Chống tin giả trên mạng xã hội: Bộ TT&TT quyết liệt với 'cuộc chiến' dài hơi

Các nền tảng mạng xã hội đang có nhiều động thái giải quyết vấn nạn tin giả.

 

Tuy chưa đề cập đến việc có xóa các nội dung sai lệch hay không, song thông tin như vậy sẽ bị giảm tiếp cận đến người dùng.

Với thông điệp “Tin trên mạng, tin cho đúng”, “chiến dịch Tin” nhằm chống tin giả trên các nền tảng mạng xã hội do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa phát động kỳ vọng tạo nên một sân chơi lành mạnh, khuyến khích người sử dụng Internet tại Việt Nam có thể sáng tạo, sản xuất nội dung tích cực.

Tập hợp KOLs cùng tham gia truyền thông chính sách

Theo ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (PT-TH&TTĐT), Bộ TT&TT, lần đầu tiên Bộ tập hợp, kết nối được rất nhiều KOLs (người có ảnh hưởng trên mạng) nổi tiếng trên mạng ở khắp các tỉnh, thành cùng tham gia vào một chiến dịch truyền thông được kỳ vọng sẽ tạo được sự lan tỏa lớn. Đó là chống tin giả.

Mục tiêu của chiến dịch là cung cấp những thông tin, kỹ năng cơ bản để người sử dụng Internet có thể nhận biết, phát hiện, phòng tránh tin giả, thông tin xấu độc trên mạng đồng thời nhận thức rõ trách nhiệm trong việc đăng tải, cung cấp, chia sẻ thông tin trên mạng..

“Việc phòng chống tin giả là một cuộc chiến lâu dài. Đây là một trong những hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng. Sự kiện này sẽ được đổi mới hằng năm theo sự phát triển mới của công nghệ”, ông Lê Quang Tự Do cho hay.

Theo Cục trưởng Cục PT-TH&TTĐT, năm nay chiến dịch làm theo hình thức video clip có những điệu nhảy, bài hát… Những năm sau, khi sự phát triển công nghệ mới sẽ có những hình thức khác nữa để tuyên truyền về phòng chống tin giả.

“Tất cả những hoạt động này sẽ liên tục được Bộ TT&TT triển khai không chỉ trong một ngày, một thời điểm mà sẽ là cuộc chiến dài hơi”, Cục trưởng Cục PT-TH&TTĐT khẳng định.

Bên cạnh những chiến dịch nâng cao nhận thức người dùng mạng như thế này, Bộ TT&TT cũng triển khai nhiều biện pháp khác, như giám sát, phát hiện các thông tin xấu độc, vi phạm pháp luật, tin giả… trên mạng; đẩy mạnh xử lý nghiêm các đối tượng tung tin giả và yêu cầu các nền tảng, đặc biệt là các nền tảng xuyên biên giới tăng cường các bộ lọc để kiểm duyệt, rà quét, ngăn chặn các thông tin giả xuất hiện trên nền tảng.

Ông Lê Quang Tự Do cũng cho biết, sự kiện này là một trong những cách làm mới trong truyền thông chính sách. Cụ thể, tập hợp các KOLs trên mạng để cùng truyền thông một vấn đề nóng của xã hội là chống tin giả.

“Chúng tôi rất vui vì nhận được phản ứng tích cực. Mọi người cũng có cảm nhận mình có trách nhiệm trong việc cùng nhà nước, cùng Bộ TT&TT phòng chống tin giả. Đến nay, chúng tôi đã nhận được gần 600.000 video clip hưởng ứng và một lượng view “khổng lồ” gần 2 tỷ view trong 10 ngày đầu tiên triển khai. Đó là sự động viên rất lớn cho chương trình”, ông Lê Quang Tự Do cho hay.

Cũng theo đại diện Bộ TT&TT, bất kỳ nền tảng khi vào Việt Nam, kiếm tiền từ người dân Việt Nam, hoạt động kinh doanh, thu lợi nhuận thì phải có trách nhiệm đóng góp lại cho cộng đồng.

“Đóng góp đầu tiên của các nền tảng mạng xã hội là phải góp phần làm trong sạch không gian mạng, làm những điều có ích mà mình được hưởng lợi từ đó. Trong chuỗi hoạt động truyền thông này cũng chính là điều trong kết luận kiểm tra mà TikTok đang thực hiện cam kết tuân thủ pháp luật và đóng góp cho cộng đồng. Cuộc thi Anti Fake News là một trong những hoạt động thể hiện cam kết này của TikTok”, ông Lê Quang Tự Do cho biết thêm.

Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử.Mạng xã hội có động thái giải quyết vấn nạn tin giả

Theo Bộ TT&TT, hiện các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok đang có nhiều động thái giải quyết vấn nạn tin giả.

Facebook cho biết đã làm việc với đối tác chuyên về xác minh thông tin để phát hiện và xem xét thông tin sai sự thật. Nền tảng không đề cập đến việc có xóa các nội dung sai lệch hay không, nhưng những thông tin như vậy sẽ bị đưa xuống vị trí thấp để giảm khả năng tiếp cận đến người dùng, đồng thời người đăng bị hạn chế phân phối bài đăng và không thể quảng cáo.

YouTube nơi bùng phát nhiều tin giả, xấu độc, đặc biệt từ các nguồn nước ngoài nhắm tới người dùng Việt. Trên website của mình, nền tảng này khẳng định nội dung xấu “chiếm một tỷ lệ phần trăm rất nhỏ” với tỷ lệ lượt xem chiếm khoảng 0,16-0,18%.

Google cho biết họ xử lý thông tin sai lệch theo bốn nguyên tắc, gồm: gỡ bỏ nội dung vi phạm chính sách, giảm nội dung đề xuất gần ranh giới vi phạm chính sách, ưu tiên nguồn đáng tin cậy, đồng thời khen thưởng các nhà sáng tạo uy tín.

Ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ TT&TT công bố sai phạm của TikTok bày tỏ: “Chúng tôi cam kết tuân thủ quy định pháp luật địa phương. TikTok sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ TT&TT và các bộ ngành liên quan để thực hiện kết luận kiểm tra. Nhiều kết luận kiểm tra đã được TikTok thực hiện, một số đang được thực hiện và một số nội dung cần phải có thời gian. Về cơ bản, TikTok sẽ tổ chức để thực hiện kết luận của đoàn kiểm tra”.

Thực tế, không gian mạng là phương tiện tuyệt vời để kết nối mọi người nhưng cũng ẩn chứa những rủi ro, cạm bẫy. Không phải mọi thứ trên mạng Internet đều an toàn và đáng tin cậy. Do vậy, hành động có trách nhiệm trên không gian mạng là cách duy nhất mà mỗi cá nhân, tổ chức có thể bảo vệ mình, bảo vệ những người xung quanh.

Hiện, Bộ TT&TT cũng đang trình Chính phủ dự thảo nghị định thay thế nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng. Theo đó, triển khai xác thực tài khoản mạng xã hội qua số điện thoại.

Giới chuyên gia đánh giá, sau khi tài khoản mạng xã hội bắt buộc phải xác thực bằng số điện thoại chính chủ, gắn liền với thông tin căn cước công dân khi ký hợp đồng sử dụng thuê bao với các doanh nghiệp viễn thông, hành vi trên mạng xã hội của người dùng sẽ có trách nhiệm hơn.

“Khi các nhà sáng tạo nội dung được xác thực danh tính rõ ràng, do liên quan đến tài khoản ngân hàng và mã số thuế khi kinh doanh thương mại điện tử trên TikTok, việc đưa thông tin sai lệch rất hạn chế vì họ nhận thấy hậu quả nhãn tiền”, ông Nguyễn Lâm Thanh cho hay.

Vân Anh/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận