bộ GTVT đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 11 Điều 22, theo hướng bổ sung quy định về thời gian thu hồi phù hiệu, biển hiệu. Cụ thể, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ký xử phạt, đơn vị kinh doanh vận tải phải nộp lại phù hiệu, biển hiệu. Sở GTVT không cấp lại phù hiệu, biển hiệu trong thời gian 30-60 ngày (tùy trường hợp thu hồi) kể từ ngày đơn vị kinh doanh vận tải nộp phù hiệu, biển hiệu.

Chuyên gia lo ngại, do không quy định thời gian xin cấp lại sau khi bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu nên doanh nghiệp hôm nay bị thu hồi, ngày mai có thể xin cấp lại.

Các trường hợp quá thời hạn trên, đơn vị kinh doanh vận tải không nộp, Sở GTVT tiếp tục đăng tải quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải và phù hiệu, biển hiệu trên trang thông tin điện tử của đơn vị. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày đăng tải, đơn vị kinh doanh vận tải vẫn không nộp, Sở GTVT cập nhật vào chương trình quản lý kiểm định để cảnh báo xe liên quan đến vi phạm bị xử lý thu hồi phù hiệu, biển hiệu.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, nếu như chúng ta quy định thời gian thu hồi phù hiệu, biển hiệu 30 ngày thôi thì xe kinh doanh phải nằm bãi một tháng, ngay lập tức đánh vào lợi ích kinh tế của chủ xe. Đây cũng là lời răn đe, cảnh báo đối với chủ doanh nghiệp, buộc doanh nghiệp phải có trách nhiệm hơn với tài xế và xe.

“Nếu không có quy định thời gian bao nhiêu ngày sau khi bị thu hồi phù hiệu doanh nghiệp vận tải mới được cấp lại thì sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy nguy hiểm. Tôi cho rằng quy định này cần phải sửa sớm”, ông Hùng nói.

Ông Khuất Việt Hùng cho rằng thực tế từ đầu năm đến nay có nhà xe bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu cả trăm lần (xe Thành Bưởi 246 lần). Tuy nhiên điều lạ ở đây là doanh nghiệp đó vẫn hoạt động bình thường. Như vậy, rõ ràng quy định hiện hành có “lỗ hổng” về thời hạn thu hồi phù hiệu, biển hiệu dẫn đến doanh nghiệp không sợ.

Cũng theo ông Hùng, tới đây cần hoàn thiện các phần mềm quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô để phục vụ tốt công tác giám sát trực tuyến thay vì hậu kiểm như hiện nay. Mục đích, cảnh báo trực tiếp tới doanh nghiệp, đặc biệt là gửi trực tiếp các thông tin xe vi phạm đến lực lượng thực thi nhiệm vụ trên đường để ngăn chặn các hành vi vi phạm của tài xế.

Cần hoàn thiện các phần mềm quản lý kinh doanh vận tải, lái xe

Trước nhiều ý kiến đóng góp vào bản dự thảo nghị định mới, Bộ trưởng Bộ GTVT đã yêu cầu Cục Đường bộ rà soát các quy định, không để tình trạng quy định mới tụt lùi so với quy định cũ. Song song đó, tăng chế tài, xử phạt đối với các nhà xe để xe vi phạm nhiều lần; để nhân viên lái xe của mình vi phạm nhiều lần và nghiêm trọng.

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng, nếu không có quy định thời gian bao nhiêu ngày sau khi bị thu hồi phù hiệu doanh nghiệp vận tải mới được cấp lại thì sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy nguy hiểm. 

Theo Bộ GTVT, hiện nay hệ thống xử lý thông tin từ thiết bị giám sát hành trình (hộp đen trên xe ô tô) còn hạn chế. Do được xây dựng từ năm 2015 nên công nghệ lạc hậu, hạn chế về năng lực xử lý, dữ liệu tổng hợp hằng tháng chưa được kịp thời. Vì vậy, việc xử lý, chấn chỉnh vi phạm đối với đơn vị vận tải còn chậm. Hệ thống xử lý dữ liệu hình ảnh camera mới dừng lại ở bước thử nghiệm, hiện các sở GTVT đang phải theo dõi, chiết xuất dữ liệu trên phần mềm của đơn vị vận tải nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn.

Để phát huy hiệu quả giám sát hành trình, Bộ GTVT đề xuất trước mắt sửa đổi, bổ sung khoản 10 Điều 22 Nghị định 10 theo hướng, đơn vị kinh doanh vận tải bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu khi trích xuất dữ liệu từ thiết bị GSHT của mỗi xe trong một ngày có từ ba lần vi phạm tốc độ trở lên (không tính các trường hợp vi phạm tốc độ dưới 5 km/giờ) thay vì chờ tổng hợp một tháng năm lần vượt quá tốc độ mới xử lý như quy định hiện hành.

“Mục đích quy định trên đảm bảo việc xử lý các xe vi phạm tốc độ được xử lý kịp thời khi trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, nhằm nâng cao ý thức chấp hành quy định về tốc độ của người lái xe, đơn vị vận tải…”, Bộ GTVT cho hay.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng việc gắn thiết bị giám sát hành trình cũng như camera hiện hành về cơ bản phát huy tác dụng. Tuy nhiên, thiết bị giám sát hành trình chưa đáp ứng được kỳ vọng, nhiều tính năng cảnh báo chưa khai thác hết để phục vụ cho công tác quản lý.

“Tôi mong muốn thời gian tới cơ quan quản lý nhà nước chấn chỉnh, có chỉ đạo để nâng cao hiệu quả sử dụng hệ thống này…”, ông Quyền nói.

Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 2023, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, thời gian qua, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội tiếp tục đạt được kết quả tích cực; số vụ và số người chết do tai nạn giao thông giảm sâu so với năm 2022.

TP Hà Nội cũng kiến nghị Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ GTVT chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam sớm hoàn thiện phần mềm quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô, làm cơ sở xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Phi Long/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận