Chương trình liên kết trong các trường học thời gian qua nhận được không ít những ý kiến bức xúc từ các bậc phụ huynh, phần lớn trong đó là việc xếp xen kẽ các môn liên kết với giờ học chính khóa, khiến những học sinh không đăng ký học sẽ phải “ra khỏi lớp”.
Theo thống kê của các địa phương, hiện các chương trình tăng cường, liên kết mà các trường tổ chức học phổ biến chính là những chương trình dạy ngoại ngữ, kỹ năng sống. Việc dạy các môn tăng cường, liên kết là hoạt động giáo dục được cho phép tại Nghị đinh 24 năm 2021 của Chính phủ về quản lý trường mầm non và trường phổ thông công lập.
Tuy nhiên, không khó để gặp được những ý kiến bức xúc của các bậc phụ huynh cho rằng, việc sắp xếp chương trình liên kết không hợp lý, dù việc đăng ký học là “tự nguyện”. Có trường hợp phụ huynh có con đang học tiểu học đã ký đơn “tự nguyện” tham gia các môn liên kết là tiếng Anh, STEM và kỹ năng sống giữa nhà trường với một trung tâm bên ngoài. Vị phụ huynh này cho biết, dù không muốn cho con học cả 3 môn liên kết, với khoảng tiền hơn 700.000 đồng/1 tháng, nhưng các môn học này lại được xếp xen kẽ vào giờ học chính khoá, nên chị và nhiều phụ huynh khác trong lớp vẫn phải đăng ký học để con không phải ra khỏi lớp trong những giờ học này.
“Nhà trường xếp các tiết học của các môn tăng cường, bổ trợ này vào thời gian biểu học chính khoá. Ví dụ như có thể ghép vào buổi sáng vào tiết 3, tiết 4, buổi chiều- tiết 1, tiết 2. Như vậy, trong thời gian diễn ra các môn tăng cường, các con nếu không đăng ký tham gia thì các con sẽ không được ngồi trong lớp học, các con sẽ một là xuống thư viện, hai là vào phòng hội đồng, ba là đến một phòng thể dục nào đó”, vị phụ huynh này nói.
Có những phụ huynh thậm chí có cái nhìn tiêu cực hơn về chương trình liên kết, cho rằng việc xếp lịch học như vậy là đặt phụ huynh học sinh vào tình thế ép buộc, bởi không phụ huynh nào muốn con phải ra khỏi lớp như vậy.
Trước ý kiến từ phụ huynh học sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã yêu cầu các Sở GD-ĐT rà soát tình hình hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa tại các trường học, từ mầm non tới phổ thông và giáo dục thường xuyên. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng nêu rõ, các trường khi đã thực hiện đầy đủ các tiết học chính khoá, còn thời gian trống mới tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp và việc tổ chức các hoạt động này phải đảm bảo tinh thần “tự nguyện”.
Thực tế, nhiều chuyên gia nhận định, việc cho con tham gia các lớp học tăng cường, lớp học liên kết trong trường phổ thông là nhu cầu rất thực tế của nhiều phụ huynh, bởi hầu hết các trường đều không tổ chức các môn học như kỹ năng sống, STEM, ngoại ngữ với người bản địa. Vì vậy, vấn đề đặt ra hiện nay đó là cơ quan quản lý cần đánh giá chất lượng đào tạo và cách tổ chức lớp học đối với các chương trình tăng cường, liên kết đào tạo này để tránh tình trạng lạm dụng, hoặc ép buộc học sinh theo học.
TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Phó Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng, khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhiều trường, nhiều giáo viên chưa có đủ điều kiện tiếp cận. Do vậy, việc dạy liên kết là hoàn toàn phù hợp, song việc bố trí chương trình dạy liên kết phải khoa học và hiệu quả.
“Về nguyên tắc, nếu bộ phận, chương trình nào nhà trường chưa có kinh nghiệm triển khai, làm chưa tốt… thì liên kết với các trung tâm bên ngoài. Việc dạy liên kết này không nên cấm, thay vào đó, phải chỉ đạo trong thực hiện để chương trình dạy liên kết được triển khai nhuần nhuyễn, hiệu quả, phù hợp với nhà trường”, TS. Nguyễn Tùng Lâm nói.
Cũng theo Phó Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Việt Nam, việc triển khai chương trình liên kết tự do làm phát sinh dự luận tiêu cực với ngành giáo dục là điều đáng lo ngại nhất hiện nay. Do vậy, các nhà trường khi thực hiện chương trình liên kết phải đảm bảo hai yếu tố. Thứ nhất, là công khai để phụ huynh hiểu được chương trình, hiểu được những giá trị tốt đẹp con em mình nhận được khi tham gia học. Thứ hai, nhà trường phải có những tính toán tài chính phù hợp, để không biến các chương trình liên kết này thành hình thức học thêm căng thẳng.
“Khi thực hiện đào tạo, mục tiêu của chúng ta là tạo ra giá trị, thay đổi được học trò và được học trò công nhận. Bên cạnh đó, trong điều kiện kinh tế và thời gian tại nhà trường, thì các chương trình liên kết phải được cân đối hợp lý, không gây áp lực cho học trò. Đây là điểm khó khi thực hiện chương trình liên kết. Song nếu chương trình liên kết có giá trị, tôi tin rằng, các phụ huynh hoàn toàn ủng hộ vì lợi ích của con em mình”, TS. Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.
Theo VOV.VN